TÍN NGƯỠNG TRONG GIA ĐÌNH

Tục thờ thần bản gia

Người dân Vĩnh Long có tục thờ các vị gia thần. Đó là những vị thần phù hộ chung cho tất cả các thành viên trong gia đình. Những tập tục xuất phát từ Nho giáo hoặc Đạo giáo.

+ Theo lễ Ký (Nho giáo), mỗi nhà có 5 vị thần phải thờ, gọi là thần Ngũ tự :

– Táo thần : thần Bếp

– Hộ thần : thần Nhà

– Môn thần : thần Cửa

– Tĩnh thần : thần Giếng

– Trung lưu thần : thần gian nhà giữa

Thần Bếp (Táo thần hay Táo quân) là “nhất gia chi chủ”, đứng đầu thần Ngũ tự nên thờ thần Bếp là thờ tất cả tập thể các vị thần còn lại. Hơn nữa, Vĩnh Long là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nên các vị thần tiêu biểu cho Nước nơi khắc nghiệt như Thủy long Thần nữ, Thủy mẫu Nương nương (hai dạng thần Giếng) không được tôn thờ. Người Hoa ở Vĩnh Long cũng thờ Táo quân như người Việt nhưng bên cạnh, họ còn thờ Môn thần.

Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân trở về trời tấu trình

Do kết quả của giao lưu văn hóa, ở Vĩnh Long có hai quan niệm Táo quân. Một dạng thần Bếp gọi là Phật Táo hay thần Táo, là vị thần thay mặt Thượng đế coi việc lành dữ của thế gian. Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp thì trở về trời tấu trình. Theo tranh thờ của dân gian tưởng tượng thì Phật Táo là một vị quan cấp thấp, mình mặc áo bào, mặt đen, đầu đội mão cánh chuồn. Hai bên Táo quân có Dã Xoa và Thư Lại đứng hầu. Dân gian địa phương còn xem Táo quân là vị thần phù hộ trẻ con, đe dọa ma quỷ. Người Hoa xem Táo quân là vị thần nhưng sinh tiền là người thọc mách đáng ghét. Do đó, có người không thiện cảm việc ông ta về trời tấu trình báo cáo. Trong khi người Việt xem Táo quân là vị thần “vô tư” như câu đối thờ ông :

Hữu đức năng ty hỏa

Vô tư khả đat thiên.

(Hữu đức nên coi lửa

Vô tư khá về trời).

Táo quân là vị thần đại diện Thượng đế nên được thờ trên trang cao, ở nhà trước. Các nhà cổ ở Vĩnh Long có ba gian : bàn thờ tổ tiên đặt hai gian bên, còn gian giữa có trang cao thờ Quan thánh Đế quân (Quan Công), Phước Đức Chánh thần (ông Địa) và Định Phước Táo quân (ông Táo).

Song song với quan niệm trên còn có quan niệm Táo quân là thần Bếp, thần Lửa, có một bà hai ông. Theo Trịnh Hoài Đức ghi trong Gia Định thành thông chí, một bà ngồi giữa hai ông, tức là một vạch âm nằm giữa hai vạch dương, hay quẻ Ly, biểu tượng của lửa, bếp núc. Theo quan niệm này thì Táo quân suốt năm ở với thế gian lo việc củi lửa, ăn uống, không về trời. Ông Táo này được thờ ngay trên cửa lò. Có khi chỉ cần cắm nhang vào mỗi chiều tối, không cần bài vị thờ tự trang trọng.

Hăm ba Táo Phật về trời

Táo Bếp ở lại đội nồi cả năm.

(Câu hát trẻ con)

Nhiều gia đình ở Vĩnh Long thờ đủ hai dạng Táo quân, ở hai nơi. Cũng có gia đình thờ Táo quân ở nhà trên, cũng có gia đình thờ Táo quân ở lò nhà bếp nhưng vẫn theo tục đưa rước ông Táo.

+ Bên cạnh tục thờ bếp, người Vĩnh Long còn thờ 5 vị thần Đất, tức Ngũ thổ Long thần, hoặc 5 vị thần Long mạch theo quan niệm phong thủy của Đạo giáo. Ngũ thổ Long thần thường được thờ chung với thần Tài, gọi là Tụ bửu đường.

Bài vị viết :

Ngũ phương Ngũ thổ Long thần

Tiền hậu địa chủ Tài thần.

Hai bên có câu đối :

Kim chi sơ phát diệp

Ngân thọ chánh khai hoa.

(Cành vàng vừa gẫy lá

Cây bạc đã đơm hoa).

Năm vị thần Đất là :

1/ Thổ công

Thần Đất khu vực nền nhà, vị thần đứng đầu 5 vị Long thần. Ở Vĩnh Long chỉ thấy thờ Thổ công ở đình. Còn tại tư gia, vì 5 vị Long thần thờ chung với thần Tài nên người ta cứ tưởng đó là thần Tài. Không ai biết mình đã thờ Thổ công. Cũng chẳng ai quan niệm Thổ công là Táo quân như miền Bắc.

2/ Thổ địa

Thần Đất khu vực cửa cái, làm chức năng tiếp dẫn viên cho chủ nhà. Người Hoa thường thờ Thổ địa tại cửa cái. Bài vị viết : “Môn khẩu Thổ địa tiếp dẫn Tài thần”. Riêng đối với người Việt, Thổ địa thường được tưởng tượng là một anh nông dân mập mạp, vui vẻ, tính tình dễ dãi, lúc nào cũng ngậm một điếu thuốc vấn và phe phẩy chiếc quạt mo.

Trước kia, Thổ địa được xem là gia thần của các nữ thần như Thất thánh Nương nương, Ngũ hành Nương nương… nên gọi là Linh quan Thổ địa. Ở tư gia không mấy người thờ vị thần này. Nhưng từ khi kinh tế thị trường phát triển, người dân Vĩnh Long thờ Thổ địa chung với thần Tài với ý niệm đất đai sinh sản vật tài lộc. Còn hình tượng thần Tài chính là hình tượng Phước Đức Chánh thần, tức Thổ địa của người Hoa. Tượng Thổ địa và thần Tài được thờ chung với bài vị cổ truyền như đã biết.

Tục thờ Thổ địa và thần Tài phổ biến từ thị xã đến nông thôn. Bà con người Hoa vẫn thờ Thổ địa theo tục lệ của họ nhưng cũng bắt chước tục thờ phượng của ta. Đặc biệt có một vài gia đình Thiên chúa làm nghề mua bán cũng thờ Thổ địavàthần Tài như bên lương.

3/ Thổ thần

Thổ thần hay Thổ chủ là thần Đất khu gia cư, vườn tược. Từ xưa, tục thờ Thổ thần đã phát triển ở Vĩnh Long. Bất cứ góc vườn, góc phố nào cũng có những ngôi miếu con thờ Thổ thần mà người địa phương gọi là Thủ chủ (gọi trại từ Thổ chủ).

4/ Thổ kỳ

Thổ kỳ hay Địa kỳ là thần toàn cõi trái đất. Trược sân nhà, người dân Vĩnh Long thường có bàn thờ “thông thiên”. Đây là cây trụ, giống như đàn Nam giao, có hai tầng : tầng trên thờ Thiên hoàng, tầng dưới thờ Địa kỳ (hay Thổ kỳ).

Người Hoa cũng có tục thờ Trời Đất như người Việt. Họ gọi là Hoàng thiên – Hậu phổ hay Thiên phụ – Địa mẫu.

5/ Thổ phủ

Thổ phủ là thần Đất khu vực chợ búa. Ở vùng thị tứ, thấy danh hiệu Thổ phủ được phối hưởng trong lễ Kỳ yên, hoặc được phối hưởng trong lễ Khai thị, lễ Chạp chợ.

5 vị thần vừa kể thuộc thần Đất đai nên được thờ trên mặt đất. Trường hợp Thổ thần được thờ trong miếu làm theo kiểu nhà sàn nhưng bàn thờ cũng đặt trên nền sàn. Theo tục lệ, thần Tài được thờ chung với Ngũ long Thổ thần nên cũng bị ảnh hưởng theo tục lệ. Từ đó trong dân gian có huyền thoại thần Tài bị một vị ma-sơ Ý bắt đày xuống đất nên không bao giờ lên bàn cao được.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *