Tín ngưỡng dân gian và tôn giáo ở Vĩnh Long

A/ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN CỦA CƯ DÂN VĨNH LONG

So với các tỉnh ở Nam bộ, Vĩnh Long cũng là vùng đất cổ. Nhiều xã – thôn ở địa phương này được cha ông chúng ta khai phá thành lập từ thế kỷ XVII hoặc XVIII. Rồi từ năm 1757, lỵ sở châu Định Viễn và dinh Long Hồ được dời từ Cái Bè về Tầm Bào (địa điểm TPVL ngày nay), tức là đã trở thành trung tâm của một vùng. Đầu thế kỷ XIX, Vĩnh Thanh là một trong 5 trấn thuộc thành Gia Định và năm 1832, Vĩnh Long là một trong 6 tỉnh Nam kỳ.

Do địa bàn Vĩnh Long có tính đặc thù nên nơi đây đã hội tụ nhiều nền văn hóa : Việt – Hoa – Khmer. Đó là chưa kể đến các yếu tố văn hóa có nguồn gốc xa xưa hơn như yếu tố văn hóa Bà-la-môn đã được tổ tiên chúng ta tiếp nhận qua văn hóa Chăm ở miền Trung rồi đưa vào vùng đất này. Ngoài ra, vì Vĩnh Long còn là một trấn lỵ, rồi một tỉnh lỵ vào thời Nguyễn nên bên cạnh các dạng tín ngưỡng dân gian còn có một số tín ngưỡng chính thống (nhưng hiện nay đã bị dân gian hóa).

I/ Tín ngưỡng của cộng đồng người Việt

1/ Hệ thống tín ngưỡng chính thống đã bị dân gian hóa

Ở Nam bộ, đền – miếu – đàn – từ là thiết chế văn hóa của nhà Nguyễn. Mục “Từ miếu” trong sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), khi Trương Đăng Quế vào Nam lập địa bạ hoàn chỉnh một số quy chế hành chính thì tại Vĩnh Long đã xây dựng đàn Xã Tắc, đàn Tiên Nông và miếu Hội đồng. Sau đó, vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) lại xây dựng miếu Thành hoàng của tỉnh này. Cuối cùng, đến năm 1864, lúc nhà Nguyễn đang gặp hiểm nguy trước họng súng của kẻ thù đe dọa mà giới trí thức ở địa phương, đứng đầu là Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông… vẫn gấp rút xây dựng thêm Văn Thánh miếu. Có thể nói, đây là một trong 3 ngôi Văn Thánh miếu nhằm đề cao Nho giáo ở vùng đất này. Đàn Xã Tắc và đàn Tiên Nông là thiết chế văn hóa của một tỉnh nông nghiệp. Đàn Xã Tắc là đàn thờ thần Xã (thần Đất) và thần Tắc (thần Lúa). Thờ thần Xã Tắc là ước mong cư dân no ấm, đất đai thịnh mậu. Ở kinh đô, ở tỉnh và ở làng xã đều thờ thần Xã Tắc, là tuân theo ý niệm giang sơn thống nhất trước khi chúng ta có từ “Tổ quốc thống nhất”. Còn đàn Tiên Nông là đàn thờ Thần nông cùng các vị thần mây, mưa, sấm, chớp… cúng quỷ như ở kinh đô Huế. Bên cạnh đàn Tiên Nông, Vĩnh Long cũng có ruộng tịch điền. Hàng năm, quan lại ở tỉnh thay mặt Vua đến tế lễ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cày ruộng để khuyến khích người làm ruộng.

Sắc niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 10 (1749)

Đối với dân gian, miếu Hội đồng là cơ sở tín ngưỡng quan trọng nhất. Miếu Hội đồng là nơi thờ hệ thống thần linh ở địa phương gồm các vị nhiên thần và nhân thần, chia ra âm – dương, nam – nữ, được triều đình nhìn nhận bằng sắc phong, xếp ba hoặc Thượng trung và Hạ đẳng. Hiện nay, miếu Hội đồng Vĩnh Long còn lưu giữ 85 sắc phong của 16 vị nhiên thần và 21 nhân thần. Về nhiên thần có nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diên Phi, Cao Cúc Đại vương, Bổn cảnh Sơn thần, Bổn cảnh Thủy thần, Bạch mã Chi thần… Về nhân thần gồm những nhân vật có công khai phá vùng đất Trung bộ và Nam bộ như Đô đốc Bùi Tá Hán, Tham chính Lương Văn Chánh, Thống suất Nguyễn Cửu Vân. Đặc biệt là có những nhân vật sinh tồn có công với Vĩnh Long như Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh, Phụ quốc Đô đốc Trần Thắng Tài, Ký lục Nguyễn Cư Trinh, Hữu phủ Tống Phước Hiệp. Nguyễn Khoa Kiên, Trương Phước Du…

Theo quan niệm của người xưa, song song với các cấp chính quyền có hệ thần Thành hoàng cai quản cõi dương gian. Đó là biểu tượng thần linh thay mặt Thiên tử phù hộ cư dân một vùng theo ý niệm thần Thành lũy và thần Hào lũy. Do đó, ở Huế có miếu Thành hoàng kinh đô. Ở các tỉnh cũng có miếu thần Thành hoàng riêng. Thế nhưng, từ đời Gia Long, thần Thành hoàng Vĩnh Long phải từng tự bên cạnh thần Thành hoàng kinh đô. Mãi đến thời Thiệu Trị mới được đưa về địa phương. Ở cấp xã – thôn cũng có thần Thành hoàng theo quan niệm vừa kể (đây là điểm dễ phân biệt giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc. Làng xã Việt Nam thờ thần Thành hoàng, còn làng xã Trung Quốc thờ Phước Đức Chánh thần, tức Thổ địa). 

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *