Đạo diễn Trần Văn Thủy của “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai” kể lại một câu chuyện đơn sơ nhưng vô cùng cảm động. Bà thím nhà quê của ông khi trả lời câu hỏi của đứa cháu : "Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím?", bà trả lời rành rẽ, hết làng này sẽ đến làng kia, hết làng kia sẽ gặp làng nọ. Đến ngôi làng cuối cùng sẽ gặp biển. “Thế đi hết biển thì đến đâu hả thím?”. Bà trả lời buồn bã : "Đi hết biển đến đâu thì thím không biết… ”. Khi lớn lên, đã đi nhiều nơi trên thế giới, qua nhiều xứ sở văn minh nhưng xa lạ, một ngày kia, ông bỗng nhận ra câu trả lời : "Bây giờ, cháu đã biết rồi, thím ạ! Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, về làng mình, thím ạ!…”
Về làng mình!
Chỉ gọn ghẽ vài từ thế thôi, mà sao ta phải đi hết cả cuộc đời mới hay, mới biết. Cũng như tôi, đi gần hết cuộc đời mới biết có làng để về, để gặp. Tưởng như ai cũng có thể, mà đâu phải vậy. Tôi là kẻ chẳng có làng mà về, mà gặp mỗi cuối năm, mỗi lần Tết đến. Nhưng "về" là khái niệm tượng trưng. Người có quê cứ về quê, kẻ không có quê sẽ về kiểu của mình.
Mỗi năm, tôi đều quay trở lại xóm cũ thời thơ ấu. Một xứ đạo như mọi xứ đạo vùng Ngã ba Ông Tạ. “Từ Thức về làng” chính là trường hợp của tôi khi đi lại trên những đường ngang ngõ tắt đã thuộc như lòng bàn tay nơi xóm đạo này. Đi và nhớ lại từng gương mặt bạn bè, từng bãi ruộng, bờ ao. Đi và đứng tần ngần trước cửa một ngôi nhà nào đó rồi rụt rè hỏi : "T. còn ở đây không?… ”. Mười lần hỏi, đủ mười lần gặp câu trả lời : “Không biết ai tên ấy… ”, mới giật mình nhớ ra, khi ta quay về xóm cũ, thời gian đã là… nửa thế kỷ mất rồi. Nửa thế kỷ, nghĩa là đã gần hết một đời người, thời gian, cảnh vật con người đã thay đổi xiêu tán hết cả. Năm nào cũng về và năm nào cũng quên mất điều bình thường ấy. Ruộng rau muống, nơi lũ trẻ trong ấy có mình ngày xưa thường thả diều, nay đã là những khu phố mới. Thương hải biến vi tang điền… lâu rồi mà ký ức chưa chịu quên. Lại trở về ngôi nhà cũ của mình, nay vẫn là quán cà-phê như cái quán cà-phê xưa của mẹ. Vào ngồi yên lặng, lại hỏi thăm chủ quán có biết người chủ ngày xưa ở đây, vẫn gặp cái lắc đầu vì lẽ ngôi nhà này đã qua mấy đời chủ, ai biết được người chủ ban đầu, ai biết được thằng nhóc 10 tuổi bây giờ đã là người đàn ông trên 50 tuổi ngồi đây hỏi chuyện … Chẳng ai biết. Tôi không sinh ra ở làng, tôi lớn lên ở đây, ngay tại Sài Gòn, nghĩ lại cũng là điều hiếm. Hơn 50 năm có đi đâu, lưu lạc nơi nào thì cũng vẫn cứ ngay trong Sài Gòn, nghĩa là như chẳng đi đâu hết, nghĩa là chứng kiến bao nhiêu là đổi thay, biến động của mảnh đất này. Mỗi năm có về chính là về tìm lại tuổi thơ đã mất, tìm lại những gương mặt từng lê la ao ruộng, bắn chim, tát cá, thả diều với mình mà nay hầu hết đều không gặp lại. Có người định cư nước ngoài, có kẻ đã ngồi trên tủ thờ vì chiến tranh tao loạn… Nghĩ mình như thế vẫn may, vẫn sống, vẫn như loanh quanh một đời nơi đã sinh ra, đã lớn lên, đã sống. Không phải làng mà như về làng. Ký ức vẫn nguyên vẹn, sống động, những thước phim cũ vẫn mới nguyên. Vừa thích thú, vừa pha chút muộn phiền. Cái nhớ nhung nào mà không gây bồi hồi, cảm thán? Đêm qua, một e-mail gửi về từ xứ người xa xôi, hỏi : "Anh có phải con bà… ở xóm… nhà có cây vú sữa trong sân, cạnh nhà ông… ”. Thế là biết ngay gặp lại một người quen xóm cũ sau 40 năm thất lạc. E-mail hỏi xóm cũ thế nào? Ai còn ai mất? Thì bài viết này thay câu trả lời phần nào câu hỏi ấy. Anh cứ về mà đi như tôi sẽ thấy mình thành Từ Thức về làng ngay thôi.
Nếu đi hết biển…
Tôi cũng đã đi. Thoạt đầu đi từ nơi tuổi nhỏ của mình như qua làng khác. Từ đó, phiêu dạt đi nữa, đi mãi cho đến ngày kia, thấy mình đã ở bên kia Đại Tây Dương, thấy dấu giày của mình in trên hè phố xứ người… Vậy là ta đã đi hết biển, đã băng qua đại dương mênh mông hơn nửa vòng trái đất. Hết biển rồi, hết đại dương rồi thì gặp gì? Gặp lại lòng mình “nhớ nhà châm điếu thuốc… ”, và cười một nụ nhẹ nhàng : "Thế nhé! Đã đi rồi nhé, đã đến rồi nhé, đã gặp rồi nhé,đã thấy rồi nhé!… ” Và ta lại về, và ta (quả thật) gặp lại làng trong nỗi nhớ nhung từ ngọn gió se lạnh cuối năm, từ cái nắng vàng hanh cuối năm, từ tiếng lích chích rất nhẹ con chim sẻ trên mái phố buổi chiều đầy gió…
Nếu đi hết biển…
Tôi sẽ gặp con ngõ ngày xưa mẹ thường ngồi với gánh chè xôi cho lũ trẻ dưới chân cột đèn. Con ngõ còn đó, cột đèn còn đó, chỉ mẹ vắng lâu rồi. Mẹ à! Con thường đến đấy mỗi cuối năm khi Sài Gòn tản gió, đến ngồi im lặng bên vỉa hè và khi đứng lên, con thường cắm xuống chân cột đèn một nén nhang thơm cho mẹ.
Con đã đi hết biển. Con đã về “làng”… Về làng, con lại gặp mẹ.
A! Nếu đi hết biển thì con gặp mẹ!
Đơn giản thế là cùng…
Đỗ Trung Quân – (st)