HẠT GIỐNG ĐỎ

Năm 1935, do hoạt động tích cực, Trần Vĩnh Miêng được đồng chí Lưu Hiêu (Hồng Tâm) – Bí thư Chi bộ xã Trà Côn – giới thiệu phát triển Đảng. Chi bộ xã Trà Côn có 7 đồng chí, đồng chí Lưu Hiêu làm Bí thư. Nhiệm vụ Chi bộ là phân công các đảng viên đi xây dựng các cơ sở trong xã và có điều kiện quen biết, móc nối chỗ khác. Trần Vĩnh Miêng tổ chức nhiều cơ sở có uy tín rộng ở các xã Trà Côn, Vĩnh Xuân, An Phú Tân và Tam Ngãi. Nhiều người hoạt động tích cực, được Trần Vĩnh Miêng giới thiệu kết nạp vào Đảng.

Trần Vĩnh Miêng được cử làm Bí thư Chi bộ Trà Côn (1937). Để có điều kiện hoạt động hợp pháp, tránh địch theo dõi, với tư cách Hội trưởng Hội Ái hữu xã, có danh nghĩa vận động giúp người nghèo khó, neo đơn, bất hạnh, vận động nhân dân giúp nhau làm ruộng, làm nhà, tổ chức quyên góp tiền lo việc ma chay tống táng, Trần Vĩnh Miêng phát triển 200 hội viên Hội Ái hữu xã Trà Côn, mở rộng ra phạm vi các xã Vĩnh Xuân, Hựu Thành.

Đầu năm 1939, bốn xã trong huyện Cầu Kè có Chi bộ và tiến hành thành lập Huyện Đảng bộ Cầu Kè gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Phong Lưu (Hồng Tâm, Lưu Hiêu) làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Trần Vĩnh Miêng làm Huyện ủy viên.

Từ năm 1939 – 1940 có những cuộc đấu tranh nổi bật. Đó là vụ đấu tranh chống địa chủ Nguyễn Văn Yên (Hàm Yên) dùng giạ 44 lít rưỡi bắt tá điền đóng tô. Với kiểu gian lận này, ngoài lúa thuế còn tước đoạt nông dân mỗi năm 11.000 giạ lúa. Cuộc đấu tranh lan rộng, tên Hàm Yên bị báo chí Sài Gòn vạch mặt và buộc chính quyền phạt vạ 15 quan tiền. Huyện ủy chỉ đạo phát huy kết quả, tuyên truyền vạch mặt một số địa chủ khác, làm cho khí thế quần chúng lên cao.

Trong khi đó, ở Trà Côn, địa chủ dùng tầm đo dài ba mét để bắt dân làm mướn đo gặt, cấy; còn cho mướn ruộng thu tô thì dùng tầm 2,5 mét. Trần Vĩnh Miêng vận động nhân dân đấu tranh chống lại bọn địa chủ Trà Côn bòn rút kiểu gian lận bủn xỉn. Bọn địa chủ bị vạch mặt bằng biểu tình, bằng bài ca bài hát lên án, buộc một số địa chủ phải xuống nước.

Nhân lễ kỷ niệm 150 năm Quốc khánh Pháp 14/7 (1789 – 1939), Liên Tỉnh ủy Hậu Giang chỉ đạo, huy động trên 2.000 người, có cả nhân sĩ – trí thức, kéo đến rạp Casino (nay là Thanh Bình – Cần Thơ). Cuộc mít-tinh lên án, vạch trần tội ác đế quốc Pháp, hô hào tự do – bình đẳng – bác ái nhưng đi xâm lược nước Việt Nam. Có cả ông Nguyễn Ngươn Hanh, bà Hồng Hoa (Nguyễn Thị Hồng) và nhiều đảng viên khác, làm cho bọn địch lúng túng đối phó. Quần chúng đấu tranh bằng kiến nghị, được Chủ tịch danh dự mít-tinh Nguyễn Ngươn Hanh chuyển tận tay Chủ tỉnh Cần Thơ. Đồng chí Trần Vĩnh Miêng qua các cuộc biểu tình, mít-tinh đấu tranh luôn theo sát lực lượng. Ông có nhiều kinh nghiệm vận động quần chúng, hướng dẫn lý lẽ cho nông dân chủ động đối phó với mọi tình huống, nêu yêu sách đấu tranh bao giờ cũng thiết thực, gắn với quyền lợi người nông dân lao động. Vì thế, ông được nông dân tín nhiệm che chở, bọn địch hằn học theo dõi nhưng không thể phát hiện, từ đó, tổ chức càng có điều kiện hoạt động.

Trần Vĩnh Miêng lúc là nông dân đi làm mướn, nhổ mạ, gặt lúa; lúc bơi xuồng đi bán lúa, qua mắt địch để đi sâu vào dân, gây dựng cơ sở. Nhiều đồng chí bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Riêng Trần Vĩnh Miêng, ba lần địch tìm cách vây bắt, ông đều né tránh trót lọt.

Một đêm đi liên lạc, móc nối gây dựng cơ sở, về đến nhà lúc trời hừng sáng, gà gáy rộ, Hai Miêng vừa bước tới cửa thì địch phục kích sẵn. Hai Miêng dùng cây đoản đao trong tay thụt vào cổ chúng. Bị bất ngờ, bọn chúng té ngửa. Hai Miêng đá chúng mấy đá rồi chạy mất. Chạy một đỗi tới ngã ba sông, ông ném áo, ném khăn đánh tráo một hướng khác. Bọn địch lần theo dấu vết truy nã, kêu dân đánh trống gõ mõ rùm beng trong khi Hai Miêng chạy bọc hậu phía sau lưng, vọt thẳng về đến Ba Chùa (Tường Lộc) an toàn.

NGUYỄN LONG HỒ – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *