Ấp Kinh 12, xã Tân Thành, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An…

Tôi đã ghi trong sổ tay để nhớ, để hứa với mình sẽ trở lại nơi đây.

Một con lộ cặp một con kinh, bên kia kinh là nhà cửa, phía sau nhà là đồng lúa trải phẳng phiu đến tận rừng tràm. Chiếc xe chạy trớt qua rồi từ từ lùi lại, những người ngồi ở cái quán bên đường tò mò chờ đợi. Từ trên xe bước xuống hai ông Mỹ cao lớn, giầy to đùng, cổ đỏ au đeo lủng lẳng máy chụp hình. Họ chụp hình chiếc ghe mua lúa chạy dọc xóm dưới kinh, mấy con cò trắng đứng giữa đồng rình bắt cá, ngôi nhà xây nửa lá nửa tôn, đàn vịt đang lạch bạch trèo qua bờ ruộng, trẻ con đang chơi trước sân nhà. Bọn trẻ ngừng chơi, đứng bên kia con kinh nhìn qua lộ, có đứa vẫy tay hét : “Hé-lô!”

Hai ông khách lạ chào lại : “Hello!”. Mấy người ngồi ở cái quán bên đường cười tở mở : “Ổng chào tụi bây đó. Mời ổng vô nhà tụi bây chơi đi!” Khách không hiểu người ta hò hét qua lại điều gì giữa hai bờ kinh, nhưng họ cảm nhận được tình thân thiện và sự thoải mái hồn nhiên. Họ nhận thấy suốt con kênh dài thẳng băng không có bóng dáng chiếc cầu nào, bèn hỏi người ta làm sao qua sông. Người ta cười ngất : Thiếu gì đò! Và họ ới qua ới lại mấy tiếng là mấy đứa con nít te te chạy xuống bến, đẩy chiếc đò con ra, chống chèo mấy cái, qua bờ bên này, ngoắc gọi mấy người khách ngẫu nhiên dừng chân bên bờ kinh.
Tôi không tin hai ông dám bước xuống chiếc đò con do trẻ em chèo. Chính tôi cũng không dám. Tôi la lên : “Thôi, tôi không biết bơi.” Mấy đứa nhỏ nhao nhao : “Không sao đâu! Qua chơi. Ở trong kia đang tát cá. Vui lắm!” Tôi ham vui quá, nhưng cũng ngại, đầu năm đầu tháng mặc đồ mới đi chơi, rủi rớt xuống kinh ướt nhẹp thì thiệt là đẹp mặt! Ngờ đâu hai ông khách chịu chơi, hăm hở xuống đò giữa tiếng cười đùa, chọc ghẹo của đám đàn bà con nít xung quanh. Tôi đành bấm bụng đi theo. Hoá ra qua kênh là chuyện tầm thường, con nít mỗi ngày bơi qua bơi lại mấy chục lần.

Con lộ vẫn vun vút xe chạy ngược chạy xuôi bỗng nhiên có vẻ xa xôi cách trở – cách tới một con kinh không có cầu lận! Và chỉ mới đi vòng ra sau căn nhà, một thế giới khác mở ra, như trong truyện thần tiên. Lối đi là những bờ ruộng vừa cho một người bước. Nên người ta đi thành hàng một, chuyện trò lớn tiếng, gió đưa tiếng họ băng đồng, nghe xa xa mà nghe rõ ràng, nghe cả tiếng cười khe khẽ. Có tất cả năm người đàn bà, mặc quần áo lấm lem bùn, đội nón lá te tua, khăn choàng kín mặt. Họ vừa đi dặm lúa về, thong thả giữa cánh đồng, gần gũi, hài hoà như một phần tự nhiên của bức tranh phong cảnh này, tự nhiên như những cây tràm sót lại làm mốc ở những bờ ruộng, hay vạt bông súng ở cái đìa xa xa.

Tôi không cần vẽ hay chụp phong cảnh này. Tất cả in ngay vào tâm trí tôi từ cái nhìn đầu tiên. Một tiếp xúc thị giác mà chấn động mạnh tâm tình đến nỗi tôi ngây người. Hãy cho phép tôi nhắc lại một chút chuyện xưa, để thấy tôi không cường điệu cảm xúc của mình. Hơn một phần tư thế kỷ trước, tôi đã đi qua vùng đất này một lần. Lúc đó là giáo viên thuộc Sở Giáo dục Long An, mùa hè nào chúng tôi cũng tập trung học chính trị. Năm đó, đầu thập niên tám mươi của thế kỷ hai mươi, cuối đợt học, chúng tôi được đưa đi Mộc Hoá, mục đích là khai trương con đường mới hoàn thành từ Tân An đi Mộc Hoá, để nhìn thấy tiềm năng của tỉnh nhà. Lúc đi, nắng chói chang, con đường không tráng nhựa mịt mù bụi, nước con kinh cặp theo lộ trong leo lẻo, và chung quanh phẳng lì đến tận chân trời, không một bóng cây, không một mái nhà, suốt hàng mấy chục cây số, hàng mấy giờ đồng hồ xe hơi chạy. Lúc về, mưa tầm tã, nhìn qua kiếng cửa xe chỉ thấy mịt mù mây xám xịt trùm khắp bầu trời, mặt đất lênh láng nước, con đường mới hoàn thành đó đã bị xói lở từng đoạn. Dù lúc ấy trẻ tuổi và lạc quan, tôi vẫn không hề nhìn thấy “tiềm năng” gì ở vùng đất phèn trũng chỉ có cỏ năn mọc. Hồi đó, giáo viên Long An mà bị phân công về Một Hoá, Vĩnh Hưng, là kể như đi đày, bị “đì”.

Hôm Tết gặp lại học trò cũ, nghe nói đường đã tráng nhựa, dân chúng đông đúc, ruộng lúa mênh mông, bạn học cùng lớp tụi nó có đứa lập nghiệp ở Vĩnh Hưng, làm bác sĩ giám đốc bệnh viện, có đứa đang là giáo viên ở Một Hoá. Tôi nghĩ đến một chuyến đi. Không để làm gì cả. Tôi bảo anh tài xế chiếc xe du lịch chúng tôi thuê là anh cứ thấy đường thì chạy, không cần tới đâu, đến quá trưa thì quay đầu xe trở về thành phố.

Con đường hoá ra ngắn hơn tôi tưởng. Sáu mươi cây số. Xe chạy chừng một tíêng đồng hồ, không có cảnh trí gì đặc biệt gây ấn tượng, hao hao giống những con đường liên tỉnh khác ở miền Nam, cột điện kéo dài theo lộ, quán xá bám dọc lề đường, đôi khi gặp một đoạn ổ gà loang lổ, thỉnh thoảng băng qua một chiếc cầu có cống xả lũ. Nhà cửa ở bên kia bờ kinh không mấy căn lợp ngói hay xây gạch, cũng chẳng thấy vườn cây ăn trái. Những cây tràm hay cây gì đó mọc lô xô bên đường, ven kinh, che khuất hoặc cắt khúc tầm nhìn lướt qua từ trên chiếc xe chạy quá nhanh. Cảm xúc của tôi vì vậy cũng lụn vụn lớt phớt. Cho đến khi gặp một đoạn khá trống có thể nhìn thấy chút đồng lúa xa xa, chỉ định ngừng lại chụp hình, rồi tình cờ qua được con kinh, đứng trước cánh đồng mới sạ hai tuần, xanh mươn mướt…

Chị của mấy đứa trẻ chèo đò đưa khách đi thăm lúa trên cánh đồng của gia đình. Nhà em có bốn mẫu, lúa mới sạ trước Tết. Mỗi năm ba tháng nước lụt, ngoài này làm được hai mùa lúa, trong kia chỉ làm một mùa, dân sống bằng lúa và cá hoặc tràm. Những người trẻ thì lên thành phố làm việc. Lao động (dặm lúa, đốn tràm, cuốc đất …) năm chục ngàn đồng một công. Nhà cửa không cần cửa nẻo, chẳng ai lấy cắp. Nghe em nói, tôi nghĩ trong những căn nhà sơ sài ấy có gì để lo mất cắp. Nhưng khi cha mẹ của em đi làm về và mời khách vào nhà chơi, thì đập ngay vào mắt tôi là tủ lạnh, ti-vi, máy tính bày giữa nhà. Trong chái bếp có cả bếp ga. Và cô gái vừa giảng giải về lúa, cá, tràm, lũ lụt, đất phèn cho chúng tôi hoá ra là sinh viên năm thứ ba khoa Chế biến Thực phẩm của trường Đại học Công nghiệp ở Thủ Đức.

Có thể ngôi nhà tôi tình cờ ghé vào thuộc loại khá giả hơn nhiều nhà khác. Cánh đồng xanh mướt lúa hai tuần tuổi cũng không có nghĩa là tất cả cánh đồng năn nay đã thành ruộng lúa màu mỡ. Con đường tráng nhựa và những chiếc xe gắn máy ngược xuôi cũng chưa phải là bằng chứng thịnh vượng của vùng đất này. Nhưng tôi ngất ngây vì trước mắt tôi là sự sống : cò bay, cá lội, mạ xanh xanh, nước lúp xúp. Và con người, những người đã cần cù nhẫn nại phục hồi sự sống đó, còn nguyên vẻ đẹp chân chất hồn hậu.

Lý Lan – Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *