Những lễ nghi cúng kiếng các vị thần thờ trong gia đình
a/ Trong gia đình
Thần bản gia và thần bản mệnh có thể thờ gần nhau, nhưng chức năng của mỗi vị thần đều khác nhau. Thần bản gia làm chức năng phù hộ tất cả các thành viêntrong gia đình, phải thờ đúng nơi quy định, thường là những nơi quan trọng. Thần bản mệnh chỉ phù hộ mặt cá nhân, có thể thờ nơi cá nhân ấy định đặt, thí dụ như ngay trên nóc giường ngủ. Còn các vị thần làm chức năng “mẹ sanh” như Kim Huê Thánh mẫu, Ba Đức thầy và Mười hai bà mụ là thần cộng đồng, ít ai thờ phượng tại tư gia. Riêng Lục cung Thánh mẫu và Thủy triều Long cung không mấy người có thiện cảm. Chỉ có cha mẹ của mấy đứa “con cầu con khẩn” mới thờ cho yên tâm.
Ngày “đôm lẻ” là ngày cúng các vị thần sản dục vừa kể, mang ý nghĩa cầu nguyện cho người phụ nữ sắp được làm mẹ được “vuông tròn”. Còn lễ “đầy tháng” mang ý nghĩa ngày “đặt tên” cho đứa trẻ và tạ ơn các vị thần ấy (trong dân gian có tục hễ sinh con gái thì sụt hai, con trai thì sụt một ngày). Lễ vật gồm nhang đèn, hoa quả, cháo vịt (cữ gà), chè xôi… Con số phải ứng với một (Bà chúa Thai sanh), 12 (mười hai bà mụ) và 3 (Ba Đức thầy). Lễ vật cúng đôm lẻ thì đơn giản hơn. Đặc biệt xưa kia, người ta còn vuốt đôi đũa bông, dâng cúng xong đem giắt mái nhà lưu giữ (ở đây, lễ vật này đã được sử dụng khác miền Bắc. Đôi đũa bông chỉ sử dụng cúng người chết).
Ngày đứa trẻ tròn một năm có lễ thôi nôi. Lễ thôi nôi tuy cũng dùng lễ vật cúng kiếng như lễ đầy tháng để tạ ơn các vị thần sản dục lần thứ hai nhưng mang tính thủ tục nhiều hơn. Một tục lệ khá đặc biệt còn lưu giữ là tục “đặt sàn” có nhiều dụng cụ như gương lược, dao kéo, đất xôi bánh… để trẻ chọn mà đoán tương lai.
Xưa kia, sau lễ thôi nôi, hàng năm vào tháng Giêng, cha mẹ làm lễ cúng “đõ đốt” cho con. Đến 12 tuổi mới thôi. Ngoài ra, khi trẻ lên 3, lên 6, lên 9 đều phải cúng căn, mang ý nghĩa tạ ơn các “mẹ sanh” đã giúp trẻ vượt qua căn nợ của mình. Khi trẻ đủ 12 tuổi, thoát nạn “hữu sanh vô dưỡng” thì gia đình làm lễ cúng dứt căn, mang ý nghĩa tạ ơn lần cuối, tất nhiên là linh đình hơn. Lễ vật cúng căn hay cúng đõ đốt cũng có chè, cháo, hương hoa như cúng mụ. Đặc biệt trong số lễ vật cúng phải có 12 cái roi ngựa làm bằng giấy màu, gọi là cái “bông chi”, cúng xong đem giắt lên mái nhà lưu giữ. Một số gia đình có điều kiện khi cúng căn cho con phải mời bà bóng đến dâng lễ. Bà bóng làm nhiều đồ mã như cái “động bà” bằng giấy ngũ sắc, dùng nhiều “đồ thế” mang màu sắc Chàm – Việt. Ngày nay, do trào lưu xã hội, các tục lệ này đã sụt giảm rõ nét. Rất nhiều gia đình bỏ hẳn tục “đõ đốt”, “dựng căn” hay tục cúng “đôm lẻ”. Những người nếu còn giữ thì cũng cúng kiếng cho có lễ, không mời bà bóng và dùng các loại đồ mã nữa.
Ngoài ra, Táo quân là một vị gia thần nhưng theo dân gian, vì là “nhất gia chi chủ” nên cũng được xem là thần phù hộ trẻ con. Khi cha mẹ muốn ẵm trẻ sơ sinh ra khỏi nhà thì phải “xin phép”, tức là lấy lọ “ông táo Chúa” chấm ngay trán chúng để ma quỷ kiêng sợ, không bắt nạt. Gặp những đứa trẻ khó nuôi, cha mẹ đứa trẻ cũng mời thầy cúng đến “ký bán” (tức là cho làm con nuôi ông Táo). Những đứa trẻ được ký bán thì khi cúng dứt căn (12 tuổi), cha mẹ cũng phải giết một con lợn tạ ơn ông Táo.
b/ Khác các vị thần độ sanh, các vị thần độ mạng đều được thờ phượng cúng kiếng trang trọng hơn. Các vị thần bản mệnh bản gia đều được cúng hương hoa cây trái vào các ngày sóc vọng và ngày nguyên. Ngoài ra, các vị thần bản mệnh như Quan Thánh Đế quân. Quan Bình Thái tử, Tử Vi Đại đế… đều có ngày vía riêng và có những tục lệ phải tuân thủ. Thí dụ như người thờ Quan Công thì phải cữ ăn thịt trâu, thịt chó, ngụ ý là phải noi gương trung nghĩa. Ngoài ra, thờ Quan Công thì không được cúng thịt gà. Thờ Tử Vi Đại đế thì có thể cúng chay hay cúng mặn, nhưng thờ Phật thì phải tuân thủ nghiêm nhặt. Có người thờ Phật độ mạng phải ăn chay vào các ngày sóc vọng.
Riêng đối với những người thờ Cửu thiên Huyền nữ, Thánh A La sát, thậm chí cậu Trày – cậu Quý độ mạng đều tuân thủ theo tục thờ chúa Tiên – chúa Ngọc nương nương là phải cúng vịt (tục ngữ : Ông cữ cúng gà, bà phải cúng vịt). Đặc biệt cứ ba năm thì các nữ tín chủ phải làm lễ “tạ trang”, mời các bà bóng đến rồi dâng lễ. Ngày nay, do trào lưu tiến bộ, tục lệ này không còn nguyên vẹn như xưa. Nhiều phụ nữ thờ bà độ mạng hiện nay vẫn còn tồn tại, phát triển. Mỗi Tết cứ nhìn người bán các loại đồ mã trang trí như gương lược, giày nón, cờ quạt… thì biết số lượng người tin tưởng.
c/ Riêng các vị gia thần như Táo quân, Ngũ thổ Long thần, Thổ địa, thần Tài… tục thờ cúng cũng chú trọng vào các ngày nguyên, ngày sóc vọng. Khi trong nhà có giỗ Tết, chủ gia thường chú trọng đến việc cúng Ngũ thổ Long thần (thường gọi là “đất đai dương trạch), Táo quân, Thổ địa, Thổ thần, mang ý nghĩa báo cáo với thần sở tại để mời tổ tiên và các vị thần khác vào nhà. Lễ vật cúng các gia thần cũng giống như lễ vật cúng tổ tiên, có thể dùng cỗ mặn, trà rượu. Riêng về Ngũ thổ Long thần, lễ vật phải chú trọng đến con số 5.
Mỗi năm, ngày 23 tháng Chạp, người dân Vĩnh Long có tục cúng tiễn ông Táo về trời và chiều 30 cũng rước ông Táo trở về nhà. Lễ vật cúng ông Táo thường là hương hoa, chè xôi. Gần đây, do ảnh hưởng tục lệ người Hoa, thường dùng thèo lèo làm lễ vật. Khi xưa, khi đưa ông Táo, người ta còn nhờ ông đề đạt một tờ sớ (chữ Hán), đốt cho ông mấy tờ vàng bạc để làm lộ phí đi đường và một tờ “cò bay, ngựa chạy” (vàng mã đặc biệt), ngụ ý khi ông muốn lên trời thì cưỡi chim hạc, còn đi đường bộ thì cưỡi con ngựa này. Một số bà con người Hoa khi đưa ông Táo có cặp mía, họ gọi là gậy ông Táo.
Những người làm vườn, vào sáng ngày mùng Ba Tết, ngoài tục ra mắt thần Hành binh Hành khiến (thần tai họa, dịch bệnh của một năm), theo thông lệ còn có tục làm lễ ra mắt Ngũ thổ Long thần (và Thổ thần). Lễ ra mắt Thổ thần gọi là “Tết vườn”. Lễ vật cúng Thổ thần là trầu, rượu, hương hoa và một con gà. Khi cúng xong, người ta có tục lấy giấy đỏ cắt hình bầu rượu, hình miếng chả… đem dán khắp các gốc cây ăn trái trong vườn. Nhân lễ ra mắt Ngũ thổ Long thần, người làm vườn cũng ra mắt thần Chăn nuôi, thần Gia súc (gọi là Tết ông Chuồng bà Chuồng, Tết trâu… ) với nội dung tương tự.
Còn những người mua bán ở thị tứ (do ảnh hưởng tục lệ người Hoa) có tục cúng Ngũ thổ Long thần vào ngày mùng Mười và cúng thần Tài vào ngày mùng Hai mỗi tháng. Lễ cúng Ngũ thổ Long thần (hay Thổ địa) chỉ thực hiện trong 5 tháng đầu năm. Đến này “Địa lạp” (giỗ đất, tức đất chết, không còn phát triển) thì không cúng nữa. Còn tục cúng thần Tài thì tuân thủ suốt 12 tháng. Lễ vật cúng Thổ địa hay thần Tài chỉ có hương đăng và một bộ “tam sên” (tam sên : một miếng thịt lợn, một quả trứng và một con tép luộc chín). Ở địa phương, thần Tài và Thổ địa thường lẫn lộn nhau nên người ta đã gói gọn chung làm một lễ.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, việc thờ phượng cúng kiếng của cộng đồng cư dân, của tư gia hoặc cá nhân từng thành viên trong gia đình tự nó đã thành tục lệ. Các đối tượng thờ phượng là một tập hợp phúc thần ý niệm, ít có đối tượng nào là nhân vật lịch sử là do người sau tìm hiểu truy nguyên hoặc cũng có những phúc thần là nhân vật lịch sử nhưng người ta đã đưa vào ý niệm. Nhìn chung, ý niệm là căn bản của các vị thần linh dân dã.
Lễ hội làng xóm vừa mang tính chất tín ngưỡng, vừa mang tính chất tri ân, cũng là dịp để bà con xóm làng vui chơi, yến ẩm, thắt chặt tinh thần đoàn kết. Ở khía cạnh nào đó, hình thức diễn xướng của lễ hội vừa có chức năng nghi lễ, lại vừa có chức năng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu hội hè của bà con trong làng trong xóm. Mặt khác, tính chất dân dã của đình miếu ở địa phương đã kiến lễ hội thu hút nhiều khách đến hành hương lễ bái.
Riêng về tục thờ gia thần và thần độ mạng cũng phổ biến. Theo quan niệm dân gian, hễ âm phù linh hiển thì dương cư cũng thịnh vượng. Do vậy, các tục lệ thờ cúng trong gia đình mới được xem trọng.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long