Khi thấy có truyện ngắn được in trong tuyển tập đẹp, bắt mắt của một NXB lớn, thay vì vui mừng, một nhà văn lắc đầu ngao ngán: ‘Lại tuyển tập! Mà sao chẳng thấy NXB đoái hoài tới tác giả’.

Tuyển tập truyện ngắn hay nhất năm 2007, 50 cây bút nổi tiếng của Sài Gòn, Truyện ngắn hay dành cho bạn trẻ, Tập truyện ngắn của 10 nhà văn nữ, Tuyển truyện dịch kinh dị của nhà văn nổi tiếng thế giới… hàng loạt cuốn sách với tên gọi đại loại như thế đang được bày bán tràn lan tại các cửa hàng.

Tất nhiên, khi tác phẩm văn học được phân loại theo từng chủ đề, từng đối tượng thì độc giả được lợi vì có nhiều lựa chọn cho gu đọc của riêng họ. Nhưng vấn đề nhức nhối hiện nay là: hầu như các NXB và người làm công tác tuyển chọn tác phẩm đang lờ đi công sức và giá trị lao động của người sáng tác, người chuyển dịch tác phẩm. 

Chính điều này khiến cho nhiều dịch giả, nhà văn Việt Nam cảm thấy nản lòng, ngán ngẩm, chỉ biết buông tay mặc kệ người khác tùy tiện tuyển chọn tác phẩm của mình.

Có thể bỏ chi phí ra in tuyển truyện rất đẹp, rất bắt mắt, bán với giá cao, nhưng không nhiều NXB tôn trọng tác giả mà họ tuyển.

Khi bắt gặp một tuyển tập truyện ngắn do NXB Thanh Niên ấn hành, trong đó có truyện của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, phóng viên chúc mừng tác giả và hỏi thử anh được nhận nhuận bút như thế nào. "Họ không báo gì với tôi và tôi cũng chưa có nhận được nhuận bút!". Anh còn cho biết thêm, NXB Văn Học cũng có in mấy cuốn tuyển truyện, trong đó có tác phẩm của anh nhưng nhuận bút và sách biếu thì mù mịt tăm hơi.

Vì vừa làm phóng viên vừa viết văn, Nguyễn Vĩnh Nguyên có lần đã viết bài báo lên tiếng về chuyện này. Nhưng theo anh, bài báo chẳng khác "ném đá ao bèo". Sau đó cũng chẳng có ai ở các NXB liên hệ để giải thích vụ việc.

Tất nhiên, nói đến nhuận bút truyện in tuyển tập thì nhà văn nào cũng hiểu "chẳng được bao nhiêu để phải trông đợi". Nhưng hầu hết các cây bút khi được hỏi đều chung nhau ở một điểm: Người của NXB phải thông báo hoặc hỏi ý xem tác giả có đồng ý hay không đồng ý góp mặt trong tập sách.

Thật ra, trong các sách này thường có dòng chữ: "Trân trọng cám ơn các tác giả (dịch giả) có mặt trong tuyển tập này. Kính mời các tác giả (dịch giả) liên hệ với biên tập viên để nhận nhuận bút (ĐT: XYZ)". Thế nhưng, một lần dịch giả Phan Nhật Chiêu, khi thấy mình có vài truyện dịch được chọn in đã thử nhờ người liên hệ giúp theo số điện thoại in trên sách. Nhưng chẳng ai đứng ra giải quyết. "Điện cho họ mãi không được thì thôi chứ biết làm gì bây giờ. Đáng lý ra họ phải là người chủ động gọi cho mình", thày Nhật Chiêu nói. 

"Tôi không còn dám trông mong nhiều vào việc nhận được nhuận bút nhưng chí ít tôi cũng cần đòi hỏi họ tôn trọng tác giả", nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên lên tiếng về vấn đề này.

Một nhà văn giấu tên cho biết, không nhiều NXB biết ứng xử đàng hoàng. "Họ cứ làm như sự đã rồi, tác giả gọi điện hỏi thì gửi chút tiền còn nếu ai không điện thoại thì làm ngơ luôn. Về mặt tác giả, khi bị những "nhà sản xuất tuyển tập" dùng truyện quá nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tập truyện riêng của họ và cũng làm độc giả chán vì đọc đi đọc lại cứ đụng mấy truyện như thế", nhà văn này nói.

Nhà văn Trần Nhã Thụy thì cho rằng rất cần báo động về văn hóa ứng xử trong làng xuất bản sách. Tác giả cuốn Sự trở lại của vết xước không ít lần "được" xuất hiện trong các tuyển truyện ngắn nhưng anh luôn cảm thấy không hài lòng với cách làm của NXB.

"Họ thường sưu tầm các truyện đã đăng trên các báo để in tuyển tập. Nhưng họ không hiểu rằng, truyện in trên báo là một đường còn in thành sách thì phải khác. Vì khi in báo, mỗi báo có gu biên tập truyện riêng và có thể cắt xén truyện theo khuôn khổ của báo. Khi in thành sách, người viết luôn mong mỏi được dùng chính bản thảo nguyên vẹn của họ", Nhã Thụy nói.

Nhà văn này cũng hoài nghi về chất lượng của việc tuyển chọn: "Họ cứ tùy tiện đề ra các tiêu chí như truyện hay, truyện chọn lọc, truyện đặc sắc gì gì đó… rồi tùy tiện lấy các tác phẩm xếp chung với nhau".

Bộ tuyển truyện dịch các nước này đang được bày bán tại hầu hết nhà sách. Thế nhưng, không mấy dịch giả có mặt trong bộ truyện biết rằng tác phẩm dịch của mình được tuyển.

Khi được hỏi về vấn đề này, dịch giả Phạm Viêm Phương khẳng định: "Tôi xem đó là hành vi ăn cắp chứ không còn cách gọi nào khác đúng hơn. Vì sao tên ăn cắp chiếc xe đạp còn bị lên án mà người ăn cắp trí tuệ, sức lao động của tác giả thì vẫn cứ ngang nhiên sai phạm". Dịch giả Phạm Viêm Phương cho biết ông chỉ làm việc với những ai liên hệ đàng hoàng. Ngoài ra, rất nhiều truyện dịch của ông bị in trôi nổi khắp nơi là điều ông không được biết và nằm ngoài ý muốn.

Phạm Viêm Phương tâm sự, có lần ông lên tiếng về việc NXB Hội nhà văn in lại truyện dịch của ông. Sau đó, ông nhận được số tiền nhuận bút khoảng 300.000 cho 10 truyện ngắn được sử dụng. "Thậm chí có khi khoản nhuận bút còn không đủ để mua lại cuốn truyện đó", ông nói.

Nhà văn Nguyễn Thu Phương, một cây bút có tác phẩm xuất hiện trong rất nhiều tuyển tập nhận xét, cũng có những NXB làm ăn đàng hoàng. Như NXB Phụ Nữ, khi muốn in truyện của chị đều gửi e-mail xin phép, sau khi phát hành thì gửi sách biếu và nhuận bút. "Nhưng ngược lại, tôi có rất nhiều truyện bị "chôm" trong đó có truyện Phiêu linh trắng xuất hiện tràn lan trong 5-6 tuyển tập mà hơn 1 năm nay tôi chẳng được thông báo cũng như chẳng được nhận nhuận bút", chị bức xúc.

Theo Thoại Hà – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *