TIẾP TỤC VỠ HOANG, PHỤC HÓA
Hai Miêng nói chuyện làm cách mạng giống y hệt người nông dân nói về chuyện làm ruộng, làm rẫy. “Nông dân được Đảng dìu dắt làm cách mạng, mỗi người phải kiên trì. Làm ruộng có năm trúng năm thất, cách mạng cũng có lúc khó khăn. Dân với cách mạng như nông dân bám ruộng mới sống. Phải đánh đuổi thằng Tây, quan làng thì mới thoát cảnh bị áp bức!”. Ở Ba Chùa, Hai Miêng bắt liên hệ với Đặng Văn Phố (em rể bà con bên ngoại), gắn tại cơ sở, hoạt động, giáo dục, động viên thanh niên ở đây luyện tập nghề võ, thao tác tập sử dụng vũ khí thô sơ, chuẩn bị khởi nghĩa. Địch cho bọn tay chân bố ráp, vây bắt những người yêu nước, những người tình nghi hoạt động cách mạng. Hai Miêng bị địch tầm nã gắt gao, không về liên hệ được Huyện ủy Cầu Kè. Hai Miêng móc nối về xã Phú Hữu (Châu Thành), bắt liên hệ với Tỉnh ủy Cần Thơ. Sau đó, ông được phân công về Huyện ủy Cầu Kè phổ biến lệnh khởi nghĩa đêm 23 rạng 24/11/1940, trễ hơn các nơi khác một ngày do bị giặc truy lùng, ngăn chặn nhiều nơi; mặt khác, do các nơi khởi nghĩa sớm hơn một ngày như Vũng Liêm, Tam Bình làm địch tập trung phòng thủ nghiêm ngặt.
Đoàn khởi nghĩa do Hai Miêng tổ chức gồm 12 người thanh niên với giáo mác, gậy gộc, đi chưa tới dinh quận Cầu Kè thì bị chúng phát hiện, nổ súng. Đoàn người rút lui và mấy ngày sau đó, địch bắt dân căng hàng ngang như giậm cù bắt chuột. Huyện ủy Cầu Kè hầu hết bị bắt, bị đánh đập rồi đày ra Côn Đảo. Tính chung, cả huyện Cầu Kè có 140 người bị bắt.
Đồng chí Nguyễn Phong Lưu, Trần Vĩnh Miêng lánh khỏi. Địch treo giải thưởng 500.000 đồng cho ai chỉ điểm bắt được Hai Miêng. Tình hình quá gay gắt, mất mùa, nghèo đói, địch khủng bố, bắn giết tù đày, nhà cửa dân bị đốt, thảm cảnh rất khốn cùng. Cách mạng tạm thời thoái trào.
Hai Miêng đau lòng rời quê hương lánh sáng Đồng Tháp Mười. Đầu năm 1942, khi đã tạm ổn, ông về Cần Thơ móc nối lại cơ sở cũ, cùng đồng chí Huỳnh Hữu Phước tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm, vạch mặt tội ác kẻ thù, đồng thời bàn cách tăng cường giáo dục dân để dân ổn định tư tưởng, sẵn sàng chịu khó, chịu khổ che giấu, nuôi chứa cách mạng.
Đầu năm 1943, trong cuộc họp Tỉnh ủy Cần Thơ tại Phú Hữu (Châu Thành), Trần Vĩnh Miêng được bổ sung Tỉnh ủy viên và được phân công móc nối gầy dựng cơ sở. Ông đổi địa bàn hoạt động, xây dựng chi bộ tại các xã Đức Mỹ, Nhị Long, Mỹ Cẩm (Càng Long); Vĩnh Xuân, Trà Côn, Tam Ngãi, An Phú Tân (Cầu Kè), phát triển được một số đảng viên và thành lập được các chi bộ ở Mỹ Cẩm, Nhị Long (Càng Long); Hiếu Phụng, Hiếu Thành (Vũng Liêm). Tình hình đi lại khó khăn, hoạt động tuyên truyền cũng gặp nhiều trở ngại. Dân gặp cán bộ rơi nước mắt : “Nếu các anh dám ở, bà con dám nuôi”. Hai Miêng đến địa bàn mới, bám vào nông dân xây dựng lại cơ sở, chuẩn bị thực lực cho mùa bội thu. Đó là khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.
Sau đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim lên thay, tuyên bố ân xá tù chính trị. Khí thế quần chúng đang lên, lực lượng tù chính trị về kết hợp lực lượng địa phương tạo thành phong trào cách mạng với khí thế sôi nổi chưa từng có. Một số hội tề ác ôn lo lắng co đầu rút cổ, còn những người hội tề có tinh thần dân tộc tìm cách bắt mối liên hệ với cách mạng như chủ Hợi (Lê Thái Hợi, thầy giáo, sau làm hương chủ ở xã Hiếu Thành – Vũng Liêm), chủ Ưng (ở Trà Ôn), bộ Gương (Thới Hòa). Đồng chí Hai Miêng trước tình thế thuận lợi liền tổ chức mít-tinh lớn ở Ngã tư Nhà Đài, có hàng ngàn đồng bào tham dự. Đồng chí Nguyễn Văn Thiệt mới ở tù về và ông Lê Thái Hợi là người có uy tín đứng lên nói chuyện ổn định quần chúng, kêu gọi mọi người đứng về phía Việt Minh, đánh đổ đế quốc, giành độc lập.
Huyện ủy Cầu Kè được thành lập. Đồng chí Nguyễn Thành Thơ làm Bí thư và các đồng chí Đặng Văn Nhâm, Nguyễn Văn Khiêm làm Ủy viên. Huyện ủy Cầu Kè chịu hệ thống chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Từ chiều ngày 17/8/1945, cuộc họp khẩn cấp tại Vĩnh Xuân do đồng chí Trần Vĩnh Miêng, Tỉnh ủy viên, chỉ đạo. Cầu Kè đã thống nhất lập phương án khởi nghĩa. Suốt hai ngày 18/8 – 19/8/1945, ở các xã trong toàn huyện Cầu Kè, quần chúng mang tầm vông vạt nhọn, giáo, mác, biểu dương khí thế cách mạng. Lực lượng khởi nghĩa có trang bị hàng chục cây súng lửa, kéo vào dinh quận áp đảo. Sáng 20/8/1945, tên Quận trưởng Trần Phú Đắc bàn giao toàn bộ chính quyền cho cách mạng. Cuộc mít-tinh liền sau đó tại sân banh Cầu Kè có trên 3.000 đồng bào tham dự. Đồng chí Đào Trí Huệ thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, công bố thành lập chính quyền cách mạng do Trần Vĩnh Miêng làm Chủ t