…Không những thế, từng đàn cá còn “vượt rào”, bay lượn trên đường phố. Chúng đi qua dải phân cách, vượt đèn đỏ, đèn xanh, ngang nhiên cùng nước lũ. Người ở phố được dịp lao ra đánh bắt – một cảnh tượng ngoài sức tưởng tượng của ai đó lãng mạn nhất…

Đã lâu lắm rồi người Hà Thành mới gặp một trận mưa bão lạ lùng như vậy. Cuối thu, chớm đông mà ông trời cứ mưa dài như thử thách lòng người. Cách đây đúng mười năm, tôi có đọc một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong tập “Bài ca những con chim đêm”, ông đã nói như một nhà tiên tri về cái ngày những con cá biết bay, khi ấy tôi cứ nghĩ, đó là sự tưởng tượng quá lãng mạn của một nhà thơ. Nhưng bây giờ, cảnh tượng đó đã xảy ra. Đôi bờ dòng Nhuệ Giang trắng xóa, những tán cây rũ rượi, từng đàn cá nhảy nhót, bay lượn bên trên… Thế mới biết, sức tưởng tượng của con người không bao giờ đi qua được sự thật của tự nhiên.

Ảnh VNN

 
Không những thế, từng đàn cá còn “vượt rào”, bay lượn trên đường phố. Chúng đi qua dải phân cách, vượt đèn đỏ, đèn xanh, ngang nhiên cùng nước lũ. Người ở phố được dịp lao ra đánh bắt – một cảnh tượng ngoài sức tưởng tượng của ai đó lãng mạn nhất.

Phải nói rằng, người Hà Thành không kịp trở tay với đợt lũ kỳ lạ này. Đường phố biến thành sông, việc đi lại bị tắc nghẽn. Những chiếc ô-tô, xe máy trở nên vô dụng, chết đứng giữa đường. Và cũng từ đây, sự thử thách lòng người của ông trời bắt đầu phát huy hiệu quả. Ngay lập tức xuất hiện nhiều cái gọi là “dịch vụ” giông bão. Từng đoàn người hớt hải ra đường trục lợi từ mưa lũ. Những con người ráo hoảnh và tham lam đến tội nghiệp. Dắt một cái xe máy chừng 100m qua chỗ nước ngập, họ vặt 100.000 – 200.000 đồng, rồi thì đẩy một cái ô-tô qua chỗ nước ngập cũng tính với giá cắt cổ. Đến nỗi cõng một cô gái chân yếu tay mềm qua lòng đường cũng xin 50.000 đồng; và lau một cái bu-gi xe máy cũng xin anh (chị) 15.000 đồng… Còn nhiều dịch vụ khác không thể kể hết để kiếm tiền, như thể qua đợt lũ lụt này những con người kia sẽ trở nên giàu có.

Và đặc biệt là giá cả những mặt hàng thực phẩm. Những phiên chợ ngày thường đông đúc, cùng lời mời chào năn nỉ mua hàng của họ giờ đây trở mặt. Một mớ rau muống nát bươm có giá 20.000 đồng – cô bán hàng vếch mặt thách thức khi ai đó hỏi mua. Tôi bỗng thấy sợ hãi khi nhìn những ngương mặt háo hức của họ trong cơn giông xám xịt. Họ là ai? Đương nhiên là những tay buôn lẻ ở chợ – những người này cũng đương nhiên không phải nông dân thật thà. Họ hân hoan trong sự kiện lạ lùng mà ông trời thử thách.

Tôi đồ rằng, với cung cách trục lợi kiểu chụp giật này, nếu ông trời có mưa cả tháng, họ cũng không thể thay đổi số phận của mình. Cứ cho rằng, đợt này thu nhập của họ tăng lên mười lần, hay hai mươi lần đi nữa, thì họ vẫn mãi mãi là những gã buôn lẻ hẹp hòi. Không bao giờ thay đổi được số phận! Đơn giản rằng, cái kiểu khôn vặt, nhặt nhạnh bẩn thỉu kia sẽ chẳng bao giờ trở nên giàu có. Đặc biệt trong những cơn hoạn nạn như thế, sự móc túi đớn hèn kia càng lộ rõ đẳng cấp của họ. Buồn và thương cho những con người như vậy.

Đã thế, chiều hôm qua, không hiểu một tay mất dạy nào đó còn tung tin rằng : đê Thạch Thất, hay Chương Mỹ… gì đó vỡ rồi, người ta sẽ phân lũ về thành phố Hà Đông. Thế là người ở phố lại táo tác, tranh nhau đi mua gạo và thực phẩm. Những cửa hàng đó cứ thế tăng giá, và mỉm cười trước sự hoảng hốt của mọi người. Tôi có anh bạn là nghệ sỹ rối nước làm việt tại Nhà hát Thăng Long. Buổi chiều anh ấy có sô diễn, nhưng vì nghe tin nước sẽ ngập thành phố, lại trong giai đoạn xây nhà nên hớt hải ra về, đi nhanh quá đâm sầm xuống hố ga, suýt phải vào viện cấp cứu. Rồi mấy cụ hàng xóm nhà tôi cũng cuống cuồng đi mua gạo, nhưng người già chân tay chậm chạp, không chen nổi với đám thanh niên, bị chúng nó xô ngã bẩn hết quần áo và cũng tí nữa thôi thì phải vào viện cấp cứu. Tình hình có vẻ nguy cấp quá, người ta liền chạy qua Phường để hỏi. Mấy vị trong Ban Phòng chống lụt bão đang túc trực 24/24 ngớ người vì tin đồn nhảm, vội lấy loa phóng thanh thông báo. Đến khi ấy, người dân mới yên tâm, thở phào vì cái tin đồn nhảm mất dạy kia.

Còn tôi, vốn cẩu thả, chẳng để ý lắm đến chuyện thực phẩm, nhưng bà xã giục ghê quá cũng thất thểu ra chợ tìm mua. Cái cửa hàng bán gạo ngày thường tôi vẫn mua giờ đông như kiến cỏ. Bà chủ thường ngày thấy vợ chồng tôi đều đon đả mời chào, nhưng hôm nay mặt ráo hoảnh, quát tháo khách hàng, còn giá thì tăng vùn vụt. Cũng may, tôi ngại chen lấn, nên về tay không, trong đầu nghĩ đến những gói mì tôm nếu có lũ về thật. Đến gần tối, khi cái tin mất dạy kia bị phanh phui, người ta không thèm mua gạo nữa, tôi mò ra thực tế cái cửa hàng ấy thì vắng hoe, bà chủ lại đon đả mời chào với giá cả như cũ. Thật ngán ngẩm cho cung cách làm ăn của họ. Đã bảo mà, có mưa cả tháng, thị ta vẫn chỉ là người bán gạo không hơn không kém.

Đã nhiều năm rồi, người ở phố chỉ quen nhìn nước lũ qua màn hình ti-vi. Tôi tin rằng, họ sẽ thấy cảnh tượng người miền Trung chia xẻ từng gói mì tôm, nhường nhau từng nắm gạo, những người tình nguyện dầm mình trong giá rét, cứu người, cứu của; cõng người già, trẻ em… băng qua làn nước dữ. Tất nhiên, họ không lấy tiền. Và những cửa hàng của họ cũng không vì thế mà đục nước béo cò, chụp giật vô đạo đức như những gì đang xảy ra ở thành phố. Nếu có cũng rất hi hữu và bị trừng trị ngay.

Thế mà chiều nay – buổi chiều thứ sáu mưa rơi trên phố phường – từng tốp người mặt ráo hoảnh, túi ních đầy tiền vẫn đứng trơ trơ trên đường phố, gào to : Anh ơi (chị ơi), có cần đưa qua đoạn này không? Giá cả phải chăng, giảm một nửa với hôm qua! Nào, lên đây bọn em chở, rẻ thôi mà, v.v và v.v… &Ocir
c;i! Ông trời! Vừa trách người, lại vừa cảm ơn người lắm. Thế mới thấy một phần cái tồi tệ của những con người sống trên phố phường. Hoạn nạn đấy, đau đớn đấy (tính đến nay đã có ít nhất 17 người chết) mà sao họ ráo hoảnh như vậy. Những đồng tiền được ních đầy trong túi của họ hẳn sẽ tanh nồng vì xấu hổ. Một gã đóng bè, chuyên chở người qua “sông phố” thì thào : “ …Một ngày kiếm hơn hai triệu, quả này trúng to!”. Đúng là trúng to quá! Qua đợt này, có lẽ trong những giấc mơ của anh ta sẽ tràn ngập nước lũ – lũ càng to càng hoàn hảo. Nhưng có một sự thật rằng, anh ta mãi mãi không bao giờ thay đổi được số phận của mình.

Mà quên, cái bà chị bán hàng gạo gần nhà tôi cũng thế. Khi cái tin đồn thất thiệt ấy bị bại lộ, tôi thấy mặt chị ta tái dại, hai con mắt long lên và đang run run đếm tiền – những đồng tiền ướt sũng, nhàu nát trong tay chị ta hình như cũng run lên vì sợ hãi. Quả này trúng đậm thật rồi! Bán cả tháng không bằng vài giờ của buổi chiều hôm nay. Lãi quá! Sung sướng quá còn gì. Ơ… nhưng mà, đố chị trở thành một bà hoàng lịch lãm được đấy. Đố con người chị trở nên lộng lẫy và làm người khác phải kính trọng được đấy. Dù chị có khoác lên bao nhiêu tiền đi nữa, nhưng xin thưa, chị vẫn chỉ là một mụ nạ dòng bán gạo mà thôi.

Nhiều người còn bao biện, nếu không có họ, người thành phố còn chết đói chứ chẳng đùa, và không có đội quân nghĩ ra cái gọi là “dịch vụ mưa lũ" kia đố ra khỏi nhà được… Tôi thấy kiểu bao biện này thật lố bịch. Tất nhiên, trong mưa lũ cũng cần những con người như vậy, chỉ có điều đừng “cắt cổ” người ta bằng cái giá quá cao như thế. Và đừng nghĩ rằng, cả cuộc đời dài dằng dặc của mình không có những lần hoạn nạn, xúi quẩy. Đến khi đó, người ta quay lưng lại, tìm cách móc túi sẽ biết cái sự đốn mạt của mình phải trả giá như thế nào. Vì rõ ràng tôi thấy mấy cụ ban chiều đi đong gạo, bị chúng nó đẩy ra ngã chỏng vó đã giận dữ mắng rằng : “Cái con bán gạo kia! Từ nay tao thề sẽ không bao giờ mua hàng của mày nữa. Tao thề đấy!”. Mà không riêng gì mấy cụ, cả phố người ta giận dữ thật, ngay cả cái thằng tôi đây (không mấy khi để ý đến thực phẩm) cũng nổi giận trong lòng và đương nhiên khi trời nắng lên sẽ không bao giờ bước vào cái cửa hàng gạo ấy nữa. Thử hỏi rằng, ngày mai, ngày kia và nhiều ngày nữa, chị ta sẽ bán cho ai? Lợi chưa thấy đâu, nhưng hại đã nhỡn tiền. Ai bảo tham!

Hai hôm trước, ông bạn tôi là nhà thơ Lương Tử Đức, có hào hứng viết một bài báo mang nhan đề : “Năm ngày thiên tai nhớ lời Khổng Phu Tử”. Ông ấy bảo tôi đem đăng lên báo và nức nở khen cái chợ cóc gần nhà mình vì rằng người ta tử tế, hàng hóa bán nghiêm chỉnh, không chụp giật lừa lọc. Tôi nhớ mãi đoạn kết, ông ấy trích lời Khổng Tử : “ …Bình sinh người quân tử hãy chọn người có đạo mà chơi! Chọn nơi có phong tục tập quán mà ở… ”, ý muốn nói đến con phố “tử tế” mình đang sống cần phải được tuyên dương lên mặt báo. Thế nhưng chiều nay, ông ấy hớt hải gọi điện cho tôi bảo đừng gửi đăng bài ấy nữa. Nguyên văn lời ông ấy : “Thôi, thôi… đừng gửi bài viết của tôi! Nhầm lẫn hết cả rồi! Táo tác hết cả rồi! Bọn nó đang tăng giá vùn vụt, mà còn đang găm gạo không bán ra, vợ tôi không mua được cân nào… mà cái tin vỡ đê Thạch Thất có thật không đấy?”. Cứ thế, ông ấy la lên qua điện thoại. Thế mới vỡ cái lẽ, mưa lâu sẽ biết lòng người. Khổng Phu Tử của Lương Tử Đức có vẻ bị oan trong trường hợp này rồi. Suýt nữa Lương tiên sinh mượn lời của ngài để khen mấy vị không đáng tin kia. May đấy!

Không biết ông trời còn thử thách lòng người đến bao giờ nữa. Nhưng tối nay, xem dự báo thời tiết vẫn thấy sự phức tạp của nó. Mưa có thể vẫn tiếp tục đổ vào thành phố vốn không quen chịu đựng. Và lòng những con người ở phố cũng phức tạp không kém sự đỏng đảnh của ông trời. Bây giờ, sẽ rất nhiều người đang chắp tay cầu khấn, xin ông trời đừng mưa nữa! Nhưng cũng sẽ lắm kẻ “say sưa” cầu khấn xin trời cứ mưa tiếp đi – mưa thật to vào – để con đây tăng giá vì cả đời con đây mới là cơ hội. Mệt mỏi vô cùng!

Chỉ cho đến nửa đêm, căn nhà bé nhỏ của tôi bỗng vang lên tiếng gõ cửa. Hóa ra Đội xung kích của Phường đang đi tuần, họ nhắc nhở phải để ý đến hệ thống điện, nhớ cài cửa kỹ lưỡng trước khi đi ngủ, xem bọn trẻ có dấu hiệu xấu về sức khỏe… rồi họ cho số điện thoại khẩn cấp, có gì cứ gọi vào đây. Thế rồi họ đi, lầm lũi trong cơn mưa. Trông họ lộ vẻ mệt mỏi vì đã sáu ngày túc trực 24/24 giờ. Đây là hình ảnh an ủi phần nào sự hoảng loạn trong lòng tôi và nhiều người khác. Và tôi thấy ngài Khổng Phu Tử chưa bao giờ sai. Trong sự táo tác, chụp giật, mưu mẹo, khôn vặt này vẫn có những con người đầy trách
nhiệm. Đây cũng là hình ảnh đẹp làm ấm lòng những con người ở phố đang rũ rượi vì mưa bão.

Hà Đông, ngày cuối thu mưa bão
A Sáng – Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *