Mùi khói rơm thơm lắm, quyện vào áo, vào tóc, để dù đến nơi nào cũng vẫn còn vương vấn cái mùi thơm có cả nắng mưa, cả gió sương, cả mồ hôi của những người lao động chẳng thể lẫn vào đâu được…

Xe chạy qua sông Đuống. Ai đó chợt thốt lên, kia chẳng phải là khói lam chiều sao! Tôi khẽ mở cửa và nhờ bác tài cho xe chạy chậm lại. Một năm cũ sắp đi qua. Một năm mới lại sắp đến. Đã lâu lắm rồi, tôi mới "gặp" lại mùi khói rơm ấy, hình ảnh mỏng manh ấy. Chuyến công tác kết thúc bằng mùi khói lam chiều, thơm đến nao nao lòng, rưng rưng những kỉ niệm đã từ lâu lắm. Lũ trẻ ven sông kia đang đốt cháy lại một thời xa lắc trong tôi…

Tuổi thơ tôi lớn lên nơi miền quê nghèo vùng núi trung du. Tuổi thơ không có những đồ chơi đẹp, đắt tiền, chỉ là những thứ quà bánh nhà quê, cái tò he, dăm ba hào phỏng mỗi lần bà đi chợ về, hay những chiều nướng khoai nướng sắn ngoài đồng bên làn khói rơm cay xè mắt. Mùi khói rơm thơm lắm, quyện vào áo, vào tóc, để dù đến nơi nào cũng vẫn còn vương vấn cái mùi thơm có cả nắng mưa, cả gió sương, cả mồ hôi của những người lao động chẳng thể lẫn vào đâu được.

Không những thế, mùi khói rơm còn len vào từng mái bếp, từng bữa ăn. Ngày ấy, chưa có bếp than, bếp gas, bếp điện, bếp từ như bây giờ. Nhà nào khá giả thì đi mua củi gỗ về đun bếp, phần còn lại chỉ đun rơm, đun rạ. Hồi ấy, sau mỗi lần vào bếp, khuôn mặt chị em tôi lại lem nhem những vết nhọ từ tro bếp, lại khúc khích cười khi tưởng tượng mình giống như cô bé lọ lem trong truyện cổ Grim.

 

Từ đầu đến cuối làng là những nếp nhà yên bình, ấm cúng, những ngôi nhà ngói mộc mạc, bình dị, lác đác vài mái nhà tranh vách đất. Từng mái nhà đều tỏa ra những làn khói mỏng manh mỗi chiều tà khi hoàng hôn tắt bóng. Khói bốc lên có khi thành từng đám ngùn ngụt, lại có lúc chỉ leo lét như sợi nhỏ mảnh mai rạch thành một đường cong giữa bầu trời lớn rộng, rồi tan biến lúc nào chẳng biết. Điểm chung của tất cả chỉ giản đơn là một bếp lửa sum họp cuối ngày lao động vất vả. Và khói bếp trở thành một biểu tượng của sự ấm no của mỗi nếp nhà.

Còn nhớ, cứ mỗi mùa thu hoạch, sau khi gặt và sát thóc, từng bó rơm được phơi khô rồi đánh thành những đụn to để ngoài vườn. Nhà nào cũng có những cây rơm cao ngất để cho tụi trẻ con leo lên mỗi lúc chơi ú tim. Thậm chí, cả khi trưa hè oi ả, tụi trẻ con chúng tôi cũng ra đấy nằm vùi mình vào rơm mà ngủ ngon lành. Những đụn rơm êm ái trở thành những người bạn thân thiết từ khi nào cũng chẳng biết.

Rồi những chiều mùa cạn nước, chúng tôi thu gom những gốc rạ ngoài đồng, vun lại, ném vào đó những cái bắp ngô, những củ khoai, củ sắn, những quả trứng bắt được ngoài ruộng và cùng quây thành vòng tròn đốt lửa. Lửa cháy phần phật, vàng rực như cũng muốn nhảy múa cùng niềm vui của những đứa trẻ nhà quê.

Bao năm trôi qua, tôi cùng những đứa bạn lớn dần lên và hòa nhập vào cuộc sống thành thị, xa dần trường làng, xa dần những chiều chăn trâu đốt rơm rạ ngoài đồng, xa dần mái bếp đầy những bồ hóng của khói rơm rạ. Thảng hoặc có những ngày về thăm nhà, mới lại thấy những đụn rơm nơi góc vườn bốc lên một mùi ẩm mốc của đất. Những đụn rơm đứng trơ trụi buồn thiu vì vắng tiếng cười của những đứa trẻ năm nào.

Cuộc sống cứ hiện đại dần lên. Những mái nhà tranh, nhà ngói được thay da đổi thịt bằng những ngôi nhà tầng, nhà mái bằng. Những chiếc kiềng ba chân dùng để đun rạ cũng được cất vào một góc khuất mà chẳng mấy khi nhìn thấy. Những đụn rơm chỉ còn được tập hợp lại để ủ phân, tạo thành biogas. Người ta không còn đun rơm đun rạ nữa, mà chuyển sang những loại nhiên liệu khác, sạch hơn, mát hơn, tiện dụng hơn. Nhưng dường như có điều gì đó khác lạ…Ngày xưa, đằng sau làn khói lam chiều là những ngôi nhà tranh mái rơm, mái rạ, những cảnh nghèo khó nhưng ấm cúng lắm. Trong làn khói lam chiều ấy có tiếng cười vui rộn rã của trẻ dắt trâu về, có tiếng trò chuyện cười đùa ríu rít của bà con cô bác làm đồng sau một ngày lao động vất vả.

Khói lam chiều không còn độc tôn hiện hữu ở khắp thôn cùng ngõ xóm mỗi buổi hoàng hôn về. Thậm chí, rơm rạ còn bị coi là thứ thừa thãi không dùng đến. Sau mỗi mùa vụ, người ta chỉ gom lại và đốt đi để chuẩn bị vào một mùa mới. Khói rơm bốc lên ngùn ngụt làm cay xè mắt những người lại qua, làm nao nao lòng những kẻ còn nhớ về một thời đốt rạ trên đồng với bạn bè cùng trang lứa.

Và khói lam chiều cũng không còn là biểu tượng cho sự no ấm, sự ấm cúng của mỗi gia đình nữa.

Thế nên, bất chợt chiều nay, bắt gặp làn khói mỏng manh cất lên từ những cánh đồng ven sông kia, tôi bỗng nhiên cảm thấy vừa xa lạ và thân quen biết mấy. Cứ như thể một người bạn tri kỉ đã lâu quá rồi không được gặp nhau. Nay dù chỉ trong thoáng chốc cũng đủ làm sống dậy những ngày thân thiết của quá khứ năm nào.

Thế mới biết, cuộc sống ngày một thay đổi nhanh quá, chỉ có những kí ức xưa vẫn vẹn nguyên. Khói lam chiều vẫn cứ còn lại, bùi ngùi, mong manh một vệt trong tâm thức. Là một thời nghèo khó nhưng rất đỗi yên ả, thanh bình. Là gia đình yêu thương sau lũy tre làng xanh rì, là những ngày thơ êm đềm nơi miền quê thôn dã. Là chị, là anh, là bạn đồng niên, là những chiều chăn trâu cắt cỏ. Là cả một khoảng yêu thương đã nằm sâu trong trái tim chẳng khi nào có thể mờ phai.

Còn nay, còn đâu những làn khói lam chiều. Chỉ thấy những ngôi nhà cao tầng. Cuộc sống tấp nập hối hả đến nỗi người ta đi ngang qua nhau cũng không kịp để lại một câu chào, một lời hỏi thăm, có chăng chỉ là cái gật đầu thật khẽ mà nếu không chú ý có thể sẽ chẳng nhận ra.

Bác tài lại cho xe chạy vun vút trên đường, để lại phía sau một khoảng trời rộng cho kỉ niệm trở về ngổn ngang trong tâm khảm. Mùi khói lam chiều thơm ngai ngái pha chút dịu ngọt sau mỗi mùa gặt ngày nào bỗng hiển hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Bất chợt, tôi thấy sống mũi mình cay cay, và màu khói cứ xa dần, khuất dần, nhòe dần chẳng biết đến khi nào mới có thể gặp lại…

Hoàng Anh – VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *