Bạn tôi rủ đến một quán café mới mở. Nghe nói là quán do con gái của chị du học về đứng ra quản lý, rất có “phong cách”, tôi và đám bạn sốt sắng đi ủng hộ. Nhưng “mấy dì” hơi quê, nếu không là quá già, trong khung cảnh (thành thực mà nói) hơi giống một cái bar sinh viên ưa la cà ở một phố gần trường đại học nào đó bên Mỹ, được làm sang bằng trang trí nội thất hiện đại lai căn. Nhạc và ánh sáng được điều phối bằng vi tính, hơi rối mắt và ồn ào đối với tôi, nhưng có lẽ tạo được không gian ảo, phù hợp với tâm tình của những người khách trẻ hơn.
Ở Sài Gòn, quán xá, hàng họ mọc như nấm, đủ kiểu, và về phương diện “độc đáo” thì không ít, cái này tàn cái khác mọc lên. Một người quen vừa xây xong ngôi nhà mơ ước, bạn bè đến ăn tân gia, tán vô : “Hàng hiên này mà ngồi uống café thì tuyệt!”. Chị bèn biến cái nhà mình thành quán café, thâm tâm muốn khoe nhà, nhưng ít lâu sau thì dẹp, vì khách ra vô làm… dơ nhà chị! Cô con gái bạn tôi, không rõ học cái gì trong 5 năm ở nước ngoài mà học xong thì khăng khăng về nước. Tôi biết, nếu cô cố lỳ ở lại nước ngoài, dù để ăn chơi hay kiếm việc làm, hay lấy cớ học tiếp, đều có thể, nhất là với hỗ trợ tài chánh của gia đình như lâu nay. Về được một năm, thay đổi công ty hai ba lần, chỗ nào cũng “đụng”, nên chán, đòi mở quán café. Bạn tôi thấy một người cháu gái mở quán được nửa năm thì lấy được chồng rồi dẹp quán, nên cũng ráng kiên nhẫn chìu con.
Quả thật, ít lâu sau, cô gái dẹp quán, đòi đi học cao học. Mới hăm ba tuổi, cô gái chưa vội vàng gánh trách nhiệm trước cuộc đời. Cái quán tụ tập được một số bạn bè trang lứa, trong không khí hư ảo của âm nhạc và màu sắc, chuyện trò về “thời du học”, nhưng một thời gian sau thì nhàm. Dù không chịu thừa nhận, nhưng sự thực là các cô cậu ấy đang hoài niệm một quãng đời, một cách sống mà nay các cô cậu không tìm thấy ở quê nhà. Người ta dùng chữ “sốc văn hóa” để giải thích sự khó hòa nhập của những người như vậy sau khi sống năm bảy năm ở nước ngoài. Trong năm bảy năm đó, họ vẫn về nhà mỗi kỳ hè hay Tết, nhưng trong dăm tuần vài tháng, chủ yếu ăn chơi nghỉ ngơi, những “trục trặc” văn hóa dễ dàng cho qua bằng vài sự cằn nhằn, phê phán. Khi trở về để sống, làm việc, với ít nhiều hoài bão, kỳ vọng, mà loay hoay cả năm trời chưa xác định được chỗ đứng của mình, người ta dễ nản lòng, đôi khi đi tới kết luận cực đoan là mình không thể sống tiếp trên đất nước này nữa.
Nhiều bạn bè khi tham khảo tôi về việc có nên cho con đi du học không đã ngập ngừng rất lâu trước thực tế là cho con đi du học sẽ… mất con. “Nó” đi xa nhà năm bảy năm ở tuổi đôi mươi, có thể có bạn trai bạn gái người nước ngoài, rồi có chồng có vợ xa, không về với cha mẹ nữa. Thậm chí, “nó” về thì cũng sẽ như đứa con gái của người bạn kể trên, đã tập nhiễm văn hóa nước ngoài, xung đột với văn hóa truyền thống, trở thành người xa lạ trong gia đình, xã hội, thậm chí xa lạ với chính mẹ của mình. Mà “nó” chính là người khổ nhất khi không thể hội nhập lại xã hội. Nhất là khi “nó” từng ra đi với tham vọng học hỏi để trở về canh tân đất nước, rồi nhận ra sự bất lực của mình.
Có người chấp nhận “mất” đứa con ngây thơ bé bỏng của mình, để nó trưởng thành, và trở thành người mà nó sẽ trở thành, dù là ai, ở đâu. Thậm chí, có người dặn dò con khi ra đi là hãy cố gắng mà tạo lập tương lai nơi xứ người, nếu có thể. Có người đặt kỳ vọng vào con cái, không chỉ vào tương lai bản thân nó, mà còn trao cả trách nhiệm với gia đình, họ tộc lẫn nước nhà. Một người quen của tôi dành cả năm trời tâm tình với con (tức là “làm công tác tư tưởng”), đến khi đủ tin con mình có lòng yêu nước thương nhà, không sợ mất gốc, mới cho con đi du học.
Thực ra thì những lo lắng đó tuy chính đáng, nhưng không có tác dụng nhiều. Có hai điều quan trọng nhất sẽ ảnh hưởng quyết định đến con đường của một con người ly hương khi mười mấy tuổi. Mười mấy và hăm mấy là tuổi người ta đang đi tìm kiếm chính mình. Người ta có thể đi rất xa để đến được chỗ khởi đầu. Cho nên căn bản văn hóa (và giáo dục gia đình, xã hội) mà người ta thấm nhuần từ thưở ấu thơ đến ngày một mình bươn chải ở xứ người là cái neo để người ta giữ được bản chất của mình. Có thể con đường vòng vèo, “tha hóa” rất xa rất lâu, nhưng căn bản đó càng bền vững thì càng có thể yên tâm – con người không thể bị “mất”.
Điều thứ hai là tình yêu. Một tình yêu cao cả, chân thành như tình yêu cha mẹ, anh em, bè bạn, họ hàng, xóm giềng… cộng lại thành tình yêu quê hương. Nếu một người không có những tình yêu này, thì… có “mất” cũng đành thôi.
Lý Lan
Báo Sinh viên