Nhật Bản có rất nhiều sản vật nổi tiếng và một trong số đó chính là nấm hương. Tiếp tục chương trình, mời quý khán giả cùng tìm hiểu về nghề trồng nấm hương truyền thống rất độc đáo của người dân xứ sở Phù Tang.
Nằm sâu trong những ngọn núi với những cánh rừng sồi bạt ngàn ở tỉnh Oita thuộc vùng Kyushu là nơi có nghề trồng nấm hương phát triển rất mạnh mẽ. Cây sồi đặc biệt phù hợp để trồng nấm và tỉnh Oita có nhiều sồi hơn mọi vùng đất khác của Nhật Bản. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Oita luôn là địa phương trồng nấm hương lớn nhất nước.
Cứ vào đầu mùa Xuân, nông dân sẽ tiến hành chặt cây sồi để trồng nấm. Họ cưa cây sồi thành nhiều khúc, mỗi khúc dài khoảng 1 mét và khoan lên gỗ sồi nhiều lỗ nhỏ, sâu khoảng 3 cm, các lỗ này nằm ở vị trí so le nhau. Sau đó, họ tra bào tử nấm hay meo nấm vào các lỗ rồi huyển các khúc gỗ này đến những khu vực râm mát, không có nắng chiếu trực tiếp.
Việc trồng nấm hương giữa rừng nhằm đảm bảo nấm sinh trưởng và phát triển giống với môi trường tự nhiên nhất. Cứ mỗi 2 tháng, nông dân trồng nấm sẽ đảo các đống gỗ sồi một lần và kiểm tra độ ẩm của gỗ. Theo cách trồng này, phải mất 2 năm họ mới có thể thu hoạch nấm.
“Những khu vực đồi núi của vùng Kyushu rất phù hợp để trồng nấm hương. Các khu rừng sồi cùng với điều kiện khí hậu và đất đai đã giúp nấm hương trồng ở đây có chất lượng cao hơn hẳn các vùng khác, thơm hơn và ngọt tự nhiên.”
Mặc dù công nghệ trồng nấm hương trong nhà kính ở Nhật Bản rất phát triển, với thời gian kể từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ mất khoảng 16 tháng, song nhiều gia đình vẫn kiên trì với phương pháp trồng nấm hương giữa rừng theo truyền thống đã có từ hàng ngàn năm trước.
Khi được trồng trên gỗ sồi giữa rừng như thế này, nấm hương cho sản lượng không cao. Tuy nhiên, nấm có thể hấp thụ các khoáng chất và đường phức hợp trong chính gỗ sồi, nhờ đó có hương vị rất đặc biệt. Đây cũng là lý do khiến nấm hương loại này có giá rất cao. Ngoài ra, nghề trồng nấm hương truyền thống còn giúp mang đến việc làm cho nhiều người cao tuổi ở các vùng nông thôn.
“Chúng tôi trồng cây sồi, khai thác gỗ để trồng nấm và tiếp tục trồng cây. Chúng tôi tận dụng môi trường tự nhiên để trồng nấm, vì vậy chúng tôi càng ra sức bảo vệ tự nhiên để bảo vệ sinh kế của mình.”
Ngoài hương vị độc đáo, nấm hương còn có nhiều dinh dưỡng cùng các vitamin B, C, tiền vitamin D, canxi, sắt, nhôm, magie… Đặc biệt, nấm còn chứa nhiều acid amin mà cơ thể người không tự tổng hợp được. Không chỉ được sử dụng rất phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản, nấm hương còn là một trong những nông sản xuất khẩu rất nổi tiếng. Chính phương pháp trồng nấm tỉ mỉ và rất kỳ công đã giúp nấm hương Nhật Bản luôn được nhiều người ưa chuộng.
Hồng Anh