Theo lời các cụ già làm nghề đóng ghe tại Trà Ôn có thâm niên khoảng nửa thế kỷ kể rằng, sau Cách mạng tháng Tám (1945), tại vùng sông nước này có ông Năm Danh (Đỗ Ngọc Danh) là người nổi tiếng giỏi tay nghề đóng ghe (41). Có thể nói, hầu hết các thợ đóng ghe tam bản tại Trà Ôn trước đây đều là học trò của ông Năm. Vào khoảng 1949, tại vùng Long Toàn (Trà Vinh) có loại ghe tam bản mũi nhọn và hơi cất lên. Ông Năm Danh nghiên cứu kỹ và thấy rằng, loại rập (kiểu mẫu) này có ưu điểm là chèo nhanh, lướt sóng tốt nên ông kế thừa ưu điểm này, sửa cái rập ghe tam bản của ông cho mũi nhọn hơn và cất lên một chút. Cho đến nay, có thể nói, hầu như kiểu dáng ghe tam bản ở Trà Ôn đều được thợ đóng ghe tại đây thực hiện theo cái rập mẫu của ông Năm Danh.

Lúc ban đầu, thợ cũng chưa biết một chiếc ghe tam bản có kích thước tương ứng bao nhiêu với trọng tải. Về sau, qua thử nghiệm, họ rút ra được một “công thức” như sau :

+ Bề quành chiếc tam bản là 1,5 mét, dài 5,8 mét thì có khả năng chở 30 giạ lúa (tương đương 600 ký).

+ Bề quành tam bản là 1,6 mét, dài 6 mét thì sức chứa khoảng 40 giạ lúa (tương đương 800 ký).

Tùy theo mức độ nhỏ hoặc to mà ghe tam bản tại Vĩnh Long có kết cấu từ 9 lá (9 tấm ván ghép lại) cho tới 17 lá.

Theo sở thích của người khách đặt đóng ghe thì ghe loại nhỏ có 16 giây công, loại lớn tăng lên 48 hoặc 50 giây công (là cái trụ bột làm sườn cho cứng chắc chiếc ghe).

Với một chiếc ghe tam bản có tải trọng 30 – 40 giạ lúa thì hai người thợ làm xong trong 4 ngày với giá cả chừng 3 triệu đồng một chiếc nếu được đóng bằng gỗ tốt (tùy thời giá).

Thời xưa, chưa có các loại máy nổ, ghe thuyền chỉ chèo tay. Khi đi ngược nước thì ghe đậu chờ con nước, và do lúc ấy chưa có nhiều máy nổ nên dù nhiều ghe xuồng đậu đầy một khúc sông nhưng âm thanh không ồn áo, náo động như hiện nay. “ … Trong lúc chủ ghe lo gột rửa mặt hàng, còn bạn chèo thì mua lạt dừa để đánh quai chèo, chêm lại guốc chèo, đẽo cột chèo, chắp lại mái chèo đã bị khắc nhau mà gãy khi bon chen kẻ ngược người xuôi qua giáp nước. Chằm lại mui ghe, thay vài tấm ván sạp… ” (42).  

Trước kia, ghe Vĩnh Long cũng như Lục tỉnh lên Sài Gòn phải gắn buồm vuông làm bằng đệm bàng, vì ghe vào sông Bến Lức, cành bần gie ra từ hai bên bờ làm cho lòng sông hẹp lại nên không thể giương buồm cánh én mà chạy được.

Từ năm 1970 trở đi, Vĩnh Long mới có vỏ lãi, tắc ráng.

Vỏ lãi có mũi ghe bằng, dài khoảng 9 mét, thành ghe thấp, bề ngang hẹp, bờ quành từ 1,2 mét.

Tắc ráng (43) thường dài hơn vỏ lãi, mũi nhọn, không tạo lực cản nước nên nó chạy khá nhanh.

Sau này, người ta cải tiến vỏ lãi cho kích thước lớn hơn để thành vỏ tàu (44), hoặc là “ghe đò” để chở được khoảng 40 hành khách. Trọng tải vỏ tàu từ 2, 3 – 12 tấn. Mũi của vỏ tàu bằng chứ không nhọn, có trang bị mặt nạ mỏ neo để tránh va chạm, hư hỏng khi ghe đò chạm vào bờ. Hiện nay, người ta ít sử dụng vỏ lãi, tắc ráng, mà dùng “vỏ tàu” vì nó vững vàng hơn. Giá thành một vỏ tàu từ 10 – 15 triệu đồng. Hiện, Vĩnh Long có khoảng 1.000 chiếc ghe đò loại này, mỗi huyện có hàng trăm chiếc, chuyên dùng để chở khách đi các tuyến trong huyện và giữa các huyện trong tỉnh với giá chỉ khoảng vài ngàn đồng một tuyến. Do tàu đò chở đông khách nên phí vận chuyển này rẻ tiền nhất so với những phương tiện khác. Những năm gần đây, theo số liệu thống kê về tình hình phương tiện tàu, ghe đã đăng ký kỹ thuật ở Chi nhánh đăng kiểm Vĩnh Long (tính đến ngày 14/3/1998) thì toàn tỉnh có 5.745 chiếc tàu, ghe có gắn động cơ và có trọng tải từ 1 – 15 tấn. Không kể các loại xáng, cạp, phà… tại Vĩnh Long có 4.034 ghe tải, trong đó có 606 chiếc có trọng tải trên 15 tấn, về tàu khách có 1.057 chiếc.

Trong phạm vi sinh hoạt của gia đình tại vùng sông nước như Vĩnh Long thì nhu cầu về xuồng (45) rất lớn. Nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xuồng, nhiều thì vài chiếc, nhất là các gia đình ở ven sông rạch và ở cù lao. Từ trẻ con đến người già, cư dân vùng này ai cũng biết chèo xuồng thành thạo. 

Người dân Vĩnh Long tạm phân biệt vài loại xuồng như :

– Xuồng ba lá, xuồng năm lá

– Tam bản : chở khoảng 15 – 20 giạ. Sau này, người dân Vĩnh Long chế thêm hai chèo để chèo đi cho nhanh.

– Xuồng bơi (47) lớn hơn xuồng tam bản một chút. Xuồng tam bản khác xuồng ba lá ở chỗ xuồng tam bản đáy cong, còn xuồng ba lá đáy bằng. Xuồng tam bản mũi tròn, nhiều ván be lại (5, 7, 9 lá).

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————

(41) Nguyễn Thanh Liêm, Nghề đóng ghe ở Trà Ôn – Vĩnh Long, tư liệu, 1998

(42) Nguyễn Văn Trấn, Chợ Đệm quê tôi, NXB TPHCM, trang 148

(43) Cho tới nay chưa có cách giải thích về xuất xứ của từ vỏ lãi. Chỉ biết loại ghe này bắt nguồn từ tỉnh Kiên Giang, nơi mà vỏ lãi, tắc ráng được sáng tạo ra để thích hợp với địa hình kênh rạch tại địa phương. Có nơi, người ta không phân biệt vỏ lãi và tắc ráng, mà xếp chúng vào một loại. 

(44) Có khi, người ta còn gọi vỏ tàughe bồn

(45) Tạm phân khái niệm xuồng để chỉ phương tiện di chuyển bằng xuồng, ghe nhỏ không gắn máy hoặc có gắn máy nhưng thô sơ, trọng tải nhẹ, di chuyển lộ trình ngắn, gần nhà.

(46) Tại Bạc Liêu, cà Mau, Sóc Trăng… có loại xuồng nòi dùng chuyên chở hàng hóa. Xuồng nòi ở Bạc Liêu tải trọng tương đương một tấn, còn ở Sóc Trăng, xuồng nòi to hơn, trọng tải khoảng 20 tấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *