2/ Thời kỳ từ năm 1975 đến nay

a/ Từ năm 1975 – 1985

Sau ngày giải phóng và thống nhất đất nước, cùng với quá trình cải tạo XHCN, sự hình thành ngành thương nghiệp XHCN là một yêu cầu khách quan. Hoạt động của thương nghiệp Vĩnh Long gặp những khó khăn lớn do đặc điểm kinh tế – xã hội và thị trường nước ta sau ngày giải phóng miền Nam chi phối.

Đặc điểm thị trường miền Nam nói chung, Vĩnh Long nói riêng mang một phần sắc thái của thị trường TBCN, hoạt động kinh doanh mang tính chất tự phát, giai cấp tư sản chiếm số lượng ít nhưng họ chi phối mọi hoạt động của ngành nội thương Vĩnh Long…

Để xóa bỏ thành phần TBCN, từng bước xây dựng thương nghiệp XHCN, Vĩnh Long đã tiến hành hai đợt triển khai chiến dịch xóa bỏ tư sản mại bản (quý IV/1975 và cuối năm 1976), tiến hành cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh và cấp giấy phép hành nghề, chuyển phần lớn tư sản thương nghiệp sang sản xuất. Một số tiếp tục kinh doanh dưới sự kiểm kê, kiểm soát của nhà nước.

Tổ chức thương nghiệp mới được xác lập dưới sự ra đời của công ty Công thương tỉnh Vĩnh Long, lúc ban đầu có 3 công ty trực thuộc là : công ty Công nghệ phẩm, công ty Nông sản Thực phẩm, công ty VLXD. Nhiệm vụ trước mắt là quản lý hành chính và phân phối hàng nhu yếu phẩm cho công nhân – viên chức, quân nhân.

Mấy năm đầu, công ty hoạt động theo hình thức quốc doanh. Đến năm 1977, xây dựng mạng lưới công thương mở rộng, thực hiện hoạt động bán lẻ và thu mua ủy thác cho thương nghiệp quốc doanh. Đến năm 1978, tất cả xã – phường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều có HTX mua bán. Đến năm 1980, cấp tỉnh có 5 công ty thương nghiệp, mỗi huyện có một công ty thương nghiệp, số lượng mua bán ngày một tăng, được tổ chức ngay trong từng khóm – ấp. Trung bình cứ 10.000 dân có 2,2 quầy hàng.

Những năm đầu giải phóng, việc phân phối hàng hóa phục vụ nhân dân được đặt lên vị trí hàng đầu là khâu trung tâm của ngành thương nghiệp Vĩnh Long. Do quỹ hàng hóa không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên việc mua bán chủ yếu là phân phối theo định lượng cho các đối tượng theo giá cung cấp và một phần bán lẻ cho nhân dân.

Thương nghiệp đã mở các cửa hàng bán lẻ ở khu vực đông dân cư và chợ huyện, HTX tổ chức các quầy bán lẻ ở các xã – phường, có nơi xây dựng đại lý bán lẻ ở khóm – ấp. Với mạng lưới đó, thương nghiệp đã đáp ứng một phần quan trọng những mặt hàng thiết yếu của nhân dân.

Đối với cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang, thương nghiệp cũng đã cung cấp ổn định một số mặt hàng nhu yếu phẩm thông qua sổ mua hàng tập thể của cơ quan. Ngoài các mặt hàng cung cấp theo tiêu chuẩn định lượng, những hàng công nghệ và nông sản khác không đủ để bán rộng rãi, thường được thông qua hệ thống căn-tin, HTX mua bán để phân phối lại cho công nhân viên chức. Việc phân phối giấy, bút, phấn viết cho học sinh đều đưa vào các trường học. Nhờ có phương tiện phân phối như vậy nên lượng hàng đến trực tiếp người tiêu dùng đảm bảo từ 80 – 90%. Trong lúc quan hệ cung cầu hàng hóa mất cân đối, giá cả thị trường tự do cao hơn nhiều so với nhà nước thì phương thức phân phối này có ưu điểm là đã hạn chế được nạn đầu cơ mua đi bán lại của tiểu thương trên thị trường, nhưng nó cũng đã biến các tổ chức thương nghiệp bán lẻ thành cơ quan phân chia hàng hóa, mậu dịch viên là nhân viên, các cơ quan – xí nghiệp tăng biên chế “nhân viên đời sống tiếp phẩm” chuyên mua hàng của thương nghiệp quốc doanh cung cấp về phân phối lại cho cán bộ, công nhân viên. Còn nhân dân muốn mua hàng của nhà nước thì gặp rất nhiều thủ tục hành chính phiền hà của các đơn vị bán hàng. Mặt khác, phương thức phân phối này đẻ ra rất nhiều tiêu cực như phân phối cảm tình, tham ô, móc ngoặc, bớt xén hàng của nhà nước. Hơn nữa, cơ chế quản lý hành chính bao cấp, mua theo lệnh và bán theo lệnh, giá cả nhà nước quy định rất thấp so với thị trường xã hội. Hoạt động của thương nghiệp XHCN không thực hiện được đầy đủ chức năng mua bán một cách bình thường đã kìm hãm sự phát triển của ngành thương nghiệp XHCN.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *