Từ những năm 1945 đến 1954, thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Vĩnh Long cũng như toàn Nam bộ trực tiếp chịu ảnh hưởng chiến tranh. Mọi lĩnh vực về văn hóa, kinh tế, xã hội… đều thay đổi, đời sống ngày càng khó khăn, nhất là vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế, vải vóc ngày càng khan hiếm. Đa số phụ nữ các tầng lớp xã hội không đủ vải để may áo nên họ phải tận dụng tất cả các áo dài cũ, chỗ áo nào mục rách thì họ mới dùng vải khác vá quàng chỗ ấy nên có tình trạng trên áo dài chỗ thì vải cũ, chỗ thì vải mới… Mức độ khan hiếm vải trầm trọng đến nỗi người ta không còn có thể mặc áo dài thường nhật, nên dần dần, phụ nữ phải mặc áo ngắn, điều mà trước đây vốn bị dư luận xã hội phê phán, do đó có lẽ áo bà ba dần phổ biến từ giai đoạn này. Sự kiện vừa nêu cho thấy khi có những biến động xã hội kéo dài vì chiến tranh, vì kinh tế… thì nó sẽ kéo theo những thay đổi, biến dạng về văn hóa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Quan niệm của người dân đương thời về cuộc sống cũng sẽ ‘thoáng” hơn và “dễ dãi” hơn. Chiếc áo dài mặc thường nhật, mặc khi lao động của phụ nữ Nam bộ có lẽ đã mai một rồi cáo chung chính vào thời kỳ có những hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Người dân Vĩnh Long còn nhớ về thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Lúc ấy, do thiếu vải trầm trọng – dù loại vải thô, xấu – phụ nữ Vĩnh Long đã tự trồng bông và tự dệt vải (17). Bông vải phơi khô xong, người ta dùng bàn cán để cán bông, dùng cung bắn cho bông bung lên, xong lấy đĩa quấn bông lại như con cúi, rồi cuộn bông vô ống. Sau đó, người ta xay bột gạo nấu thành hồ rồi đem các cuộn chỉ bông nấu trong hồ cho chỉ được chắc, xong mới phơi khô. Chừng đó, người ta mới dệt vải bằng bàn dệt thủ công, khổ vải chừng 7 tấc. Với loại bông và cách dệt này, người dân Vĩnh Long sản xuất được loại “vải ta” cứng ngắt, thô và dầy. Trung bình mỗi ngày, một người dệt được khoảng 2 mét (18). Vải này dùng để may áo bà ba.

Cây bông vải

Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế, chiến tranh loạn lạc liên miên, người dân bị lâm vào hoàn cảnh thiếu vải, thiếu chất nhuộm tốt, lại phải lao động nặng nhọc, lam lũ để kiếm sống nên y phục của người dân Vĩnh Long cũng như Nam bộ thời đó chỉ toàn loại vải thô cứng với màu sắc tăm tối như màu đỏ xỉn đen mốc, hoặc màu đen thâm mà người dân Nam bộ gọi là đen “luốc luốc”, tức là đen không ra đen do nhuộm bằng các loại thảo mộc mọc hoang như vỏ cây cóc, vỏ cây trâm bầu, trâm sắn, vỏ cây dà, trái cây trao tráo. Tại vùng Tam Bình – Vĩnh Long, người ta nhuộm vải bằng vỏ cây bàng nhớt. Vỏ này được đem giã nhuyễn, xong ngâm nước lạnh, khi cần nhuộm thì đun sôi nước này lên, nhúng vải hoặc quần áo vào nấu kỹ sẽ nhuộm được một màu đen nhờ nhờ. Người ta vớt vải đó ra, xong đem dấn vào bùn sình non thêm một ngày nữa rồi mới đem giặt sạch, phơi khô. Nếu thấy màu chưa đen, chưa ưng ý thì quy trình nhuộm như thế lại được thực hiện thêm một hoặc vài lần nữa.

Trong thời kỳ khó khăn này, trang phục của cô dâu và chú rể tại Vĩnh Long, nhất là nơi vùng nông thôn chỉ là những bộ quần áo bà ba tự dệt và nhuộm đen. Đám cưới thường diễn ra vội vàng vào ban đêm để tránh máy bay và sự bố ráp của thực dân Pháp.

Lễ phục của nam giới tại Vĩnh Long cũng như các nơi khác ở Nam bộ khi có việc tiếp xúc ngoài xã hội đều mặc quần dài lá nem, áo dài the hoặc xuyến đen, đội khăn đóng đen, chân đi guốc (19). Dù thuộc tầng lớp bình dân, nhà nghèo, nam giới cũng mặc bộ trang phục nho nhã ấy. Nam giới lớn tuổi thuộc tầng lớp khá giả, trung lưu thường mặc loại áo dài hàng gấm, hàng địa xanh đen có dệt hoa văn chữ thọ, chữ phúc… Các chú rể của những gia đình giàu có thường mặc hai áo dài, áo đen ở trong, áo rộng bằng hàng gấm ở ngoài, phù hợp với chiếc áo rộng của cô dâu. Nhiều thập niên sau thời kỳ Pháp thuộc, thanh niên Nam bộ mới dần dần mặc Âu phục cho tới nay.

Tại Vĩnh Long từ xưa đã có dịch vụ cung ứng trang phục, mâm quả cho đám cưới, như nhà Hương Dưỡng, Tổng Đạt v.v…

“Mâm trầu rực rỡ oai nghi

Tợ đèn tợ giẻ đủ thì điểm trang

Sắm ra nội vụ sẵn sàng

Để khi cho mướn các làng hôn nhơn

Nhứt đồ Hương Dưỡng tốt hơn

Nhì đồ Tổng Đạt chạm sơn khéo đều

Các nơi đồ ấy cũng nhiều

Vĩnh Long kiểu cách mỹ miều bậc trên… ” (20)

Hiện nay, dịch vụ cho thuê trang phục cưới ngày càng phát triển. Ví dụ tại huyện Bình Minh, năm 1987 chỉ có 2 tiệm cho thuê áo cưới nhưng năm 1997, con số lên đến 10 tiệm với quy mô to. Tại các tiệm này còn kiêm luôn thẩm mỹ viện trang điểm cho cô dâu, cho nữ giới. Thị hiếu của phần lớn cô dâu ngày nay là thích mặc đầm hơn áo dài để đi dự đám hỏi, đám cưới, lễ lạt… thì cửa hiệu cũng đáp ứng cả. Tại Vĩnh Long khá phổ biến trường hợp khi có đám cưới thì nguyên một gia đình đều đi thuê trang phục, hoặc như một nhóm thanh niên hay phụ nữ đi dự một đại hội gì đó cũng đến cửa hiệu chọn thuê veston hoặc áo dài vì giá thuê khá rẻ : chỉ 25.000 đồng/ bộ veston có đủ cravate và giày kèm theo, hoặc một bộ áo dài chỉ khoảng 15.000 đồng đủ các loại hàng, các màu và đa dạng về hình thức như vẽ, thêu chỉ, thêu kim tuyến, kim sa…

Dịch vụ chi cho trang điểm và trang phục cô dâu tại các thị trấn và các xã ở Vĩnh Long hiện nay toàn bộ khoảng 150.000 đồng, bao gồm trang điểm, chải tóc, một bộ đầm soiree và lúp voan trắng, một bộ quần áo dài kèm theo khăn xếp cùng màu áo và áo khoác bằng voan, găng tay voan, hoa vải cài áo… Đa số các cô dâu ở vùng nông thôn Vĩnh Long thích màu áo hồng với các sắc như hồng phấn, màu hồng cánh sen, màu hoa mười giờ…

Trải qua một thời kỳ dài của lịch đại lẫn đồng đại, trang phục của cư dân tại Vĩnh Long cũng như Nam bộ có nhiều biến động, thay đổi và có những bước phát triển cũng như có những giai đoạn thoái hóa, những thời kỳ cách tân… bởi tác động của lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Cư dân Vĩnh Long cũng như Nam bộ do tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau như Chăm, Hoa, Khmer cùng văn hóa Âu, Mỹ… nên không thể không ảnh hưởng các nền văn hóa kể trên trong trang phục. Song song với tâm lý chuộng cái mới, tầng lớp thị dân, nhất là thanh niên ở Vĩnh Long cũng chạy theo thị hiếu thời trang trong trang phục (nhất là trang phục cưới), song nói chung, trong trang phục của tầng lớp đông đảo nông dân tại Vĩnh Long vẫn tồn tại tâm lý chuộng sự đơn giản, bình dị, thoải mái, kín đáo, thậm chí một bộ phận không nhỏ gần như hoàn toàn không quan tâm đến việc mặc đẹp, quanh năm suốt tháng chỉ vài bộ quần áo bà ba đen hoặc sắc màu sậm cùng chiếc khăn rằn. Phải chăng do thời tiết tương đối ôn hòa, bản tính xuề xòa, tâm lý không câu nệ và đời sống nông nghiệp nhọc nhằn… đã tìm được tiếng nói chungh với trang phục giản đơn của cư dân cùng này.

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————-

(17) Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Mười (70 tuổi), ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long

(18) Nam hoặc nữ đều có thể dệt vải. Bà Mười kể, anh của bà dệt, còn bà kéo xa cuộn chỉ. Nhiều gia đình trong xóm cũng do nam giới dệt vải

(19) Vĩnh Long có những xóm nghề chuyên làm guốc như tại ấp Thuận Thới, xã Thuận An, huyện Bình Minh

(20) Nguyễn Liên Phong, Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca, Sài Gòn, Phát Toàn, 1909, trang 68

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *