Giá có thể, bàn tay liều lĩnh
Ngực tròn vuốt nhẹ cuồng si…
Ảo mộng cả, làm sao ta dám
Bước chân vào vực biển ngầu mê…

Năm 1983, mới 14 tuổi, cậu học trò trung học Aleksandr Puskin đã viết như thế tặng cô nghệ sĩ nông nô Natalia trong Nhà hát tại gia của bá tước Tolstoi ở Hoàng thôn. Cậu bé rất nhiều tối ngồi xem kịch và mãi không dám chìa những ngón tay run rẩy ra chạm vào váy cô nữ diễn viên yêu kiều.

Trở về phòng nội trú trong trường trung học “giản đơn như phòng tu sĩ”, Puskin đã bị chìm đắm vào nỗi khao khát không thỏa mỹ nhân ngực tròn. Suốt đời, đại thi hào Nga vẫn coi hình mẫu lý tưởng của phái đẹp là những người con gái có bộ ngực tròn căng và đôi bàn chân nhỏ nhắn.

Cuộc đời thật lạ lùng. 15 năm sau bài thơ gần như đầu tay trên, Puskin – lúc này đã đủ kinh nghiệm sống để lập gia đình – bất ngờ, trong một đêm dạ hội mùa đông, gặp một thiếu nữ 16 tuổi, cũng mang cái tên giống cô nông nô nghệ sĩ từng ám ảnh anh suốt buổi thiếu thời. Đó là Natalia Gontsarova, sinh đúng một ngày sau trận đánh Borodino lừng danh – ngày 28/8/1812.

Cô gái dáng người thanh mảnh, cao ráo, ngực tròn căng sự sống. Lớn lên ở những trang trại nông thôn, trong không khí trong lành, Natalia đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời cho nhan sắc Nga tràn trề sự sống. Puskin cảm thấy mình như bị sét đánh và ngay lập tức tìm cách để cầu hôn. Công việc không dễ dàng gì vì mẹ của Natalia mãi không chịu gật đầu với nhà thơ – danh tiếng, nhưng không phải một quý ông nhiều phần giàu có.

Theo bà, Natalia lúc đó còn quá trẻ. Cô là út trong số 3 người con gái của bà, hơn nữa, một cô gái như thế hoàn toàn có thể đợi một vị hôn phu quyền quý hơn là một thi sĩ. Thêm vào đó, bà cũng không muốn gả con gái khi gia đình chưa tích góp được tiền sắm của hồi môn cho cô.

Cầu hôn một lần không xong, Puskin lại cầu hôn thêm lần nữa và không ngần ngại đặt luôn trang trại mà cha dành cho anh để có tiền đưa cho bà nhạc tương lai mua sắm của hồi môn cho con gái.

Việc này rất hiếm xảy ra ở nước Nga Sa hoàng, vì làm như thế, Puskin đã đặt tất cả tương lai của mình vào cuộc hôn nhân này : Anh không thể hình dung được cuộc sống vợ chồng mà lại không có Natalia Gontsarova!… “Hoặc em sẽ cưới tôi, hoặc tôi sẽ không bao giờ lấy vợ!” – Puskin đã viết cho vị hôn thê tương lai như vậy.

“Yêu như lao xuống dòng nước xoáy” (thơ Hồng Thanh Quang) như vậy, ai mà cản được. Mặc dù lễ ăn hỏi diễn ra ngày 6/4/1830, nhưng phải tới ngày 18/2/1831, hôn lễ mới được cử hành.

Natalia Puskin

Những năm đầu tiên trong cuộc sống gia đình của Puskin trôi qua như một giấc mộng. Công bằng mà nói, Natalia quả thực là đệ nhất mỹ nhân hồi ấy. Tất cả những hoạ phẩm từ thời đấy cho đến hôm nay đều có thể khiến chúng ta phải trầm trồ trước nhan sắc của Natalia : những đường nét thanh tú cổ điển của khuôn mặt, đôi mắt hơi xếch cực kỳ ăn ý với vòng eo tuyệt mỹ.

Có những chứng minh về đôi vai hoàn hảo và chiều cao của Natalia : cô cao hơn mức trung bình, ngay cả với đàn ông thời đó. Puskin dĩ nhiên là thấp hơn vợ mình. Nhưng, là một thi sĩ đầy tự tin, anh không hề mặc cảm về chuyện này, mà trái lại, có phần thích thú với cảnh tương phản đó.

Thực ra, làm chồng của một mỹ nhân như Natalia không bao giờ là việc hoàn toàn dễ chịu : phải đối mặt với quá nhiều ghen tỵ và những mưu toan tước đoạt dù chỉ tạm thời, rất kín đáo. Cho tới ngày hôm nay vẫn giữ được một tờ tạp chí chép tay có cái tên ”Momus”, xuất hiện năm 1831. Đó là tờ tạp chí của một số sinh viên Đại học Tổng hợp Moskva, trong đó có một người mê Natalia Gontsarova. Một sinh viên đã chép vào đó bài thơ về cô và Puskin một tháng rưỡi trước khi nhà thơ làm đám cưới.

“Nàng bỏ tôi đi theo kẻ khác
Kẻ khác ghì chặt nàng vào ngực
Ôi dĩ vãng làm sao về lại
Trả cho tôi hạnh phúc tàn phai!

 

 

Không, không thể! Trời ơi! Trời hỡi!
Số phận nàng không gắn cùng tôi
Kẻ khác ở trên giường hôn lễ
Tháo ngực tròn khỏi những hồ nghi.

Và trong phút tràn trề vui sướng
Đôi tay trần nàng sẽ ghì mê
Trong náo nức và trong rát bỏng
Nàng gọi tên kẻ khác cuồng si.

Tôi là chi? Tôi chỉ là tro bụi
Chẳng bao giờ nàng sẽ cùng tôi… "

Như người khác đã nói, lắm khi rất ngẫu nhiên thôi, hoan lạc của người này là sự đau đớn tái tê lòng của người khác. Là một thi sĩ, Puskin hiểu điều đó, nhưng rõ ràng, anh không bao giờ tình nguyện trao niềm hạnh phúc mà anh cho là duy nhất của anh cho những kẻ si mê vợ anh.

Làm vợ Puskin chỉ được vài năm, Natalia trở thành mẹ của bốn đứa con. Gần như năm nào cô cũng có mang. Tuy nhiên, không vì thế mà thân hình tuyệt mỹ của cô bị ảnh hưởng đáng kể (Natalia không trực tiếp cho con bú, mà nhờ các vú em nuôi hộ bằng sữa của họ). Và bởi vậy, các trang phục dạ hội vẫn lộng lẫy hiện diện trên người Natalia một cách ổn thoả và vẫn làm cho những nam nhi sáng giá nhất trong giới quý tộc Nga phải rung động.

Năm 1831, bá tước Vladimir Sollogub ghi lại ấn tượng của mình khi đến chơi nhà Puskin trong một ngày cuối thu đầu đông : “Cha tôi đưa tôi tới chơi nhà Puskin – nhà thơ sống trong một ngôi nhà khiêm nhường. Chủ nhân ông đi vắng, nên tiếp chúng tôi là người vợ mỹ nhân của nhà thơ. Tôi đã nhìn trong đời mình vô số phụ nữ đẹp, có những người còn rạng ngời hơn cả vợ Puskin, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai kết hợp được trong mình sự hoàn mỹ của những nét mặt cổ điển với thân hình như thế…

Vóc dáng cao ráo, eo thon không thể nào tưởng tượng được, vai rộng và ngực căng tròn, mái đầu bé bỏng của nàng như bông hoa huệ trên cành, chuyển động ngoạn mục và duyên dáng trên cái cổ thon dài. Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một dáng người hoàn mỹ đến thế. Rồi cả làn da, đôi mắt, hàm răng, đôi tai nữa… Đúng, đó thực sự là một người phụ nữ đẹp và không ngẫu nhiên mà tất cả các mỹ nhân khác đều trở nên mờ nhạt đi mỗi khi nàng xuất hiện”.

Thậm chí, cả những thượng khách từ Châu Âu sang cũng ngạc nhiên vui sướng. Mùa thu năm 1833, F.Lans –  một quý ông người Đức vừa sang Nga và được dịp trông thấy vợ của nhà thơ Nga – đã viết : "Bất thình lình, tôi sẽ không bao giờ quên cảnh này, một người phụ nữ bước vào, thanh mảnh như cây cọ. Nàng gợi cho tôi nhớ đến pho tượng mỹ nữ trong Viện bảo tàng Louvre”.
Những bức ký hoạ mà Puskin đã từng vẽ vợ mình còn lưu giữ cho đến ngày hôm nay cũng cho thấy, nhà thơ luôn luôn chú trọng tô đậm thân hình cao ráo và bộ ngực tròn căng của vợ mình.

Cũng bá tước V. Sollogub viết về tình yêu dành cho vợ Puskin : “Tôi, ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy, đã phải lòng nàng. Cũng cần phải nói rằng, ở Saint Petersburg hồi ấy, gần như không có một chàng trai nào lại không thầm yêu trộm nhớ vợ Puskin. Nhan sắc rạng rỡ của nàng nằm bên cạnh cái họ thi nhân là đủ làm cho tất cả quay cuồng chóng mặt. Tôi biết rất nhiều chàng trai tự tin rằng, họ đã phải lòng vợ Puskin, nhưng không chỉ không hề quen nàng, mà thậm chí còn chưa nhìn thấy nàng bao giờ…”. Đã có những chàng trai vì mê Natalia mà viết cả cuốn tiểu thuyết về mối tình và cuộc hôn nhân của nàng và Puskin.

Không chỉ những chàng trai, mà ngay cả các trưởng lão cũng thầm yêu trộm nhớ vợ Puskin. Thí dụ công tước N.B.Yusypov. Vị trọng thần này luôn háo hức ca tụng nhan sắc của Natalia. Thậm chí, ngay cả các cậu thiếu niên cũng không ít người phải lòng nàng. Bản thân Sa hoàng Nikolai Đệ nhất cũng không hoàn toàn dửng dưng trước Natalia. Theo lời kể của chính Puskin, Sa hoàng đã như một cậu sĩ quan trẻ tán tỉnh vợ anh, sáng ra cố tình đi qua tư gia của nhà thơ để tối đến, trong dạ hội, láu lỉnh hỏi tại sao nàng lại không đóng rèm cửa như thế…

Trong thời Puskin sống, những chuyện phải lòng như thế cũng không phải là chuyện gì ghê gớm trong giới thượng lưu. Puskin không ghen với những người hâm mộ vợ mình khi mọi chuyện chỉ là “kính nhi viễn chi”. Bản thân nhà thơ, như mọi khi nhà thơ ở mọi thời và mọi nơi, có lẽ cũng không phải người “chay tịnh” gì. (Tuyệt đại đa số nhưng bài thơ tình hay nhất của anh đều được viết từ nguồn cảm hứng xuất hiện nhờ những mỹ nhân không phải vợ anh). Puskin còn có phần cảm thấy thích thú khi người vợ trẻ nhưng đã có 4 đứa con của mình vẫn được sùng tín đến thế. Trong một lá thư gửi Natalia, Puskin viết : “Hãy cứ mãi thanh xuân, vì em còn trẻ và vì em tuyệt mỹ!… Anh yêu tâm hồn của em còn hơn gương mặt của em… " 

Mọi chuyện chỉ trở nên rối rắm khi xuất hiện Dantes. Những cử chỉ sùng tín của Dantes đối với Natalia công khai và khiêu khích tới mức, là một trang nam nhi đích thực, Puskin đã không thể không gọi anh chàng này ra đấu súng. Và kết cục cuộc đấu súng đó hầu như tất cả đều rõ : Puskin trúng đạn và qua đời ngày 10/2/1837, sau 6 năm làm chồng Natalia. Khi đó, đại thi hào nước Nga mới 38 tuổi và vợ anh ở tuổi 24. Trước khi diễn ra cuộc đấu súng định mệnh đó, Puskin đã viết di ch&uacute
;c, trong đó cho phép vợ mình chỉ phải để tang trong hai năm, rồi sau đó có thể đi bước nữa, nhưng phải lấy một người đàn ông tốt làm chồng.

Trở thành bà goá phụ ở lứa tuổi quá trẻ trung như vậy, lại với bốn đứa con nhỏ, cô con gái lớn nhất mới 5 tuổi, còn cô con gái út mới được 8 tháng tuổi, Natalia chắc hẳn phải mất rất nhiều tâm lực mới nuôi nấng các con mình trưởng thành (khi đó, ở nước Nga Sa hoàng, tỷ lệ trẻ chết yểu cực kỳ cao!). Trong suốt 7 năm liền sau khi Puskin mất, Natalia vẫn kiên trì ở vậy, mặc dù không ít người sáng giá tới cầu hôn với điều kiện sẽ đưa 4 đứa con của Puskin đi ở các học đường công.

Natalia đã tuyên bố : “Những ai mà cảm thấy các con của tôi là gánh nặng thì người ấy không thể là chồng tôi được!”. Mãi tới năm 1844, tới cầu hôn Natalia là một vị tướng đầy từ tâm, P.P. Lanskoi : ông không chỉ muốn làm chồng Natalia, mà còn sẵn sàng giữ vai trò người cha đối với 4 người con của nàng và Puskin. Natalia đã có thêm với vị tướng Lanskoi 3 cô con gái nữa. Cả 7 người con đều rất kính yêu mẹ mình và trong bức thư gửi bà, tướng Lanskoi có lần đã gọi bà là “Nữ giám đốc trại trẻ”…

Tới cuối những năm 1840, Natalia dần dà trở nên gầy yếu. Thậm chí bà còn hút thuốc lá nữa. Mặc cảm tội lỗi trước cái chết “bất đắc kỳ tử” của đại văn hào khiến bà không thể yên ổn sống. Những đứa con không còn thấy mẹ mình vui vẻ nữa cho đến cuối đời bà! Natalia đã từ giã cõi trần vào tháng 11/1863, ở tuổi 51.

Lại Phương Kiên – Theo tintuconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *