Trong quá trình khai phá vùng đất Vĩnh Long, người Việt ngoài những kinh nghiệm và công cụ về nông nghiệp và ngư nghiệp đã tích lũy được hàng mấy ngàn năm còn tiếp thu, trao đổi những công cụ về nông nghiệp và ngư nghiệp của các dân tộc anh em, đồng thời cải tiến, sáng tạo ra những công cụ mới để thích ứng, khai thác và khai phá thành công vùng đất mới. Nông ngư nghiệp ở Vĩnh Long có thể nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau như việc đắp bờ, đắp đập, đào kinh thủy lợi cải tạo đất; như việc cải tạo, sáng tạo giống cây trồng – vật nuôi; như việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu… Ở đây chỉ nghiên cứu những nông cụ và ngư cụ truyền thống ở Vĩnh Long, là những công cụ rất quan trọng trong nông nghiệp và ngư nghiệp. Nghiên cứu nông cụ và ngư cụ truyền thống ở Vĩnh Long cũng là góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa truyền thống ở Vĩnh Long.
Nông cụ
Trước khi đề cập đến nông cụ, cần điểm qua đôi nét về điều kiện tự nhiên, bởi tự nhiên là yếu tố rất quan trọng đối với nông nghiệp. Tự nhiên luôn là điều kiện có trước và bao trùm, đề ra những yêu cầu và thách đố, buộc con người không ngừng cải tiến, sáng tạo ra kỹ thuật mới để thích nghi và ứng phó.
Vĩnh Long có vị trí khá đặc biệt, nằm trên phần đất giữa sông Tiền và sông Hậu, thuộc phần hạ châu thổ sông Cửu Long, nơi sông Tiền và sông Hậu có sự phân nhánh. Ở đây, giồng hai bên sông đã bắt đầu hạ thấp, gần như không nhận ra và các cù lao xuất hiện, kết quả của sự bồi tụ phù sa ở “rìa hoạt động” của châu thổ trong cuộc tranh chấp không ngừng giữa sông và biển (Lê Bá Thảo, 1977 : 247, 1998 : 519). Có thể nói, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, Sa Đéc (thuộc tỉnh Đồng Tháp), Chợ Mới (thuộc tỉnh An Giang) thuộc một cù lao cực lớn, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu (Lê Bá Thảo, 1998 : 519).
Theo bản đồ đất của tỉnh thì Vĩnh Long có 9 loại đất. Ngoài hai nơi có đất cát giồng (cambisols) rất ít ở ấp Vĩnh Khánh thuộc xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn và một vệt dài nhỏ từ thị trấn Vũng Liêm đến xã Trung Thành thuộc huyện Vũng Liêm, còn lại là loại đất phù sa. Đất phù sa phát triển sâu (luvisols), tập trung ở huyện Trà Ôn (các xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn, Hựu Thành… ), huyện Tam Bình (các xã Bình Ninh, Loan Mỹ, Ngãi Tứ) và huyện Vũng Liêm (các xã Trung Hiếu, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa). Đất phù sa phát triển khá, có phèn tiềm tàng (protothionic gleysols) là loại đất chiếm số lượng nhiều nhất ở Vĩnh Long, tập trung thành vệt lớn dài dọc theo Quốc lộ 1 từ thị xã Vĩnh Long qua huyện Long Hồ (các xã Tân Hạnh, Phước Hậu, Lộc Hòa, Thạnh Quới, Phú Quới, Hòa Phú), huyện Tam Bình (các xã Phú Thịnh, Song Phú, Tân Phú, Long Phú), huyện Bình Minh (các xã Nguyễn Văn Thảnh, Mỹ Thuận, Thuận An, Đông Bình) và lẻ tẻ ở một vài huyện khác như Mang Thít (các xã Mỹ Phước, An Phước, Bình Phước), huyện Vũng Liêm (các xã Trung Chánh, Hiếu Phụng). Đất phù sa chưa phát triển, có phèn tiềm tàng (protothionic fluvisols) tập trung ở huyện Mang Thít (các xã Nhơn Phú, Chánh Hội, Tân An Hội, Tân Long Hội), huyện Tam Bình (các xã Tân Lộc, Hậu Lộc, Hòa Thạnh, Hòa Hiệp), huyện Trà Ôn (các xã Xuân Hiệp, Hòa Bình) và lẻ tẻ ở một vài huyện khác như huyện Vũng Liêm (các xã Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, Hiếu Thuận), huyện Bình Minh (xã Thành Trung). Các loại đất như đất phù sa phát triển sâu có phèn tiềm tàng (protothionic luvisols), đất phù sa phát triển khá, có phèn phát triển (orthi-thionic gleysols) và đất phù sa phát triển sâu có phèn phát triển (orthi-thionic luvisols) chiếm lượng ít, có ở huyện Tam Bình (xã Mỹ Thạnh Trung), huyện Trà Ôn (xã Vĩnh Xuân), huyện Bình Minh (xã Đông Thạnh), huyện Vũng Liêm (xã Trung Ngãi). Đất ở các cù lao thuộc Vĩnh Long thường là đất phù sa phát triển khá (gleysols) ở bên trong, xung quanh là đất phù sa chưa phát triển (fluvisols) như cù lao An Bình, Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, cù lao Phú Thành Lục Sĩ Thành thuộc cù lao Mây thuộc huyện Trà Ôn. Riêng cù lao Dài, xã Quới Thiện, Thanh Bình thuộc huyện Vũng Liêm chủ yếu là đất phù sa chưa phát triển. Nhìn chung, đất ở Vĩnh Long thuộc đất phù sa, chiếm hơn 2/3 là đất phù sa có phèn tiềm tàng, rất ít đất phù sa có phèn phát triển và gần như không có đất phèn nhiều như ở Đồng Tháp Mười.
Đối với nông dân ở Vĩnh Long thì đất ở đây có ba loại : đất đồng, đất biền và đất bưng. Theo Đại Nam quốc âm tự vị xuất bản năm 1895 thì đất đồng là “đất ở ngoài đồng, cũng hiểu là một cuộc đất trồng và minh mông”; đất biền là “đất thấp ở dựa mé sông rạch” và đất bưng là “đất thấp nổi nước tư niên”. Đất thấp đầy những cỏ rác “là một cuộc đất thấp, minh mông, tích đầy những cỏ những nước, chính là ổ cá” (Huỳnh Tịnh Paulus Của, 1895 : 54-83-279-324). Đất bưng rất ít ở Vĩnh Long như Bưng Sẩm ở xã Hòa Bình, bưng ở ấp Mỹ An, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn. Bưng Sen ở xã Bình Ninh, bưng Cây Dong ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình trước đây không trồng được lúa, còn lại đất đồng đất biền rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long