“Có nhiều cách tỏ tình, như có nhiều cách viết một đoạn văn. Có thể nêu thẳng ý chính ngay trong câu đầu tiên “Anh yêu em”, rồi diễn giải hay minh chứng ý tưởng đó bằng năm – bảy câu văn triển khai tiếp theo, sao cho đoạn văn khoảng một – hai trăm chữ thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ, sâu sắc một ý tưởng duy nhất mình muốn truyền đạt cho đối tượng để có được sự đồng thuận”. Ngay sau lý thuyết này, giáo sư lớp Viết (Writing) của khóa Chuẩn bị (Pre-academic) yêu cầu mỗi học viên viết một đoạn văn không quá hai trăm chữ, về bất cứ đề tài gì.

Sẵn thí dụ của giáo sư, nhiều người viết luôn về tình yêu. Họ biết là khi thời gian bị hạn chế, không nên lãng phí vào những đắn đo chọn lựa không cần thiết, cứ chộp lấy bất cứ đề tài gì có sẵn, để có thể đầu tư tối đa thời gian còn lại cho công việc chính, là cái mà qua đó, mình có thể tạo được ấn tượng hay khác biệt. Mười lăm phút viết hai trăm chữ bằng một ngôn ngữ vốn không phải tiếng mẹ đẻ là chuyện không dễ dàng. Huống chi, yêu cầu không chỉ là viết đúng chính tả – ngữ pháp, mà phải thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ, sâu sắc một ý tưởng. Tình yêu có vẻ là kinh nghiệm người trưởng thành nào cũng từng trải, có thể viết tới điểm cơ bản nhất, chung nhất, đồng thời tạo được sự độc đáo từ những riêng tư của bản thân.

Đến phần trình bày, mỗi người đọc to đoạn văn của mình để cả lớp thưởng thức và thảo luận. Diễn tả suy nghĩ hiểu biết của mình thành chữ và diễn thuyết tranh biện cho ra chân lý là những kỹ năng quyết định thành bại ở đại học. Trong lớp rèn luyện những kỹ năng này, bản thân nội dung tranh biện không quan trọng bằng cách thức, và quan điểm không cần thiết như biện pháp. Mình có thể dùng các biện pháp thuyết phục để mọi người đồng ý với một quan điểm mà đó không nhất thiết là niềm tin của mình. (Mấy người học khoa tiếp thị ắt phải rành kỹ năng này).

Nhưng khi Seann, một sinh viên Thái, đọc đoạn văn luận về tình yêu của anh thì cuộc tranh luận bỗng trở nên gay gắt, mọi người quăng phứt cái vỏ kỹ năng để nhào ra tranh cãi về quan điểm. Anh Seann viết : Anh là người hạnh phút biết tình yêu là gì. Vào đêm trước ngày anh đi học xa, bạn bè đến tiễn, cùng anh bù khú đến khuya, vợ anh chuẩn bị đồ ăn thức uống chu tất, cả hoa và âm nhạc, rồi lên lầu dỗ con ngủ. Buổi sáng, anh thức dậy trong căn nhà thân quen rất im ắng sau bữa tiệc tưng bừng hồi đêm, thấy vợ anh lặng lẽ bò trên sàn nhà lau dọn. Anh nhìn dáng vợ trào lên bao cảm xúc phức tạp, vừa áy náy, xót xa, vừa thương yêu, tri ân. Nhưng trước khi anh tìm được lời bày tỏ cảm xúc của mình thì vợ anh đã ngẩng đầu lên, nhìn anh, mỉm cười. Trong khoảnh khắc đó, anh biết là mình thuộc về những người may mắn trên đời có được báu vật vô giá là tình yêu.

Thay vì tiếng vỗ tay tán thưởng một câu chuyện ngọt ngào, Seann có vẻ bất ngờ khi Egodi – một nữ sinh viên gốc Phi – phát pháo tấn công : Có thể gọi đó là tình yêu không, khi sự sung sướng thỏa mãn người này đạt được bằng sự vất vả cực nhọc mà người khác cam chịu, nhưng cứ giả định, hay vẽ vời cho cao cả, là tự nguyện hy sinh, dâng hiến? Seann hùng hồn bảo vệ định nghĩa tình yêu của mình, nhưng càng lúc càng thất thế vì tinh thần bình đẳng giới được đa số ủng hộ, nhất là khi Egodi đảo ngược vị trí nhân vật : Nếu Seann chính là người bò ra sàn lau dọn tàn dư bữa tiệc hồi đêm của vợ anh thì cảm xúc của anh có sung sướng thỏa mãn hay không? Và đừng nói anh sẵn sàng làm vậy khi mà thực tế anh chưa từng làm vậy.

Cuối cùng, Seann chấp nhận nhượng bộ trước các cuộc tấn công của phe nữ quyền và tủm tỉm cười một mình sau buổi học. Anh không nói gì nữa, nên chỉ có thể suy từ vẻ mặt nụ cười của anh là : Ai nói gì thì nói, mình biết những gì vợ mình làm cho mình là tình yêu, vì vậy, mình yêu nàng, và bọn mình hạnh phúc. Tình yêu không thể cân đo đong đếm tính toán chi li, nên “bình đẳng” không là cái “thước” gì trong tình yêu cả. Khi yêu nhau, ở vị trí nào hai người đang yêu cũng bình đẳng. Còn khi đặt vấn đề bình đẳng thì chẳng còn là tình yêu nữa.

Dĩ nhiên, những cuộc tranh biện trong lớp rèn luyện kỹ năng viết hay thuyết trình không nhằm định nghĩa tình yêu hay giải quyết xung đột quan điểm về tình yêu. Mọi người đều vui vẻ khi chuông reo, người thì cười tủm tỉm, người thì cười ha ha. Mỗi người, tùy mức độ, “học” được điều gì đó qua tranh biện với những người bất đồng quan điểm. Hoặc chẳng thấy bổ ích gì cả : Toàn cãi nhau vớ vẩn, ai yêu người nấy biết!

Lý Lan
(Báo Sinh viên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *