Những ngày cuối tháng 11, Hà Nội trở lạnh khác thường. Người dân bảo mới phải dùng máy lạnh suốt mấy ngày, rét bỗng đùng đùng đổ xuống, đất còn phải nẻ, huống chi da dẻ môi miệng. Lạnh như đã sang Noel, trở tay không kịp.
Phố Phái |
Hơn một năm mới ra lại Hà Nội, thấy phố xá đầy người. Nói như Nguyễn Khải, ở Hà Nội, ra đường là cùi chỏ chạm nhau. Dù Thủ đô đã bị loãng đi sau cuộc sáp nhập khiến ngoại thành có vành đai nông thôn mênh mông, nhưng Hà Nội mà tôi gắn bó vẫn đất chật người đông như thường. Hơn thế, chừng như Hà Nội đã vượt xa Sài Gòn về mặt sung túc. Rồi sẽ có tới 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, rồi sẽ nhiều du khách ngoại quốc hơn nhờ những di sản văn hóa phi vật thể, rồi sẽ đại lễ Một ngàn năm Thăng Long… Cội nguồn văn hóa, trung tâm thần kinh và dĩ nhiên, có cả yếu tố trung tâm quyền lực.
Trong rất nhiều ngày lễ sinh ra từ sau cách mạng, trừ ngày Quốc khánh, theo tôi, ngày Nhà giáo Việt Nam là trang trọng hơn cả. Một vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của tinh thần tôn sư trọng đạo. Và Hà Nội là nơi thể hiện tập trung nhất sức mạnh của lễ. Không chỉ không khí, mà là sức mạnh bởi nhiều thuận lợi. Vì mật độ thầy và trò ở đây cao nhất, vì hoa ở đây sẵn nhất và vì mùa đông vào dịp này thú vị nhất. Ngắm người xe nườm nượp mà ước, giá như không có đội quân xe máy kia thì vỉa hè sẽ yên tĩnh và sẽ có vô số người ôm hoa đi trong se lạnh với đủ kiểu quần áo mốt miếc không kém gì Paris.
Nhưng mà, như đã nói, quỹ đất ở những nơi chính thống Hà Nội không nở ra được nữa. Những con đường có từ thời thuộc Pháp vẫn nhỏ nhắn xinh xẻo y như vậy. Và vỉa hè không thể rộng hơn, thậm chí còn lổn nhổn đi vì bộ rễ của những hàng cổ thụ oanh liệt. Vì vậy, Hà Nội quá tải một cách vô phương cứu chữa. Nhiều đoạn phố cổ đã thành nơi bán sỉ hàng của các tỉnh phía Nam Trung Quốc khiến phố xá đặc nghẹt người buôn lớn. Ô-tô lúc nào cũng cắn đuôi nhau chờ đường như những đàn bọ hung hầm hừ. Lũ xe máy tay ga bánh nhỏ mông to và chúa ngốn xăng lúc nào cũng dày đặc âm thanh bon chen gầm rú. Và rác, người mỗi thêm đông nên rác thải cũng thêm nhiều, nhìn đâu cũng thấy rác đọng nên người ta càng buông thả hơn. Thói thường là vậy. Cùng với bụi xây dựng thả ra một cách vô tội vạ, Hà Nội giống như một cái chụp bằng khói và bụi. Nếu được quan sát từ trên cao vào ban đêm, chắc chắn, ánh đèn nội đô sẽ bị che mờ bởi một quầng bụi không bao giờ dứt.
Sau những ngày bất an với công cuộc sáp nhập để Hà Nội thành ra bây giờ, những người Hà Nội mà tôi yêu mến đang tự mỉa với nhau về danh hiệu Thành phố sạch vừa được bình chọn. Hà Nội mà sạch ư – những khóe miệng chua chát và những gương mặt buồn tự trọng. Hà Nội mà sạch thì ở đâu trong nước này chưa sạch? Không khó gì cái việc làm cho một thành phố trở nên ngăn nắp, sạch đẹp. Bằng chứng là những nơi gần ta nhất, bạn Tàu bạn Lào bạn Thái, không đâu bụi và rác lấn át con người như ở bên mình. Không gì khó bảo bằng cọng rác và cũng không gì dễ dẹp bằng nó. Tương tự, hạt bụi vô chính phủ thật, nhưng không chính phủ nào lại để bụi thản nhiên với sức khỏe của người dân như ở Hà Nội. Người ta còn bình luận thêm, rằng nếu các nhà quản lý bất lực với rác và bụi thì chí ít, họ cũng phải biết khước từ danh hiệu Thành phố sạch. Để chi, để cho cả nước biết rằng Hà Nội sẽ sạch, nghĩa là Hà Nội sẽ thay đổi, sẽ phấn đấu và sẽ có được vị thế ấy khi có thể.
Nhà văn Dạ Ngân – Theo VNQĐ