"Mô phỏng" bằng văn vần cuốn sách của Thanh Tâm tài nhân, Nguyễn Du đã biết cắt xén, lọc lựa, nhiều chỗ ông thay đổi hẳn thành phần xuất thân của nhân vật cũng như thay đổi tính chất của các dữ kiện.
Đặc biệt trong đó có một số tình tiết liên quan đến người anh hùng Từ Hải. Điều này nhà phê bình Hoài Thanh đã chỉ rõ trong bài "Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải". ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại một đôi đoạn.
Trong truyện của Thanh Tâm tài nhân, Từ Hải xuất thân là một nhà nho xấu số, nhiều lần hỏng thi, thối chí bỏ đi buôn, gặp thời phất to. ở "Đoạn trường tân thanh", Nguyễn Du để Từ Hải xuất hiện:
Lầu thâu, gió mát, trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi
Rõ ràng, Nguyễn Du đâu có giới thiệu gì về gốc tích con người này? Nhưng đúng là, như nhận xét của Hoài Thanh: "Mà biết tung tích làm gì? Từ Hải vụt đến trong đời Kiều rồi vụt biến đi như một vì tinh lạc chiếu sáng cả một đoạn đời Kiều. Như thế chẳng oanh liệt hơn sao?".
Đến cảnh viên tướng của Hồ Tôn Hiến sang thuyết hàng Từ Hải, Thanh Tâm tài nhân cho Từ Hải ra quát nạt, dọa gọi lính mổ ruột, moi gan viên tướng đó, sau thấy y sợ hãi quá, mới cả cười cho qua. Từ Hải trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du không "phường tuồng" như thế.
Việc đền ân trả oán cho Kiều, sau khi nghe nàng kể lại chuyện oan khuất ngày trước, Từ Hải của Thanh Tâm tài nhân nói: "Có khó gì việc ấy. Để ta điểm năm ngàn quân quét sạch đất Lâm Truy trả thù cho phu nhân", trong khi- như bình luận của Hoài Thanh "một người phi thường như Từ Hải không thể trong lúc giận dữ ném một cái chén, một cái bát, hay đập bàn, đập ghế như cái bọn tầm thường chúng ta.
Từ Hải mà giận dữ hẳn phải kinh khủng như trời đương lặng lẽ bỗng nổi giông tố sấm sét: "Từ công nghe nói thủy chung/ Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang", ấy là chưa kể, sau khi tóm gô được những tội nhân kia, Từ Hải của Nguyễn Du không quên dặn dò Kiều "Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh".
Từ Hải đâu có trực tiếp tham gia vào những việc mà vốn dĩ mình không từng biết ngọn ngành, thấu đáo. Hành động ấy của Từ Hải là hành động của bậc "đại trượng phu", thật xứng với lời ca ngợi của Hoài Thanh: "Với Thanh Tâm tài nhân, Từ Hải vẫn là một nhân vật tiểu thuyết. Với Nguyễn Du, Từ Hải là một nhân vật anh hùng ca", và với Nguyễn Du, Từ Hải vốn "suýt mai một" đã được "tái sinh một lần nữa".
Theo Lưu An – CAND Online