Theo quy định, mỗi khi thành lập làng thì phải xây dựng một ngôi đình. Vĩnh Long có rất nhiều ngôi đình xây dựng từ thế kỷ XVIII. Thí dụ như đình Tân Hoa (nay gọi là Tân Hòa Bắc). Căn cứ vào chữ “Tân”, chúng ta đoán làng này lập sau nhiều làng khác, nhưng đình làng này cũng có chức biên hiệu là năm Mậu Ngọ (1796). Đình là nơi thờ thần Thành hoàng, nơi hương chức làm việc, chỗ dân làng hội họp và tham dự lễ hội, vui chơi. Thế nhưng, khoảng một thế kỷ đầu tiên sau khi thành lập, đình ở Vĩnh Long thờ các vị Phúc thần hay thần Thành hoàng theo ý niệm “Đại vương” (đình Tân Hòa Bắc, TPVL). Theo văn tế đình Long Hưng (xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn), chủ nhân đầu tiên của đình làng là Thiên hạ Đô Đại Thành hoàng Đại vương, Kỷ Tính Thành hoàng Đại vương, Tả Đông Chinh Thành hoàng Đại vương, Hữu Dực Thánh Thành hoàng Đại vương, Đại Càn Tứ vị Thánh nương nương. Các vị thần này xuất phát từ Thăng Long. Đông Chinh vương và Dực Thánh vương là hai hoàng tử nhà Lý bị đày vào vùng Thanh Hóa – Nghệ An vì phản đối Lý Thái Tông, lên ngôi năm 1029, được xem là Thủy tổ khai hoang. Đại Càn Tứ vị Thánh nương nương là thần của Càn ở Quỳnh Lưu – Nghệ An, được xem là thần phù hộ người đi biển ở phía Nam. Bên cạnh các vị thần đó còn có một số thần linh làm điểm tựa tinh thần cho người bình dân như Thổ công, Thổ địa, Thiên Y A Na Ngọc Diên Phi, Bạch mã Thái giám, Hà bá, Long vương… Chúng ta thấy, hệ thống thần linh ngự trị tại đình làng tại địa phương Vĩnh Long đầu tiên là một tập hợp phức tạp, kể cả nữ thần cũng được tùng tự hai bên sân đình hoặc ngay trong chính tâm. Điều này không thể chấp nhận được ở một số nơi.
Tính dân dã của ngôi đình ở Vĩnh Long tồn tại khá lâu. Mãi đến năm 1825, triều Minh Mạng mới có ý niệm phong thần Thành hoàng theo ý niệm thần Thành Lũy và Hào Lũy, và đến ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (mồng 8 tháng Giêng năm 1853), nhà Nguyễn mới cấp đồng loạt cho mỗi xã – thôn ở Vĩnh Long một đạo sắc phong thần Thành hoàng với mỹ tự “Quảng hậu Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Chi thần”. Đợt cấp sắc này mang tính úp bộ đồng loạt, mục đích triều đình nhà Nguyễn muốn xác định chủ quyền trên vùng đất này, đồng thời cũng tạo điều kiện bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đúng như lời tiên đoán, chỉ khoảng 15 năm sau thì thực dân Pháp chiếm được vùng đất này và những tờ sắc phong vừa kể có tác dụng không nhỏ (thí dụ như trong lúc đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ nhất 1861 thì toàn bộ đình Tân Hoa – nay gọi là Tân Hòa Bắc – đã bị thiêu hủy. Nhưng sau đó, nhà Nguyễn cấp tốc cấp phó bản sắc phong cho làng này. Do đó, sau khi thực dân đô hộ, xã này mới có điều kiện bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa).
Ý đồ của thực dân Pháp là muốn xóa sạch văn hóa truyền thống của các dân tộc thuộc địa. Do đó, khi mới chiếm được Nam kỳ thì chúng tìm cách triệt hạ các cơ sở quân sự, hành chính và tất cả các loại đền miếu, đàn từ vừa kể. Vì thế cho nên đàn Xã Tắc, đàn Tiên Nông, miếu Thành hoàng và miếu Hội đồng không còn. May mắn trong lúc binh lửa ấy thì Kinh lược sứ Phan Thanh Giản đã ủy quyền cho Bá hộ Trương Ngọc Lang (Bá hộ Nọn) tranh thủ quân viễn chinh bảo tồn Văn Thánh miếu với ý đồ bảo tồn văn hóa. Về vật chất, sau đó, Văn Thánh miếu được trùng tu, nhiều cơ sở phụ được xây dựng thêm nhưng nhằm mục đích đề cao Nho giáo thì ít mà dùng làm trụ sở hội đoàn phát triển văn hóa thì nhiều hơn… Do đó, sinh hoạt, lễ hội xung quanh Văn Thánh miếu Vĩnh Long cũng mang tính dân dã hơn các Văn Thánh miếu khác. Riêng trường hợp miếu Hội đồng tuy đã bị phá hủy nhưng tất cả đồ thờ tự và sắc phong may mắn được cất kỹ lưỡng. Mãi đến năm 1918, bà Trương Thị Loan (con gái Bá hộ Nọn) cùng giới thân hào nhân sĩ lúc bấy giờ đã tích cực vận động xây dựng lại một ngôi miếu thờ mới, cũng quy mô tráng lệ không kém ngôi miếu cũ, nhưng phải đổi hiệu là miếu Công thần. Chính danh hiệu mới của ngôi miếu đã xác định khuynh hướng người dân thời bấy giờ thích cụ thể hóa các biểu tượng thần linh. Cho nên, 85 đạo sắc phong đã được hiểu là 85 vị công thần.
Như thế, nội dung thờ phượng ở miếu Công thần cũng đã khác miếu Hội đồng.
Riêng về tục thờ các danh nhân lịch sử cũng có từ lâu. Tại Vĩnh Long có hai từ “miếu” được đưa vào từ điển, hàng năm có đại diện triều đình đến tế là Đền thờ Tống Phước Hiệp tại Vĩnh Long và Đền thờ Châu Văn Tiếp tại Cái Nhum. Ngoài ra, vào thời Pháp thuộc, dân Trà Ôn đã biến Từ đường Thống chế Nguyễn Văn Tồn và dân Tam Bình đã biến Từ đường Phan Công An thành Đền thờ. Đền Lưu thủ Tống Phước Hiệp hiện nay không còn. Đền thờ Châu Văn Tiếp bị xuống cấp trầm trọng. Nguyễn Văn Tồn là người Khmer, công thần nhà Nguyễn, người có góp công đánh giặc, ổn định bờ cõi và trong việc đào kinh Vĩnh Tế và thiếp lập nhiều đồn điền vùng Trà Ôn. Còn Phan Công An là Cai cơ, người cùng thờ với Nguyễn Văn Tồn, cũng có công trong việc thiếp lập đồn điền. Ông là người lập thôn Mỹ Thạnh Trung (nay tách ra ba xã Mỹ Thạnh Trung, Hậu Lộc, Mỹ Lộc). Đặc biệt là tài sản riêng của ông khi vợ chồng ông mất đều trở thành tài sản công cộng. Rõ ràng, với tục thờ cúng danh nhân, những danh nhân có công trạng gắn liến với nhân dân thì nhân dân ghi nhớ đời đời.
Đình làng cũng là thiết chế văn hóa được triều đình nhìn nhận nhưng do chính quyền địa phương quản lý. Thế nhưng ở Vĩnh Long cũng như ở Nam bộ, từ lâu, tín ngưỡng dân gian đã có mặt tại đình trong uy quyền nhà Nguyễn ngự trị không được bao lâu thì quân viễn chinh đã đến. Rút kinh nghiệm cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Huân, chính quyền đô hộ tìm cách cắt bớt quyền lực của Ban Hội tề bằng cách đưa họ trở về chức năng hành chính. Đình làng trở thành đình hội và cũng từ đó, ngôi chùa, ngôi đình – miếu – võ đều là thiết chế tín ngưỡng dân gian. Do đó, vào khoảng đầu thế kỷ này, đồng loạt nhiều đình vùng Vĩnh Long đã đổi biên hiệu là “linh miếu”, là “miếu võ” thay vì “đình” như thông lệ.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long