(NCTG) Lá thư sau đây của nhà thơ Nga nổi tiếng Yevtushenko về Pasternak và tác phẩm “Bác sĩ Zhivago” được đăng trên tờ “Novoye Vremya” (Thời mới) số tháng 1/1988, đúng vào thời kỳ Pasternak được "rửa oan" ở Nga. Cần để ý rằng, trong bài viết này, nhiều lúc Yevtushenko còn phải "vòng vo" và "lách" : vào thời điểm quá trình cải tổ và cởi mở ở Liên Xô còn phôi thai, có lẽ, ông chưa có điều kiện nói lên một cách thẳng thắn mọi suy tư của mình.
Ngôi nhà của Pasternak tại Peredelkino, nơi thi sĩ qua đời
Thư của Yevtushenko gửi Tòa soạn Novoya Vremya về Giải Nobel Văn chương cho Boris Pasternak
Giờ đây, khi độc giả Xô-viết đã được làm quen với tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”, tôi quyết định phải viết lá thư này.
Tôi được đọc “Bác sĩ Zhivago” trước khi những tai tiếng xung quanh nó xảy ra. Pasternak trao cho tôi một trong những tập đầu tiên của bản thảo, rất tiếc là chỉ trong thời gian vô cùng ngắn ngủi, vỏn vẹn có một đêm. Tôi đọc vội vàng, nhảy cóc từ trang này qua trang khác. Tôi không có cảm tình đặc biệt với cuốn sách trong lần đọc đầu. Vào thời ấy, những nhà văn thuộc lớp chúng tôi say mê Hemingway, Remarque – các văn hào vừa được phát hiện. Chúng tôi bắt chước bút pháp ngắn gọn, xương xẩu và "khỏe khoắn" của họ. Lúc bấy giờ, tôi cũng hào hứng một cách khá hời hợt và thiếu lựa chọn với nền hội họa đương thời. Nói chung, tôi ưa tất cả mọi thứ không giống với phong cách hiện thực quá quen thuộc.
Pasternak là một thi hào với những thử nghiệm tuyệt vời, một bậc thầy đa dạng. Nhưng tôi cảm thấy cuốn sách của ông quá truyền thống, quá bảo thủ, đến mức chán ngán. Nó được viết ra với phong cách chậm rãi và trầm tưởng của thế kỷ XIX. Sáng sớm hôm sau, khi trả lại bản thảo, tôi cố tránh câu trả lời trực tiếp. Nhưng vô hiệu. Pasternak hỏi tôi : "Cậu thích chứ?". Tôi cúi gầm mặt và lắp bắp một câu, đại loại như : "Cháu khoái thơ bác hơn". Pasternak phật ý. Ông bắt tôi hứa rằng, sau này phải đọc lại cuốn tiểu thuyết ấy một lần nữa, không vội vã.
Giữ lời hứa, vào năm 1966, tôi đọc lại cuốn sách khi chúng tôi dọc dòng Lena về hướng Siberia, trên con tàu hơi nước mang tên Mikeskin. Nằm trên chiếc giường thủy thủ hẹp, tôi đọc nó vào những khi rỗi rãi ngoài phiên trực, và mỗi khi rời mắt khỏi trang sách để ngắm nhìn qua cửa sổ phong cảnh khắc nghiệt mà vẫn nên thơ của vùng Siberia đang rời xa, tôi chợt cảm thấy giữa tác phẩm và tự nhiên không hề có những giới hạn. Trong lần đọc chậm rãi và suy ngẫm này, “Bác sĩ Zhivago” đã làm tôi cảm động sâu tận đáy lòng. Chỉ có một điều làm tôi không thích – và ngay giờ đây, tôi vẫn không thích – đó là đoạn kết. Tuy nhiên, đấy chỉ là chuyện thứ yếu. Phải nói rằng, ngay trong lần đọc đầu và kế tiếp, tôi không hề có ý nghĩ rằng đây là một cuốn sách "phản động".
Tất nhiên, Pasternak xứng đáng được nhận Giải Nobel từ lâu trước cuốn sách này, vì nghệ thuật thơ ca của ông. Sau những tai tiếng liên quan đến cuốn sách, Giải Nobel chỉ còn là dư vị mang tính chính trị. Có điều, Pasternak không hề có lỗi trong việc này : ông đứng trên mọi mưu mô, cả về chính trị lẫn văn học.
Sự bi thảm của tình thế là ở chỗ, những kẻ thù của CNXH ở phương Tây cùng những địch thủ nội tại của nền dân chủ và cởi mở xã hội chủ nghĩa, đồng thanh lợi dụng tên tuổi trong sạch của một người từng viết những dòng sau đây với nỗi niềm hy vọng : "Em bên ta, tiền đồ chủ nghĩa xã hội/ Em bảo rằng – đã rất gần?… "
Olga Ivinskaya và Boris Pasternak
Cũng thật khủng khiếp khi những kẻ được gọi là "đại diện cho nhân dân" tham gia việc mạ lỵ, bôi nhọ Pasternak, đã tuyên bố : "Tôi dù chưa từng đọc cuốn sách, nhưng tôi căm phẫn tận tâm can". Ngay nhiều nhà văn cũng hào hứng một cách không lương thiện khi họ hùa vào cái chiến dịch bất hạnh đòi khai trừ Pasternak khỏi Hội Nhà văn, và hơn thế nữa, còn cưỡng bức ông rời bỏ Tổ quốc mình. Lúc đó, tôi là Bí thư cơ sở Đoàn Komsomol của Hội Nhà văn, và người ta dùng mọi cách thuyết phục tôi tham gia việc lên án Pasternak, nhân danh giới thanh niên. Nhưng tôi đã kiên quyết từ chối. Năm năm liền, tôi đoạn tuyệt với một nhà thơ lão thành : ông này – bất ngờ với chính tôi và mọi người – đã lên án Pasternak trong phiên họp buồn thảm đáng ghi nhớ. Pasternak bị khai trừ khỏi Hội tại phiên họp đó.
Nhưng bản thân Pasternak đã phản ứng ra sao khi nghe tin ông được Giải Nobel? Ông vô cùng cảm động và hạnh phúc, như ông từng bộc lộ ngay trong bức điện tín gửi Hàn lâm viện Thụy Điển. Khi đó, Pasternak chưa tiên đoán được những sự kiện sẽ biến đổi ra sao. Ông nghĩ mình được Giải thưởng không chỉ nhờ cuốn tiểu thuyết, và Hàn lâm viện Thụy Điển cũng giải thích một cách rõ ràng về quyết định của mình, rằng Giải thưởng được trao cho Pasternak vì "những thành quả xuất sắc trong thi ca đương đại và trong việc gìn giữ những truyền thống sử thi Nga", chứ không phải vì bản thân cuốn sách. Thế mà báo chí phản động phương Tây và những kẻ khởi xướng chiến dịch chống Pasternak ở trong nước vẫn đẩy mọi chuyện theo hướng đó.
Ilya Ehrenburg kể câu chuyện sau đây cho người viết những dòng này. Sau ngày Pasternak mất, Khrushchev thú nhận với Ehrenburg rằng, trước kia, ông ta chưa đọc “Bác sĩ Zhivago”, mà chỉ xem qua những đoạn do thủ hạ lựa chọn. Khrushchev thấy cuốn sách bằng tiếng Nga lần đầu tiên khi ông được Nguyên soái Tito tiếp đón ở đảo Brioni. Ông bắt đầu nghiền ngẫm nó và nhận ra không có chút gì "phản cách mạng" trong đó cả. "Người ta đã lừa tôi" – Khrushchev bảo Ehrenburg. Lúc đó, Ehrenburg hỏi với vẻ mừng rỡ : "Thế tại sao ta không cho ấn hành?" Khrushchev suy nghĩ rồi đáp : "Chúng ta sẽ xuất bản nó, nhưng còn phải chờ, đồng chí Ilya Grigoryevich ạ, vì chúng ta mới giải phóng cả bộ máy tuyên truyền cách đây ít lâu… " Khrushchev không có điều kiện thực hiện lời hứa của ông. Giờ đây, chúng ta phải sửa chữa lại lỗi lầm với Pasternak, và không chỉ trong những chi tiết, mà trong toàn thể, kể cả phần tội lỗi của chúng ta trong việc Pasternak phải từ chối Giải Nobel.
Pasternak buộc phải từ chối Giải Nobel vì ông bị đặt giữa hai lựa chọn : hoặc là nhận Giải Nobel, hoặc từ bỏ Tổ quốc. Bởi chính Semichastniy – kẻ đứng đầu Đoàn Komsomol hồi ấy – và một nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Văn học đã yêu cầu, thậm chí đề nghị việc trục xuất và đày ải Pasternak trong đơn từ của họ. Pasternak đã có một quyết định duy nhất xứng đáng với những đại thi hào : ông chọn Tổ quốc mình.
Pasternak ra đi mà không được nhận Giải Nobel, dù ông và qua ông, nền văn học Nga rất xứng đáng được nhận. Sự chối từ của ông không đồng nhất với sự chối từ của Satre, người có những lý do cá nhân. Với câu trả lời mang tính phủ định, Pasternak không khước từ Giải Nobel, mà nếu chúng ta xét đến mọi hoàn cảnh, ông cự tuyệt việc rời bỏ đất nước. Bằng cách ấy, có công bằng không khi ngay bây giờ, khi chúng ta sắp đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà đại thi hào có tư tưởng nhân đạo ấy, trên danh sách những người được Giải Nobel, ta vẫn thấy cạnh tên ông cụm từ "chối từ"?
Trong nước, chúng ta gột rửa tên tuổi Pasternak khỏi những vu cáo nhơ bẩn, hủy bỏ quyết định khai trừ ông khỏi Hội Nhà văn, các tác phẩm của ông được ấn hành với số lượng lớn. Ủy ban gìn giữ di sản của Pasternak cũng ra chỉ thị lập một Nhà tưởng niệm ông ở Peredelkino. Đến lúc cần phải nói rõ ràng cả về Giải Nobel dành cho Pasternak. Ông xứng đáng với phần thưởng cao quý ấy, bằng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Trần Lê dịch và giới thiệu
Theo Nhịp cầu Thế giới – Hết