Khi mưa ngâu rả rích trên những cánh đồng, lũ bắt đầu dâng thì cũng bắt đầu mùa cá linh. Cá từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu lên đồng để đẻ.
Cá linh lúc này nhỏ bằng mút đũa, gọi là cá linh non. Cá linh thuộc dòng dõi cá trắng, thân nhỏ, vảy nhuyễn và mềm. Cá còn non ngọt thịt, hầu như không có xương, béo.
Món ăn làm từ cá linh rất phong phú, đậm đà hương vị miền Tây. Khi nấu, cá không cần đánh vẩy, lấy mật, chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt là nấu được rồi.
Cá linh kho có nhiều loại: kho khô với hành, tiêu, tóp mỡ (nhớ kho bằng nồi đất hoặc tộ để cá không bị hôi), kho nước với mía lau hoặc nước dừa tươi. Mía lau chẻ mỏng xếp dưới đáy nồi, sắp cá linh lên trên (cá đã ướp tiêu, bột ngọt, nước mắm vừa mặn, không dùng đường vì mía đã ngọt rồi) để lửa riu riu cho thấm cá, không nên thò đũa vào trở sẽ làm nát cá. Nếu kho nước dừa thì sau khi kho cá cho thấm gia vị, đổ nước dừa tươi vào. Thịt cá ngọt thơm, bùi như cá nục. Cá kho ăn với cơm nóng gạo đầu mùa rất hao cơm.
Lẩu chua cá linh: Nước trong lẩu đã được dầm me non, nêm nếm đường, bọt ngọt, ớt cho vừa ăn. Nấu lửa cao ngọn cho nước sôi, bỏ cá linh vào trước, vớt ra rồi mới cho bông điên điển, bông súng, rau om, ngò gai vào. Canh chua cá linh ăn với cơm hoặc bún, nhớ phải có dĩa nước mắm trong dầm ớt hiểm.
Cá linh non lăn bột chiên cuốn bánh tráng là món ăn thôn dã mộc mạc nhưng cũng có thể sánh với các món đặc sản “quý tộc” như tôm lăn bột, ếch lăn bột … Thật vậy! Cá linh non lăn bột có vị rất riêng khiến người ăn khó quên. Món ăn này phải ăn ngay sau khi chiên mới đảm bảo độ dòn, ngọt.
Lẩu mắm cá linh: Từ thành phố Hồ Chí Minh chạy dài xuống các tỉnh miền Tây, dọc theo Quốc lộ 1 ta thường thấy những bảng quảng cáo sặc sỡ gọi mời: ”Đặc sản lẩu mắm”. Nếu đi miền Tây vào mùa cá linh (từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch) thì nên ghé vào ăn lẩu mắm để thưởng thức hương vị mặn mà của vùng sông nước vào mùa lũ.
“Ăn mắm thấm về lâu”. Mắm kho là món đặc sản quê hương, dù xa xứ bao lâu, hương vị của nó vẫn khó phai lạt trong khẩu vị của người Việt. |
Lẩu mắm được nấu từ mắm cá linh và con cá linh tươi. Lẩu mắm thì không thể nào thiếu 2 loại làm cho ngọt mắm là cà nâu và nấm rơm. Rau vườn thì có: điên điển (một loại bông vẫn tươi vàng trong mưa lũ, trang trí cho cảnh vật nông thôn bớt phần ảm đạm, có vị ngọt và giòn), bông súng cũng là loại rau của vùng Đồng Tháp Mười, thêm vào đó có rau dừa, rau ngổ, kèo nèo, đọt sộp, đọt lụa, rau ghém gồm có bắp chuối và thân chuối non xắt nhuyễn trộn rau thơm… Ở thành phố không có rau vườn người ta dùng: giá, rau sống, xà lách, cải chua, rau muống chẻ…
Điên điển (một loại bông vẫn tươi vàng trong mưa lũ, trang trí cho cảnh vật nông thôn bớt phần ảm đạm, có vị ngọt và giòn) |
Cuối tháng 10 Âm lịch, lũ rút dần, con cá linh đã già, đầu có sạn, thân có nhiều xương, vảy cá cứng hơn. Bông điên điển cũng kết trái, thế là tàn một mùa hoa, hết mùa cá hội.
Tuy nhiên, con cá linh và bông điên điển từ lâu đã là món ăn thân thiết của người miền Tây vào mùa mưa. Ngày nay, các món ăn này cũng thường được thực khách lựa chọn trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng trong thành phố.
Theo toquoc