Đọc tiểu thuyết Ma chiến hữu của nhà văn Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ dịch ra tiếng Việt mà tự cám cảnh. Thấy buồn quá. Cuộc chiến tranh cách đây đã vừa tròn ba chục năm Mạc Ngôn đề cập tới tưởng là phải được tái hiện và được ngẫm nghĩ trước nhất bởi nhà văn nước mình. Vậy mà không, hoàn toàn không. À, cũng không hẳn là không, vì trước đây thì có. Vào lưu trữ ở các thư viện, lục tìm những số nhật báo, tuần báo ra từ cuối năm 78 – không lâu trước ngày bùng nổ chiến cuộc cho tới khi vùng biên im hẳn tiếng súng, chừng mười năm trời – thì sẽ đọc thấy, bên cạnh tin thời sự, tin chiến thắng, rất nhiều ký sự, phóng sự, bút ký, truyện ngắn và thơ ca liên quan đến các bản tin ấy. Khi chiến sự ngừng thì các tác phẩm văn chương có tính trực chiến như thế cũng theo thế mà ngừng. Như vậy là phải, như vậy là lẽ dĩ nhiên, vì đã hoà bình rồi. Có điều, tịnh không một chút gì đọng lại thì lại là sự lạ lùng.

Năm tháng trôi qua, đời sống ngày lại ngày đẩy tất cả các sự kiện của thế sự mỗi thời lùi vào dĩ vãng. Hôm trước, năm trước còn là chuyện dữ dội, to tát, nóng bỏng, chấn động trên mặt báo và dư luận. Năm sau, hôm sau đã được chuyện khác hoàn toàn thế chỗ. Tuy nhiên, mặc dù sự đời thì như thế, mà tâm tưởng của con người ta lại không như thế. Có những câu chuyện trong đời người càng lùi xa theo tháng ngày càng trở nên đậm nét hơn và thấm thía hơn. Bởi vậy nên mới có cái mà người ta vẫn gọi là "độ lùi thời gian ", rất cần thiết cho sự ra đời của một tác phẩm văn học. Và có lẽ đấy là một trong những duyên do khiến Mạc Ngôn viết Ma chiến hữu vào năm 2004. Là một sĩ quan tuyên giáo, nhưng ông đã không dùng câu chữ của mình để tức thời văn chương hoá chiến cuộc, mà đợi 25 năm sau mới trở về với trận chiến đã qua.

Nhưng tại sao Mạc Ngôn viết mà tôi và các bạn văn của tôi thì không hề. Như thể là tôi vô cảm với những ngày tháng đau thương không thể nào quên đó trong cuộc đời đất nước, trong cuộc đời của bản thân tôi và gia đình tôi, cuộc đời của bao nhiêu người bạn từ thời thơ ấu, thời quân ngũ, của bao nhiêu con người từng là hàng xóm cùng ngõ cùng nhà với tôi thuở ấy. Sự thực là cũng đã âm thầm dự định viết, ít nhất là một truyện ngắn nào đó, nhưng rồi đã do dự, đã e ngại. Và cái kiểu e dè như thế thì còn tệ hơn cả thái độ dửng dưng. Bây giờ, cầm cuốn sách của Mạc Ngôn trong tay, càng thêm thấm thía rằng, làm nhà văn mà như mình thật là quá xoàng.

Một số nhà văn và độc giả bạn hữu của tôi thấy rằng, việc xuất bản một cuốn sách có nội dung liên quan tới cuộc chiến năm 1979 mà tác giả lại của phía đối phương là một sự báng bổ. Song, tôi – và chắc chẳng riêng tôi – không nghĩ thế. Là một nhà văn nặng tình nghĩa với người nghèo khổ, tác giả Mạc Ngôn sẽ khó mà có thể bưng tai bịt mắt bỏ qua một đại tai ương, một bi kịch lớn lao cay đắng đến như vậy. Và việc Nhà xuất bản Văn học cho dịch, cho in Ma chiến hữu cũng là sự cần thiết cho độc giả. Cuộc chiến năm 1979 chẳng những không bao giờ phai mờ trong ký ức của thế hệ chúng tôi, những người đương thời với cuộc chiến ấy, mà cả trong tâm trí các thế hệ sau cũng thế, ngay dù có muốn khoả lấp thì vẫn sẽ mãi còn đó. Và để hiểu, để suy ngẫm về cuộc chiến ấy thì tất nhiên sẽ có những độc giả và nhà văn thế hệ sau chúng tôi tìm đọc các tác phẩm văn học viết về nó. Văn học Việt Nam tịnh không có tác phẩm nào, thì thôi, người ta đành đọc một chiều qua văn học dịch. Thiết nghĩ như thế cũng được. Như thế còn hơn là một sự im lìm trống vắng bao trùm lên hiện thực sừng sững và hiển nhiên của thời kỳ lịch sử kinh hoàng và bi thương ấy. Và nếu đấy là tác phẩm của một nhà văn cỡ Mạc Ngôn, thì độc giả Việt Nam thời sau này cũng sẽ thông qua đó chẳng những hiểu được tâm trạng những người lính thường và dân lành Trung Quốc, mà còn có thể gián tiếp mường tượng được phần nào hoàn cảnh và nỗi niềm nước Việt Nam, người Việt Nam của mình thời đó. Còn hơn là chẳng có cái gì hết để mường tượng.

Bản thân bởi đã đọc Đàn hương hình và nhất là Báu vật của đời, nên khi cầm Ma chiến hữu trong tay, chưa giở ra đọc, tôi cũng đã tin rằng trong cuốn tiểu thuyết này, mình sẽ không bị đọc phải những câu chữ và quan niệm ấu trĩ làm cho mình không còn ưa thích một tác giả mà mình vốn ưa thích.

Nhiều nhà văn và độc giả có trình độ thẩm văn thượng thặng mà tôi quen biết không đánh giá cao Mạc Ngôn. Họ chê văn ông thô, tư tưởng lộ liễu, sự viết lách ngỗ ngược một cách tự nhiên chủ nghĩa và quá nặng nhục cảm "phong nhũ phì đồn". Tôi không biết cách phân tích bình luận này nọ, chỉ biết đọc và thấy rất khoái văn Mạc Ngôn. Và thú thực là rất phục ông. Có thể là vì vốn dĩ từ bé đã chỉ biết sau thời Lỗ Tấn, ở Trung Hoa nhân dân, điện ảnh thì có những thứ đại loại như Lửa hận rừng dừa, văn học thì Vượt sông Áp Lục… cho nên khi xem phim Cao lương đỏ và đọc Báu vật của đời – tác phẩm dịch ra tiếng Việt đầu tiên của Mạc Ngôn – tôi thấy bất ngờ. Không chỉ thấy hay, mà còn thấy hay một cách đáng sửng sốt. Tự chủ ngòi bút, tự mình, vì tự do của tâm hồn mình, không xá cái gì hết, không e ngại, không mập mờ nhìn trước ngó sau, chỉ tâm trí mình lòng dạ mình thế nào thì Mạc Ngôn viết thế.

Tôi cũng tin, một nhà văn đích thực nhà văn như Mạc Ngôn thì không đời nào tụng ca chém giết. Mặc dù Ma chiến hữu là tác phẩm về đề tài chiến tranh nên sẽ khó tránh những trực cảnh trận mạc nhìn từ một phía, sẽ càng khó tránh – hoặc đúng hơn là không thể tránh, không cần tránh – việc thể hiện chính xác và đích thực những lời lẽ, những ngôn từ, giọng nói, cách nói, kiểu nói của các nhân vật lính thường, hoặc trái lại, nhân vật ông tướng ông tá cất lên ở các bối cảnh trên chiến trường và hậu tuyến, song giọng của bản thân nhà văn, dù hiện rõ ra hay ẩn trong tác phẩm, phải là giọng riêng. Và tôi tin, một nhà văn như Mạc Ngôn sẽ không khi nào có giọng hò hét xung sát, kêu gào hận thù, vẫy gọi đổ máu. Nghĩ thế, nên khi cầm cuốn sách lên, tôi rất nghi ngờ mấy dòng in đậm ở bìa sau : Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng.

Mà quả nhiên, sau khi đọc xong, tôi thấy nội dung cuốn sách đâu có vậy. Dịch giả đã dịch thành công tác phẩm ra tiếng Việt. Văn của bản dịch khá hay, và hẳn là nội dung được đảm bảo. Vậy thì tại sao lại có những dòng in đậm đó? Không lẽ là của Mạc Ngôn? Thực chất, đấy là những dòng chữ xúc phạm và bóp méo Mạc Ngôn. Cố nhiên, lại càng báng bổ và xúc phạm tình cảm của độc giả Việt Nam.

Do chạm phải mấy dòng in đậm thiếu suy nghĩ đó ở bìa sau cuốn sách, tôi không khỏi nhớ tới một chuyện cách đây mấy năm. Hồi đó, chẳng hiểu thế nào mà tôi lại dự vào cái vinh dự chấm kịch bản phim phục vụ Lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Đạo diễn Hải Ninh ưu ái bảo tôi dự vào, trong khi có vẻ như chính bản thân ông lại không hề muốn can dự vì biết trước và biết quá rõ rằng, nó sẽ lình xình đủ chuyện. Quả nhiên. Kịch bản Hội Thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân xuất sắc nhất, tất cả những người dự chấm đều nhất trí như thế. Có nghĩa là Hội Thề sẽ thành phim để chiếu vào đại lễ năm 2010? Tôi tưởng điều ấy là dĩ nhiên : Cuộc thi không phải là đã được mở ra nhằm mục đích đó hay sao? Khi nhất định muốn biết vì sao lại không như vậy, thì tôi được một người trong ngành văn hoá cho biết rằng, có nhiều lý do lắm ạ, mà lý do thấy rõ nhất là "tính nhậy cảm". Hội Thề, tuy là hội thề để đem lại hoà bình, nhưng vẫn liên quan đến đại thắng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, mà như thế thì… không có lợi.

Nếu cùng một kiểu tư duy như thế thì điện ảnh và văn học Trung Hoa sau thời Cách mạng Văn hoá nảy đâu ra được Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Giả Bình Ao, Vương Mông, Mạc Ngôn, Dư Hoa…

Ma chiến hữu mà gặp phải tư duy kiểu như vậy trong biên tập thì ngay từ năm 2004, nguyên bản tiếng Hoa đã không thể ra mắt độc giả Trung Quốc. Bởi vì cuốn sách này không "tụng ca" cái gì cả, chẳng minh hoạ cái gì hết. Trong sách chỉ là hiện thực về thân phận người lính và nông dân nghèo khổ, bị thời cuộc xô đẩy hiện lên từ cách nhìn của Mạc Ngôn.

Ma chiến hữu không hay được như Phong nhũ phì đồnĐàn hương hình, những vẫn là tác phẩm hay.

Trong Ma chiến hữu, các nhân vật người và ma gặp gỡ nhau trên cành cây, uống rượu, câu cá, tán dóc, hồi tưởng thời thơ ấu, thời quân ngũ… Kiểu viết này rất khó, nhưng đạt được thì sẽ có chiều sâu đầy lôi cuốn và mê hoặc. Cách viết và kể như vậy, ở Việt Nam có nhiều, nhất là truyện ngắn về đề tài chiến tranh. Tiểu thuyết thì có cuốn Tàn đen đốm đỏ của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, mà thành công của nó một phần là nhờ đạt được cách kể cách viết mộng mị, ma và người, hư và thực.

Ma của Ma chiến hữu có phần hơi thật quá. "Bộ quân phục của anh ta đã mục nát. Tôi vừa chộp tay vào là nó đã rách toác, trông như một loại giấy bồi bị thấm nước… Gương mặt đầy mụn sần sùi màu đỏ bầm đã kề sát mặt tôi : té ra là người cùng làng, là đồng đội của tôi, là Tiền Anh Hào – người đã hy sinh vào tháng hai năm một ngàn chín trăm bảy mươi chín trong một trận phản kích”.

Song, có thể đó chính là dụng ý của tác giả. Ông muốn huỵch toẹt nói thẳng, không muốn ẩn vào sự mơ hồ của hồn ma kiểu Liêu trai.

"Tớ đau khổ, nhưng không phải vì cậu chết, mà vì cái chết của cậu chẳng có ý vị hùng tráng nào"

"Cậu đeo trên người 18 quả lựu đạn, một khẩu liên thanh với 180 viên đạn, nhưng chưa kịp bắn một viên đạn, chưa kịp ném một quả lựu đạn nào mà đã chết. Tiếc ơi là tiếc!"

"Tớ đã gào lên rằng, tớ sẽ báo thù cho cậu và xông lên. Sau này nghĩ lại, trong hoàn cảnh ấy, tớ chẳng còn lòng dạ nào mà gào lên như thế"…

Tôi đoán là văn chương của Mạc Ngôn trong cuốn sách này hẳn rất trái lời trái ý những người hô hào cuộc chiến năm 1979. Vậy sao lại được xuất bản ở Trung Quốc? Là vì người Trung Quốc không phải ai cũng là thống tướng Hứa Thế Hữu, và không phải ai cũng răm rắp "quân lệnh như sơn", tuân phục những người như ông ta.

Tôi cũng tin là nhà văn Mạc Ngôn chẳng những đồng ý cho NXB Văn học dịch Ma chiến hữu ra tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam, mà còn rất mong muốn điều đó. Tất nhiên là từ chủ quan suy nghĩ của mình, song tôi thật sự cảm giác rất rõ rằng khi viết Ma chiến hữu, nhà văn Mạc Ngôn đã hướng lòng mình tới độc giả Việt Nam.

Đọc Ma chiến hữu, tôi nhận ra là mình đã không hiểu gì người Trung Quốc, hoặc chỉ hiểu với những định kiến. Mà lẽ ra, tôi không nên định kiến, nhất là đối với người dân lành, nhất là đối với giới trí thức và nhà văn. Bởi tôi là tín đồ của Tam Quốc, Đông Chu, Thuỷ Hử, Hồng lâu mộng. Tôi ngưỡng mộ Lỗ Tấn thuở xưa và sau này là Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn… Già nửa lính trung đội tôi khi tiến vào Sài Gòn năm 75 là dân Hàng Buồm. Chính trị viên phó tiểu đoàn là dân Mã Mây, họ Vương. Hàng xóm ngay sát vách nhà tôi tới năm 78 là ông lạc rang húng lìu trước cửa rạp Kinh Đô và bác dầu cháo quẩy đầu Đình Ngang. Con trai con gái hai nhà ấy học với tôi từ lớp 1 đến hết lớp 10.

Đọc Ma chiến hữu, tôi cũng gián tiếp nhận ra rằng, ở Trung Quốc, người ta nghĩ nhà văn Việt Nam hiện đại đầu bảng chỉ có Từ tuyến đầu Tổ Quốc. Và họ nghĩ thế chẳng sai, bởi hình như đến bây giờ, chỉ tập sách đó dịch và xuất bản ở Trung Quốc.

Không chịu hiểu người, không để người hiểu mình, là cái kiến thức của tôi và của thời tôi vậy.

Bảo Ninh – Văn nghệ Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *