Con đi xa về nhà, được mẹ đãi canh bồng khoai, lần nào cũng sung sướng, náo nức y như lần đầu được ăn món ăn thật ngon, thật mát, thật lành này

Hồi ấy, bồng khoai lấy dưới ao lên, mấy mẹ con quây quần ngồi tước sạch xơ, tước đến đâu phải ngâm ngay vào nước lạnh. Bồng khoai ngon thân ngắn, mập mạp, trắng nõn, còn phần đã nhô lên cao, gầy nhẳng, chuyển sang màu xanh ăn không ngon mà dễ bị ngứa. Bồng khoai đã tước rửa sạch, luộc sơ với chút muối, để cho ráo nước, rồi cho vào nồi nấu với mắm tôm. Nếu có lạng tép hay tôm đồng, giã nhỏ cho vào thì nồi canh sẽ ngọt lừ. Sau này, khi đã bớt vất vả, mẹ hay nấu canh bồng khoai với sườn hay thịt nạc vai băm nhỏ, cũng ngon.

Canh bồng khoai phải ninh thật nhừ, nhưng hạn chế dùng đũa quấy. Mẹ còn cho thêm vào nồi canh một nắm gạo nếp, khiến nồi canh đặc, sánh, và thơm mùi cơm gạo. Đến khi bồng khoai, gạo nhừ quyện với nhau, thơm nồng thì cho thêm rau bầu đất, rau ngổ hương, rồi bắc ra ăn nóng.

Rau bầu đất mọc xanh rờn một góc vườn, mẹ luộc lên hoặc nấu canh là đứa nào cũng chê cái mùi lá hắc, lá ăn ráp ráp; nhưng bầu đất cho vào canh bồng khoai thì phải công nhận là mùi vị của nó hoà quyện thật ăn ý. Canh bồng khoai có vị tôm ngọt, thoảng một chút mắm tôm nồng ấm, hương gạo nếp, mùi bồng khoai, mùi ngổ hương, bầu đất hăng hăng… thêm chút ớt, vậy là “để vào môi, trôi vào bụng”. Cả nhà quây quanh nồi canh bốc khói, ăn đến no kềnh.

Sau này, chẳng còn phải lo thiếu gạo, mẹ vẫn cặm cụi nấu canh bồng khoai, ăn với cơm. Tay mẹ tước bồng khoai dính nhựa đen sì, phải lấy chanh chà đi chà lại mới sạch.

Theo sgtt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *