Chân dung đạo diễn Việt Linh |
Có những "bần thần" khi viết…
– Chị viết, ghi chép tản mạn từ những năm 1966, tới giờ nhìn vào cuốn sách "Chuyện mình chuyện người" thấy giống như chị viết nhật ký cho mình?
– Có hai nhận xét báo chí về cuốn sách mà tôi rất thích. Đó là "Đọc Chuyện mình chuyện người giống như đọc blog thời chưa có blog", và "Như là suy nghĩ bằng trái tim và quan sát bằng đôi mắt trìu mến, thân thương với cuộc đời… ". Những nhận xét đó phù hợp với phong cách và tâm trạng của tôi khi viết.
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh
Sinh ngày 2/12/1952 tại Sài Gòn.
Hoạt động điện ảnh từ năm1971 với vai trò dựng phim, biên tập, biên kịch. Tốt nghiệp đạo diễn Đại học Điện ảnh Liên bang Xô Viết (VGIK), niên khóa 1980 – 1985. – Quan niệm sống : Ở phải, gặp lành. – Câu nói đáng nhớ nhất : Đóng cửa này, ta mở cửa khác. |
– Ý định làm sách của chị xuất phát từ đâu? Chị có cảm nhận gì khi nhìn cuốn sách "tổng kết" 20 năm quá trình viết của mình?
– Tôi có một tật xấu là không cất giữ được tư liệu. Một ngày, khi có vài đề nghị tuyển in các bài báo của tôi thành sách, và bản thân cũng muốn giữ lại gì đó cho con, tôi mới giật mình là tư liệu đã mất đi rất nhiều.
Cuốn sách là nguyên nhân và kết quả của một cuộc tìm kiếm công phu, với sự giúp đỡ của người thân, độc giả. Dĩ nhiên, với tôi, nó là món quà đẹp. Nhìn nó, tôi cũng xôn xao, cảm động như khi nhìn thấy con mình.
– Qua sách, thấy rất rõ chị viết từ cảm xúc và bức xúc của bản thân. Điều này với chị là động cơ hay phương pháp?
– Viết không chuyên, không bị thúc ép thời hạn nên tôi chỉ viết khi cảm xúc chín muồi. Ví dụ, khi nghe chuyện cô dâu Việt Nam nhảy lầu tự tử bên Hàn Quốc, tôi rất xúc động. Nhưng chỉ khi đọc tin người mai mối gửi về cho mẹ cô thùng giấy đựng tro, kèm theo lời nhắn nên thờ nguyên như vậy, đừng mở ra kẻo tro bay mất, thì bài "Kẻo tro bay mất" mới ra đời.
Về phương pháp – nếu có thể gọi như thế – tôi có thói quen là phải nẩy ra cái tựa trước rồi mới bắt tay viết được, bởi cái tựa sẽ là kim chỉ nam, dẫn cảm xúc mình đi.
– Viết theo cảm xúc – nói vậy có vẻ như là một cách viết nghiệp dư, trong khi đọc bài của chị luôn nhận ra một kết cấu rất chặt chẽ. Có phải đây là kỹ thuật viết riêng của chị?
– Ngoài sự hồn nhiên, có hai yếu tố tác động tới tôi khi viết : Thứ nhất, tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi điện ảnh. Bài viết của tôi thường phải có âm thanh, hình ảnh. Thứ hai, tôi chỉ tiến hành viết khi đã có xong cái tựa và cái kết. Có những cái bạn làm theo thói quen mà khi nhìn lại có thể rút ra thành “lý thuyết”.
Khi nói chuyện với các sinh viên khoa Báo chí, tôi cũng kể với các em kinh nghiệm viết của mình : Trước tiên là nghĩ ra cái tựa, sau đó ghi vào máy tất cả mọi suy nghĩ nảy ra trong óc, giống như dồn vô một cái rương. Bước thứ hai là để cho tư liệu “ngủ” một thời gian. Sau đó mới sắp xếp lại, mở rộng…
– Có bài viết nào mà khi viết xong chị thấy mình kiệt sức?
– Kiệt sức thì không, nhưng bần thần thì có.
– Có bao giờ viết xong một tác phẩm hay một bài báo mà sau đó chị lại nghĩ khác đi và muốn rút lại bài viết – điều vẫn thường xảy ra với những người làm báo chuyên nghiệp ?
– Chưa bao giờ đến mức như thế. Có thể có sự chưa thỏa đáng về thời điểm hay thỏa mãn văn phong, nhưng chưa bao giờ tôi phải ân hận những gì đã viết, bởi trước khi viết tôi thường suy nghĩ kỹ, không bị câu thúc thời gian như các nhà báo chuyên nghiệp. Dù sao, theo tôi, chuyên hay không chuyên đều đòi hỏi sự trung thực, cẩn trọng. Phương tiện kỹ thuật ngày nay giúp chúng ta cẩn trọng dễ hơn.
– Một người sống xa quê hương lâu năm như chị với một người sống tại Việt Nam thì con mắt nhìn có khác nhau?
– Thực ra tôi không hoàn toàn xa quê hương vì vẫn đi đi về về liên tục, vẫn cập nhật tình hình. Chỉ có điều khi sống xa quê hương, bạn sẽ thấy nhấp nhổm, bồn chồn hơn với những gì liên quan đến quê hương. Và có thể người ở bên ngoài có thông tin bao quát hơn so với những người ở trong nước? Tóm lại, về điều kiện, tôi không thấy có sự khác nhau. Khác chăng chỉ là cách nhìn.
– Có phải do ở nước ngoài mà chị dám, và có thể, nói mạnh hơn ý kiến của mình?
– Hoàn toàn không. Thiếu gì người trong nước nói mạnh hơn, nói hay hơn, nói có giá trị hơn. Giống như đã nói ở trên, viết ra sao tùy thuộc vào tình cảm, tâm thức, quan điểm, chứ không phải nơi cư trú.
"Phim hay là khi nó quan tâm thật sự tới số phận con người"
– Nền điện ảnh nào của thế giới chị quan tâm hiện nay?
– Tôi quan tâm tới những nền điện ảnh có điều kiện tương đồng với Việt Nam vì qua họ, ta có thể so sánh và học hỏi. Đó là những nền điện ảnh bị câu thúc bởi các vấn đề văn hóa, chính trị, kinh tế. Thí dụ như trước đây là Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc. Gần đây là điện ảnh Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ…
Hầu như các phim tôi giới thiệu trong sách – mà ở Việt Nam rất ít người xem – đều nói lên điều này : Không phải cứ có nhiều tiền là có được phim hay. Phim hay là khi nó quan tâm thật sự tới số phận con người.
– Hiện người ta đang đặt chuyện chuyên nghiệp của điện ảnh Việt Nam lên bàn để cân đo. Ý kiến của chị thế nào?
– Tôi không nghĩ tính chuyên nghiệp là khó vươn tới. Giống như nghề đạo diễn : chỉ cần một người có trình độ cử nhân, học thêm 15 ngày chuyên tu nữa là có thể trở thành đạo diễn. Học kỹ năng khá dễ, nhưng để làm ra bộ phim hay lại là vấn đề khác : vấn đề của năng khiếu, của xúc cảm, tri thức tổng hợp…
Cái khó không phải là tính chuyên nghiệp, mà là tài năng và tâm huyết. Iran là nền điện ảnh có điều kiện sản xuất tương tự như Việt Nam, nhưng họ vẫn có được những tác phẩm đường hoàng ra thế giới. Phim của họ xuất phát từ sự sâu sắc của kịch bản và tài năng đạo diễn.
– Qua cuốn "20 bài học điện ảnh" mà tủ sách điện ảnh do chị chủ biên vừa giới thiệu cho bạn đọc, chị rút ra bài học nào cho điện ảnh Việt Nam?
– Tôi không dám nói rút ra bài học nào cho điện ảnh Việt Nam, chỉ dám rút ra cho mình những bài học riêng thôi. Đó là những bài học điện ảnh trên thực tế. Như bạn thấy đó, không ai trong 20 nhà đạo diễn lừng danh ca ngợi tác dụng của trường. Với họ, lý thuyết, văn phạm điện ảnh không phải không quan trọng, nhưng nó chỉ là tiền đề cho sự phá cách, sáng tạo.
Sống nhanh hay sống chậm là do trải nghiệm ở đời…
– Giờ người ta hay nói tới sống nhanh và sống chậm trong mọi việc, chị lựa chọn cách sống nào?
– Theo tôi, cách nói này không ổn lắm. Tôi quan niệm không phải sống nhanh hay chậm,
mà sống đúng. Đúng với điều kiện, với hoàn cảnh, tâm tư… Sống nhanh hay sống chậm là do trải nghiệm, do tri thức soi rọi, và do cả sự điều khiển của trái tim mình nữa, trong đó, tôi thích để trái tim làm hướng đạo.
– Hiện nay, giới trẻ đang rất hoang mang trong cách sống. Họ cảm thấy người lớn không tin họ. Chị có suy nghĩ gì về vấn đề này?
– Tôi thử bắt đầu từ con tôi – một người cũng tạm được coi là giới trẻ. Trong mỗi cuộc đối thoại giữa mẹ con, tôi thường ngộ ra được nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, khi tôi dạy con phải học cái này, cái nọ, và rằng phải học thế này, thế kia, thì nó nói : “Mẹ đừng dạy con những gì cụ thể, mà chỉ cần nói con hãy làm mẹ vui, tránh để mẹ buồn. Con biết mẹ vui khi con học tốt. Con sẽ tự đi tới kết quả như vậy ”.
Tác phẩm và các giải thưởng chính của đạo diễn Việt Linh :
Phim Nơi bình yên chim hót; Phiên tòa cần Chánh án; Gánh xiếc rong – đoạt Bông sen bạc (không có vàng), giải đạo diễn xuất sắc LHP quốc gia 1990, giải nhất LHP Phụ nữ Madrid 1992, Grand prix LHP Fribourg – Thụy sĩ 1992; phim Dấu ấn của quỷ – giải quay phim, họa sĩ xuất sắc LHP quốc gia 1993, giải đặc biệt LHP châu Á Thái Bình Dương 1993; phim Chung cư – giải B Hội Điện ảnh VN 2000, giải đạo diễn LHP Namur – Bỉ 2000; phim Mê Thảo -Thời vang bóng – giải Bông hồng vàng LHP Bergamo -Ý 2003; Giải họa sĩ, diễn viên phụ LHP quốc gia 2004, giải nhì Quỹ cổ động phát hành quốc tế Francophonie 2004.
Ấn phẩm : Dạo chơi vườn điện ảnh, Ý tưởng nghề nghiệp (sưu tập), NXB Văn hóa Sài Gòn 2006; 20 bài học điện ảnh (dịch), NXB Văn hóa Sài gòn 2007, giải thưởng Hội điện ảnh VN 2007; Chuyện mình, chuyện người, NXB Trẻ 2008. |
Hẳn đây cũng là một ý nguyện của thế hệ trẻ. Hãy để họ chủ động. Chỉ cần trang bị cho giới trẻ hai điều lớn : tự tin và tự lập. Khi đã có hai điều này thì con người sẽ làm được nhiều chuyện khác.
– Thời bùng nổ thông tin khiến cho những người trẻ dễ bị "nhiễu", khó lựa chọn cho mình một cách sống đúng đắn. Theo chị cần điều gì để họ đi đúng hướng?
– Tôi nghĩ chắc chắn không phải là qua các bài giảng giáo điều. Chỉ có trải nghiệm cuộc sống mới đem lại cho mỗi người những lựa chọn đúng đắn. Ngoài ra, sự gương mẫu của người lớn – mà tiếc thay bây giờ rất tệ – cũng ảnh hưởng nhiều lên định hướng của giới trẻ.
"Cái đẹp với tôi là đem lại đời sống tốt hơn cho con người"
– Là người làm nghệ thuật thì chị quan niệm thế nào về cái đẹp, đối tượng của cái đẹp?
– Cái đẹp hiểu theo cách rộng nhất với tôi là hướng tới con người. Cái gì nhân ái đều là cái đẹp. Nhưng cái đẹp của tôi không giống hẳn những người tu. Thí dụ với mẹ tôi – một ni cô xuất gia – thì con người phải nhẫn, phải buông xả hết mọi điều, nhưng tôi không thế.
Với những vấn đề cá nhân, tôi có thể bỏ qua, nhưng với những bức xúc, bất công xã hội thì không thể nhẫn, ít ra trong ý thức. Theo tôi, cái đẹp – dù nghĩa đen hay nghĩa bóng – là đem lại đời sống tốt hơn cho con người.
– Chị ứng xử như thế nào với "Phía khác của cái đẹp" – như tựa một bài viết gần đây của chị?
– Là tìm cách nói ra mặt trái để mọi người cùng suy nghĩ. Ví dụ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tổ chức ở Việt Nam vừa qua. Người ta đã nói về nó như là nơi, là cuộc tôn vinh cái đẹp.
Thế nhưng, khi có cú đấm khiến một phóng viên tóe máu thì cái đẹp kia lập tức bị "vỡ". Và khi đó, người ta mới thấy thực chất phía sau cái đẹp nhân danh quốc gia là quyền lợi của một gia đình.
– Trong cuộc sống có khi nào chị thất vọng, bi quan tột độ?
– Có. Thời sinh viên, có một lần tôi đã từng không muốn sống, bỏ học mấy hôm. Thày tôi, đạo diễn Naoumov đã nói một câu chí lý : “Nếu mày muốn chết thì hãy chết, tao không cản. Nhưng nếu mày không chết được thì phải sống cho ra sống. Đừng có vừa sống vừa chết”. Câu nói này đã theo tôi như một “phương châm”.
"Cuộc đời này quá hữu hạn và có thể đứt ngang đột ngột, nên những gì bạn cảm thấy tốt đẹp, cần thiết phải làm cho người thân, cho xã hội, bạn sẽ tăng tốc lên một chút. Bạn sẽ quý hơn những giá trị thực tại, và sẽ bớt thờ ơ trước những cái mình đã từng thờ ơ". |
– Được biết là chị đã từng trải qua đột quỵ. Vậy sau khi bình phục thì tâm thức chị có gì khác với thời gian trước đó?
– Khác nhiều. Khi người ta chạm tới cái chết thì cảm xúc và quan niệm sống của người ta cũng thay đổi. Rằng cuộc đời này quá hữu hạn và có thể đứt ngang đột ngột, nên những gì bạn cảm thấy tốt đẹp, cần thiết phải làm cho người thân, cho xã hội, bạn sẽ tăng tốc lên một chút. Bạn sẽ quý hơn những giá trị thực tại, và sẽ bớt thờ ơ trước những cái mình đã từng thờ ơ.
– Chị đã hình dung ra những điều mình cần làm để tăng tốc chưa?
– Tôi vẫn làm những việc như trước đây, chỉ có điều bây giờ nhiệt huyết hơn, cẩn trọng hơn.
– Cảm ơn đạo diễn Việt Linh. Chúc cho những dự định tiếp theo của chị với "Tủ sách điện ảnh", với công việc làm phim, viết báo luôn tràn đầy nhiệt huyết và cảm xúc.
Bùi Dũng (thực hiện)
Theo TVN