Nghĩa Trủng miếu còn gọi là miếu Âm Nhơn, tọa lạc tại tổ 9, ấp Phước Hanh B, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ. Di tích gồm có 02 phần : ngôi miếu và nghĩa trang là nơi thờ tự và yên nghỉ của nghĩa sĩ vì nước quên thân.

Ngày 20 tháng 5 năm 1862, thực dân Pháp tấn công Vĩnh Long. Quan quân thành Vĩnh Long chiến đấu anh dũng nhưng không ngăn được sự tấn công của quân Pháp nên đốt các kho tàng dinh thự trong thành và rút đi. Các tử sĩ được đưa về làng Phước Hanh mai táng.

Đến năm 1867, thành Vĩnh Long mất vào tay Pháp, nhiều binh lính không chịu qui hàng nên lui ra vùng ngoại thành kháng chiến. Nghĩa quân chia ra nhiều nhóm nhỏ quần nhau với giặc. Nhưng vì vũ khí thô sơ không chống lại vũ khí tối tân nên nhiều nghĩa quân anh dũng ngã xuống. Nhân dân các nơi chuyển tử sĩ về làng Phước Hanh mai táng.

Nghĩa trang mở rộng khoảng 7.000 mét vuông. Tử sĩ mai táng ở đây lên đến 2.000 người. Nhân dân dựng nên ngôi miếu thờ các vị anh hùng vì nước quên thân. Ngôi miếu ban đầu đơn sơ bằng tre lá. Năm 1945, dân làng Ngươn Hanh góp công sức dựng lại ngôi miếu có phần kiên cố hơn. Năm 1972, ông Đỗ Phước Trinh cúng số tiền đại tu ngôi miếu.

Ngôi miếu xây hình vuông, mỗi cạnh 9 mét, nền đá xanh cao 0,85 mét, tường xây ô dước, nền lát gạch tàu, nóc lợp ngói âm dương.

Nghĩa trang nằm cách miếu 100 mét, diện tích nghĩa trang trước kia là 7.000 mét vuông, nay thu hẹp còn 4.000 mét vuông. Trước đây, bốn góc nghĩa trang có bốn trụ gạch, cao 1,2 mét, rộng 0,8mét, nay chỉ còn hai trụ. Cạnh nghĩa trang hiện còn dấu vết tấm bình phong, xây bằng gạch. Bên cạnh nghĩa trang hiện còn hai cây dương cổ thụ. Lâu nay, dân quanh vùng vẫn luôn cố gắng giữ gìn khu nghĩa trang này, vì nơi đây là chỗ yên nghỉ của hơn 2.000 anh hùng tử sĩ vì nước hy sinh.

Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, lâu nay, người dân nơi đây truyền đời thay nhau chăm sóc nghĩa trang, hương khói ngôi miếu. Hàng năm có các lệ cúng : rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười cùng các lệ cúng : 20 – 21 tháng ba, 16 – 17 tháng tư, mùng năm tháng năm âm lịch.

Ngày 20 tháng 12 năm 2000, UBND tỉnh ra quyết định số 3439/QĐ.UBT công nhận Nghĩa Trủng miếu là di tích lịch sử – văn hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *