Tôi đã hí hửng đem cái chi phiếu 125 USD ra một chi nhánh ngân hàng Chase để thử xem có chuyện lừa bịp gì không, chứ sao lại bỗng dưng có tiền. (Nhiều người nhận được nó qua bưu điện, cùng các thứ giấy tờ quảng cáo khác, chứ không riêng gì tôi!) Nhân viên nhà băng vui vẻ nói là tôi có hai cách để nhận phần thưởng này : Thiết lập một “direct deposit”, chẳng hạn, tôi nhận lương chuyển thẳng vào tài khoản thanh toán của tôi ở ngân hàng này, hoặc dùng thẻ của ngân hàng này mua sắm 5 lần. Tôi đã chọn cách sau, nhẩm tính là mình mua chừng 50 đô thôi, ắt còn lời.

 

Sau khi mua đủ 5 lần, hơi lố số tiền dự định chi một tí, tôi thấp thỏm chờ tiền thưởng (sẽ được tự động nhập vào tài khoản của mình như tiền lời, theo như nhà băng hứa). Chờ đến ngày bản sao kê tài khoản được gởi tới nhà, chẳng thấy số tiền được hứa nhập vô chỗ nào, tức quá gọi điện hỏi nhà băng, mới biết là 5 lần mua sắm của mình không qualified – không đạt yêu cầu. Ủa, sao vậy? Giải thích : Mua sắm đạt yêu cầu để được thưởng là khi chi trả không cần dùng đến PIN (mật mã cá nhân), như mua sắm qua điện thoại hay Internet, hoặc quẹt thẻ qua máy mà không cần nhập PIN. Tôi hơi tù mù chỗ này, nhưng cũng thử tìm hiểu xem sao.

Cái thẻ tôi đang nói đây gọi là debit card, dịch từng chữ là “thẻ nợ”, nhưng nên gọi là thẻ ATM hay thẻ ngân hàng để tránh hiểu nhầm với thẻ tín dụng (credit card). Thẻ ngân hàng do nhà băng cấp khi mình mở một tài khoản thanh toán. Thẻ tín dụng do hãng tín dụng phát hành. Hồi xửa hồi xưa thì nhà băng cấp cho mình một cuốn chi phiếu, mỗi lần mình mua sắm hay chi trả cái gì thì ghi số tiền vào chi phiếu, ký tên, xé ra đưa cho người được chi trả, mình giữ lại cái cùi để biết mình đã chi cho ai số tiền bao nhiêu. Nhờ đó mà quản lý tiền nong của mình, không chi quá lố, vì khi trong tài khoản của mình không còn đủ tiền để chi, thì chi phiếu bị dội lại (bounced), ngân hàng chẳng những không thanh toán, lại còn phạt mình nữa. Khi máy rút tiền tự động (ATM) ra đời, thẻ ngân hàng cũng ra đời, hoạt động cùng nguyên tắc với chi phiếu : mình phải có tiền trong tài khoản thì mới rút được tiền ra từ máy, tài khoản cạn tiền thì máy… sorry, hổng thèm chi. Công nhân viên chức ăn lương tháng ở Việt Nam bây giờ đã rành vụ này, vì được trả lương trực tiếp vào tài khoản, rồi cầm thẻ ra máy mà rút tiền khi cần xài. Rút hết tiền thì thôi. Nhưng thẻ tín dụng thì chưa phổ biến lắm.

Ở Mỹ, người ta thường mua sắm bằng thẻ tín dụng. Ở quầy tính tiền (của siêu thị chẳng hạn) có cái máy quẹt thẻ. Sau khi quẹt, nếu là thẻ tín dụng (credit card) thì thường mình chỉ cần ký vào hóa đơn để xác nhận số tiền trong hóa đơn, hãng tín dụng (Master hay Visa chẳng hạn) sẽ ứng trả số tiền đó, rồi cuối tháng sẽ gởi bản sao kê tất cả khoản “cho vay trước” đó đến ngân hàng của mình, ngân hàng sẽ trả cho hãng tín dụng số tiền đó, và mình sẽ trả lại ngân hàng trong vòng một thời gian nào đó (một tháng chẳng hạn). Quá hạn đó, ngân hàng tính tiền lời trên số nợ với lãi suất rất cao.

Cách này giúp việc mua bán nhanh chóng tiện lợi. Những kẻ hưởng lợi chắc chắn trong thương vụ này là hãng tín dụng : Họ được hưởng dịch vụ phí, khoảng từ 1 – 5%, được tính vào giá thành sản phẩm, tức là người tiêu dùng chính là người chi khoản này. Trên thực tế, dù người tiêu dùng trả bằng tiền mặt hay bằng thẻ thì vẫn phải chịu khoản phí đó, vì người bán đã tự động tính vào giá bán từng món hàng. Ngân hàng thì hưởng lợi nhờ ăn lãi suất cao trên những khoản nợ không thanh toán kịp thời hạn. Và rất nhiều người, vì trăm ngàn lý do, không kịp thanh toán nợ, phải bấm bụng trả tiền lời. Nói cho cùng, đây là phương cách kiếm tiền căn bản của nhà băng từ thời mới khai lập : Thừa lúc người ta túng ngặt mà kiếm chác.

Nếu con nợ xù thì sao? Chuyện đó cũng xảy ra hoài. Trước tiên, nhà băng luôn nắm đằng cán : Họ nắm số an sinh xã hội và những thông tin cá nhân quan trọng của chủ tài khoản, và khi bảo lãnh cho khách hàng làm thẻ tín dụng, họ có những ràng buộc để yên tâm con nợ sẽ có khả năng chi trả, như tài sản thế chấp chẳng hạn, hay chữ ký của chủ hãng mình làm mướn, để có gì thì họ siết lương mình. Những người không việc làm và không có tài sản gì hết thì rất khó làm thẻ tín dụng. Nhưng mấy năm gần đây, các hãng tín dụng cạnh tranh ráo riết, việc làm thẻ tín dụng dễ dàng, hầu như đa số dân Mỹ đều xài thẻ tín dụng, mỗi người có 4 – 5 thẻ khác nhau, dùng thẻ này rút tiền trước để trả nợ thẻ kia là chuyện thường. Và họ đâm ra mắc nợ tùm lum. Cuối cùng không thể trả nổi thì khai phá sản. Lúc đó tài sản thế chấp bị mất, mà “uy tín” của mình cũng mất VĨNH VIỄN. Hệ thống trữ thông tin của các ngân hàng sẽ lưu vĩnh viễn trong hồ sơ mình là kẻ quịt nợ, phá sản, mất “uy tín”, và với “lý lịch” đó, đừng hòng đi vay nợ ăn học, hay mua nhà, mua xe, thậm chí đi xin việc cũng khó khăn. Cho nên người ta cam chịu è cổ ra trả nợ suốt đời chứ không dám quịt nợ. (Trừ một trường hợp cụ thể tôi biết : Ông B nhắm mình không thể trả nổi các món nợ, lại bị thất nghiệp và hết muốn ở Mỹ, quyết định hốt ván bài chót : Nhân lúc “uy tín” vẫn còn, ông làm thêm một mớ thẻ tín dụng khác, mua một đống đồ điện tử mắc tiền và rút trước một số tiền khá to, ôm lên máy bay về Việt Nam… ở luôn, sau khi nộp đơn phá sản ở Mỹ! Có lẽ những vụ như vầy góp phần đánh sập mấy nhà băng Mỹ hồi năm ngoái).

Xài thẻ tín dụng quá dễ dàng, nên người ta thường tiêu quá khả năng thanh toán. Vì vậy, khi tình hình kinh tế xấu đi, người ta cố tránh dùng thẻ tín dụng, nhất là ông chồng có bà vợ ưa shopping, hay cha mẹ có con cái ưa đua đòi. Họ chọn giải pháp dùng tiền mặt hay debit card để giới hạn chi tiêu trong số tiền có trong tài khoản. Cầm một nắm tiền đi mua đồ, thấy tiền vơi đi phải tính toán, món hàng quá số tiền mình có trong tay thì phải chịu nhịn thèm. Với thẻ debit thì, trên nguyên tắc, không có tiền trong tài khoản thì không thể thanh toán.

Nhưng nhà băng khôn lắm. Lại còn đạo đức giả. Họ bảo rằng, để giúp khách hàng khỏi bị bối rối khi ở thế kẹt, chẳng hạn mời đào đi ăn tiệm, nàng kêu toàn món mắc tiền, khi mình đưa thẻ debit thanh toán mà không đủ tiền, có phải mất mặt không? Trong tình thế đó, ngân hàng vớt dùm cái mặt của khách hàng bằng cách vẫn thanh toán, nhưng sẽ tính thêm khoản tiền phạt như khi mình ký một chi phiếu mà không còn đủ tiền trong tài khoản. Khoản tiền phạt đó chừng 35 đô mỗi lần chi. Vậy cũng tốt, đúng không? Vấn đề là, xài lố tiền thẻ debit, dù lố một đô, cũng bị phạt ngay 35 đô. Nhiều người “vô tư”, quên mất mình đã mua món gì đó khá to tiền, tài khoản đã rỗng, vẫn mua cái bánh mì 7 đô, ly kem 3 đô, cái áo thun 5 đô, để rồi bị ngân hàng tính thành (7+35) + (3+35) + (5+35) = 120 đô.
Khi mình dùng thẻ debit mua đồ (có nhập PIN vào máy quẹt thẻ) thì bị trừ trực tiếp số tiền thanh toán vào tài khoản của mình. Nếu trên thẻ debit có logo của một hãng tín dụng (Visa chẳng hạn) và mình không nhập PIN thì số tiền cần thanh toán sẽ được hãng tín dụng chi, rồi họ đòi lại nhà băng của mình. Thời gian “đòi” này có thể 24 giờ đến cả tháng, số tiền đó ở trong trạng thái “pending”, đại khái là đang tiến hành. Trong thời gian đó, mình có thể “vô tư” xài thẻ, và xài lố hồi nào không hay! Cái bẫy của nhà băng ở chỗ này.

Cho nên, cái nhà băng của tôi dụ tôi mua sắm bằng thẻ debit không cần nhập PIN, tức là dùng nó như thẻ credit, đặng cho tôi mắc nợ, hoặc xài lố rồi bị phạt chơi! Ủa, đâu có chơi! Chơi kiểu này nợ ngập đầu, chỉ còn nước khai phá sản rồi trốn về Việt Nam luôn!

Lý Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *