Những miếng sứa trắng tinh, giòn giòn, lẫn chút vị chát chát của nước biển,… chắc chắn ai từng một lần thưởng thức sẽ khó quên món ăn mang đậm hương vị biển này. Ngày hè nóng nực, sau mỗi lần ba đi biển về, mẹ tôi thường đãi cả nhà món bún sứa. Mẹ chọn những con sứa già, chắc và dày thịt để làm bún. Gọi là bún sứa, nhưng sứa chỉ làm nguyên liệu sắp lên bề mặt tô bún cùng đậu phộng rang, vài miếng chả cá, dưa leo. Điều đặc biệt hấp dẫn được người ăn từ tô bún sứa là nước lèo chế biến từ những con cá còn tươi nguyên như cá ngừ, cá thu… Vì thế mà mùi vị của nồi nước lèo trở nên ngọt lịm. Ăn bún sứa đúng điệu phải có rau muống chẻ, bắp chuối bào cùng các loại rau như húng, quế, giá sống…Tô bún sứa mẹ bưng lên nghi ngút khói, điểm màu đỏ của cà chua, màu trắng muốt của sứa, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thèm!
Một món "độc chiêu" mà mẹ tôi thường trổ tài mỗi khi ba có bạn hữu đến nhà, đó là gỏi sứa. Sứa sau khi vớt lên cắt lấy phần chân sứa và bỏ viền tua bên ngoài, ướp đá. Xoài tượng xắt chỉ, củ hành, cà rốt, rau thơm, đậu phộng… là những nguyên liệu không thể thiếu. Để vừa miệng hơn, món gỏi chân sứa còn được nêm thêm nước mắm tỏi ớt pha hành phi thơm giòn. Khi ăn, sẽ dùng bánh đa nướng, xúc gỏi sứa.
Nhưng thích nhất vẫn là sứa trộn. Theo kinh nghiệm, sứa mới bắt về nếu ăn liền thì thịt hơi mềm và không giòn. Mẹ tôi cho sứa vào nồi nước lá ổi được đun sôi để nguội chừng hai tiếng đồng hồ mới vớt ra, mẹ bảo ngâm như vậy sẽ làm sứa sạch cát biển và cơ thể nhỏ lại, thịt săn hơn. Món sứa trộn có nhiều cách chế biến khác nhau, khi thì sứa trộn cùng vài lát thịt nạc, tôm tươi, dưa chuột và ít rau thơm; khi thì chỉ cần sứa xắt sợi, ướp với nước gừng và giấm hay chanh, thêm ít bắp chuối là đủ ngon.
Đã biết bao lần thưởng thức các món ăn từ sứa, nhưng cứ nhắc đến tôi lại vẫn thấy thèm. Và chắc chắn rằng, không riêng những người sống nơi xứ biển, du khách khi về thăm biển cũng không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn của những món sứa giản đơn ấy.
Theo sgtt