III. MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VỀ NGỮ ÂM TRONG TIẾNG NAM BỘ NÓI CHUNG VÀ VĨNH LONG NÓI RIÊNG
Tuy chuẩn âm ngữ không có tính chất bắt buộc, nhưng trong giai đoạn HĐH – CNH đất nước hiện nay không phải là không có những biến đổi diễn ra trên bình diện ngữ âm ở tất cả các vùng phương ngữ của tiếng Việt. Có tiếng địa phương biến đổi nhiều, có tiếng địa phương biến đổi ít, điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố ngôn ngữ cũng như xã hội. Xu hướng chung của những thay đổi hiện nay trên bình diện ngữ âm ở các vùng phương ngữ Việt là xu hướng hội tụ nhằm tiến tới một ngôn ngữ chuẩn mực, thống nhất cao ở các bình diện chứ không phải xu hướng phân ly tự nhiên thường thấy ở các ngôn ngữ. Có thể gọi đây là xu hướng chuẩn hóa về mặt ngữ âm. Tuy nhiên, trên con đường tiến tới một ngôn ngữ thống nhất, xét riêng trên bình diện ngữ âm có những vấn đề đáng được lưu ý, chẳng hạn như vị thế của tiếng địa phương so với tiếng Việt toàn dân, trình độ văn hóa của cộng đồng, hoàn cảnh giao tiếp xã hội… Tiếng Nam bộ chuẩn là một thứ tiếng được xem tiêu biểu cho tiếng địa phương Nam bộ theo nghĩa nó là một thứ tiếng chuẩn, một ngôn ngữ văn hóa của Nam bộ. Một điều khá thú vị là tiếng nói này đang diễn ra những thay đổi khá sâu sắc. Những thay đổi này đôi khi vượt khỏi tầm quan sát của một số người vốn có đầu óc tương đối bảo thủ. Xét về phương diện lịch đại, những khác biệt về ngữ âm giữa tiếng Nam bộ chuẩn và tiếng nói ở các vùng nông thôn Nam bộ chính là kết quả của những biến đổi theo chiều hướng chuẩn hóa. Sau đây là một số biến đổi chính diễn ra ở tiếng Vĩnh Long nói riêng và phương ngữ Nam bộ nói chung theo hướng chuẩn hóa về mặt ngữ âm.
1/ Thêm những tiếng (âm tiết) có âm đệm
Tiếng Nam bộ chuẩn phân biết với các tiếng địa phương khác ở các vùng nông thôn Nam bộ trước hết ở chỗ cấu trúc âm tiết của nó là cấu trúc âm tiết của tiếng Việt toàn dân, nghĩa là có 5 thành phần (thanh điệu – âm đầu – âm đệm – âm chính – âm cuối) thay vì chỉ có 4 thành phần (thanh điệu – âm đầu – âm chính – âm cuối).
Âm đệm, một yếu tố vốn đã biến mất ở phương ngữ Nam bộ và sự biến mất này đã dẫn đến một số biến đổi ở phụ âm đầu (VD : khuya > phia, hoa > wa… ) hay ở âm chính (VD : xuân > xưng, đoàn > đòn… ) đã dần dần được du nhập trở lại trong cách phát âm của tiếng Nam bộ chuẩn. Nói là dần dần vì quá trình này diễn ra chậm và hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn. Có thể nhận xét rằng sự du nhập trở lại yếu tố âm đệm sớm hay muộn tùy thuộc vào phẩm chất ngữ âm của phụ âm đầu thông qua con đường từ vựng, cụ thể như sau :
+ Đối với các phụ âm đầu không phải là phụ âm gốc lưỡi hay thanh hầu :
Việc phát âm có âm đệm giống như tiếng chuẩn gần như là điều bắt buộc và cách phát âm có âm đệm/ không có âm đệm được coi như tiêu chí phân biệt giữa cách nói thành thị/ nhà quê hay đúng hơn là có học/ không có học. Ví dụ : Tiếng Việt chuẩn Nam bộ nông thôn :
– toa/ ta
– loa/ la
– xoài/ xài
– tuyết/ tiếc
– chuyên/ chiên
+ Đối với các phụ âm đầu là phụ âm gốc lưỡi hay thanh hầu :
Đây là khu vực khá phức tạp, đang biến động. Điều này cho thấy tiếng Nam bộ chuẩn nói riêng và tiếng nói ở các đô thị Nam bộ nói chung đang từng bước thay đổi theo hướng chuẩn hóa về ngữ âm. Cụ thể :
– Đối với hai phụ âm gốc lưỡi kh- và ng- :
Những âm tiết như “khuya”, “khỏe”, “ngoa”, “nguy” thường được người Nam bộ phát âm thành “phia”, “phẻ”, “wa”, “wi”. Ở những trường hợp này, ngoài sự vắng mặt của âm đệm đã có những biến đổi ở âm đầu : kh- > ph- và ng- > w- (tính chất môi của âm đệm được chuyển sang tính chất môi của phụ âm đầu). Cách nói này hiện nay hãy còn gặp ở các vùng nông thôn Nam bộ. Nhưng trong tiếng Nam bộ chuẩn (ngôn ngữ của tầng lớp có học), những âm tiết kiểu như trên đã được phát âm có âm đệm và gần giống tiếng chuẩn. Có thể nói rằng sự phân biệt cách phát âm nhà quê/ thành thị ở Nam bộ thể hiện rõ nhất qua cách phát âm có âm đệm hay không đối với những trường hợp như vừa nêu.
TS Nguyễn Văn Huệ – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long