Người ta xây một nhà sách to đùng giữa trung tâm thành phố, thương hiệu nổi tiếng từ Sài Gòn mang xuống. Thằng bạn hí hửng nói đời tụi ta giờ huy hoàng rồi. Tháng trước nó còn ghi tên sách nhờ bạn bè ở Cần Thơ mua giùm. Tuần trước bạn còn vác mấy cuốn sách từ Bến Tre về nhân tiện đi công tác bên đó. Muốn đọc sách mới phải đi hàng trăm cây số mới mua được, nghĩ mà tủi thân. Giờ thì có nhà sách tại chỗ, là nhà sách thứ thiệt chứ không phải nhà sách mà chỉ có sách giáo khoa, văn phòng phẩm, mỹ phẩm và đồ lưu niệm… Khoe với bạn bè ở xa, tụi nó cũng mừng rơn, từ nay cái con bạn rừng rú kia không nhờ vả xin xỏ gì ta nữa.

Chưa bao giờ cái viễn cảnh sắp cháy túi lại làm bạn và thằng kia phấn khởi đến vậy. Chưa bao giờ hụt mất một khoản tiền (vốn dành để săn lùng quần áo đẹp) lại làm tụi bạn hài lòng đến vậy. Cứ đôi ba ngày bạn nhón mua vài cuốn sách mà vẫn còn thòm thèm thòm thèm miết, ước gì mình khá giả để mua sách cho đã đời, khát sách bao đời nay rồi mà. Những bữa không ghé chỉ chạy ngang qua, thấy nhà sách hơi vắng vẻ trong bụng rầu rầu, sợ người ta làm ăn không khá sẽ dẹp tiệm mất. Bữa khách đông bạn bỗng mừng ra mặt. Thoắt vui thoắt lo như nhà sách ấy là của mình, hoặc có phần hùn. Thiệt tình…

Nhà sách không chỉ đơn thuần là một chỗ bán – mua, bạn nghĩ vậy, bởi khi ra khỏi đó bạn chưa bao giờ thấy mất (dù xẹp túi, nhưng không có cảm giác tiếc hùi hụi). Giữa trùng trùng nhà hàng quán nhậu, quán sách một ngàn mét vuông coi vậy mà cô lẻ, lạc lõng, mong manh. Những chiều đi ngang hằng hà sa số hàng quán nằm dọc đường về nhà, nhiều khi bạn tự hỏi trong những người khách phừng phừng men bia kia bao lâu rồi không chạm tay vào sách? Trong những căn nhà cao tầng sáng loáng kia có tủ sách nào không hay chỉ tủ rượu khoe sang? Bạn bè bạn có ai tự hào vì sách như tự hào về tửu lượng, em út?

Nên đi chơi nhà sách không chỉ vì mua sách, bạn thích la cà ở đó vì bỗng dưng nhói lên vài hy vọng. Thấy chữ nghĩa cũng còn quyến rũ, nên mới bứt mấy đứa nhỏ đang chúi mũi vào kệ sách thiếu nhi kia ra khỏi màn hình tivi đang có những cuộc đánh nhau. Nên những ngón tay di chậm vào gáy sách của chú Nguyễn Nhật Ánh không còn múa Audition rã rời trên bàn phím, nhiều cô cậu học trò nhí nhảnh nọ trở về rung cảm mơ mộng với “thằng quỷ nhỏ”, “bong bóng lên trời”… Bạn khoái chí, ờ phải vậy chớ. Đôi lúc nhận ra vài anh quen quen đứng chỗ kệ sách kia là công chức, có thể chỉ dắt con đến đây có thể chỉ ngó qua vài trang lẻ, nhưng bạn thấy mừng rơn, biết đâu hôm sau mấy anh nhìn dân thêm chút dịu dàng. Nếu may mắn nữa sẽ gặp vài quan chức mà bạn thuộc lòng mặt trên truyền hình mỗi tối, biết đâu ông ấy thấy cuốn Bí mật vườn Lệ Chi của kịch tác gia Hoàng Hữu Đản ngộ ngộ, biết đâu trong lúc tò mò coi thử ông đọc được câu này, “thái hậu biết nghĩ đến dân nhiều hơn đến cái ngôi báu của thái hậu thì dân sẽ lạc nghiệp an cư và ngôi báu của thái hậu được chính nhân dân bảo vệ…”, như bạn đã từng nhớ hoài cái đoạn thoại của nhân vật Nguyễn Thị Lộ: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.

Và vài người mua sách thiền đời dịu bớt đi tranh đoạt. Đọc lóm một trang sách luật người ta sẽ biết đánh trẻ con dù là con mình cũng là tội ác, cũng bị trừng phạt, đây điều khoản rõ ràng… Dù lướt hờ hững một vài trang họ cũng có thể gặp lại bao nhiêu chữ nghĩa bồi hồi. Hoặc họ chỉ đứng giữa sách để biết trên đời này có sách. Lạc quan nữa, bạn mong ai đó trên đường tới quán nhậu đi ngang qua nhà sách, anh ta nghĩ, đâu bữa nào mình ghé coi thử coi tụi nó bán cái giống gì. Chỉ cần vậy cũng may lắm rồi.

Giữa cái thời thế xấp ngửa tán loạn này, nếu sách có thể khiến người ta dừng lại trong một chốc, bồi hồi một chốc thì mừng quá. Nên bạn cứ hy vọng và hy vọng, lạy trời nhà sách có người lại qua.

Nghĩ kỹ thì bạn cũng có phần hùn chớ không phải không…

Theo Nguyễn Ngọc Tư – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *