Trứng lộn truyền thống

Từ xa xưa, các cụ nhà ta đã biết thưởng thức thịt vịt ngay khi con vịt con mới chỉ ở dạng phôi thai mới thành hình, gọi là trứng vịt lộn. Trứng vịt mới đẻ, được ấp từ 19 đến 21 ngày tuổi, đem đi luộc sôi khoảng 5 phút rồi đập vỏ, ăn phần bên trong ngay lúc còn nóng. Trứng lộn miền Nam thường chỉ chấm muối tiêu ăn kèm rau răm, người thích ăn cay thì cho thêm ớt xay nhuyễn. Còn ở Hà Nội, trứng lộn khi ăn thường kèm với chút bột canh, chút tiêu, chút giấm, ớt, và nhất là phải có gừng thái chỉ, lá rau răm tươi. Các thứ gia vị vừa để giảm bớt vị tanh của trứng lộn, vừa tạo nên mùi vị đặc trưng của món này.

Món trứng vịt lộn được coi là một món ngon và bổ dưỡng. Không những thế lại là món ăn bình dân, đâu đâu cũng có. Ở các thành phố lớn, người ta còn gánh cả nồi trứng vịt lộn đang sôi sùng sục đi bán rong khắp đường phố. Mỗi quả chỉ vài ba ngàn đồng. Một người ăn hai quả đã thấy đủ no.

Nhưng rồi lại xuất hiện một dạng trứng lộn mới, cũng hấp dẫn không kém, chỉ có điều luôn bán theo… chục!

 

Nước chấm thường là nước mắm pha loãng, có thêm chút quất, đường, tương ớt, sao cho có vị chua cay mặn ngọt

Trứng chim cút… cũng lộn

Không biết có phải do trứng cút lộn là trào lưu mới không mà những người hay ăn trứng cút lộn đa phần là người trẻ. Còn các bác các ông vẫn “chung thủy” với món trứng vịt lộn truyền thống. Trứng cút lộn nhỏ hơn trứng vịt lộn tới cả chục lần. Để mà ăn cho thoả thích thì mỗi người cũng ngốn tới hai, ba chục quả. Vì thế trứng cút lộn không bán theo quả, mà bán theo đơn vị là chục quả. Hồi mới xuất hiện, chục trứng cút lộn chỉ 6 đến 7 ngàn. Thời giá thay đổi nên giá của trứng cút lộn cũng thay đổi theo: 10 ngàn một chục.

 

Trứng cút lộn không bán theo quả mà bán theo đơn vị chục quả

Nhìn vỏ trứng giống y quả trứng cút bình thường, cũng đường vân đen trắng. Thực khách chỉ có thể phân biệt quả nào lộn, quả nào chưa lộn bằng cách… ăn. Mà trong chục quả lộn có khi cũng lẫn một quả chưa lộn. Ngay cả người bán cũng không phân loại được chính xác. Và mỗi lần bị lẫn trứng chưa lộn, nhiều người bán hàng có “tinh thần trách nhiệm” sẵn sàng đổi ngay cho khách ăn để giữ chữ tín.

Trứng cút lộn cũng có vị tanh đặc trưng như “đàn anh” trứng vịt lộn, nhưng nhẹ hơn, chắc vì quả trứng cút nhỏ hơn trứng vịt nhiều. Khi ăn không cần cho ra bát, mà cầm nguyên cả quả, dùng tay bóc nhẹ lớp vỏ mỏng, đưa ngay lên miệng húp hết nước, rồi dùng nĩa cắm lấy cả quả, đem chấm nước chấm, và thưởng thức. Nước chấm thường là nước mắm pha loãng, có thêm chút quất, đường, tương ớt, sao cho có vị chua cay mặn ngọt vừa phải, không đậm quá cũng không nhẹ quá. Ngoài ra phải có thêm mấy lát gừng, ít rau răm để ăn kèm mới là ngon.

Đi khắp thành phố, chốc chốc lại thấy bên đường hay nơi góc phố một quán bán trứng cút lộn. Chỉ vài ba bộ bàn ghế, bạn bè ngồi quây quanh chiếc bàn, gọi mấy chục quả một lúc, vừa trò chuyện râm ran, vừa bóc – chấm – mút và chén nguyên cả quả trứng cút lộn. Ăn hết lại gọi thêm, cho đến khi ai cũng thấy “đã miệng” mới thôi. Trứng cút lộn nhỏ và nhiều, có thể lai rai, nên các anh thường gọi thêm xị rượu nhâm nhi. Rượu nồng và cút lộn cũng nồng… Cảm giác sảng khoái như chỉ mình ta được thưởng thức vị ngon của cuộc đời.

Theo lenduong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *