A. NHÓM NGƯ CỤ DÙNG TRÊN RUỘNG
Nông dân ở Vĩnh Long cũng như nông dân nhiều nơi khác ở ĐBSCL có khả năng bắt cá mà không cần ngư cụ. Chẳng hạn, có thể rút nước trong mương – rạch ra cho cạn rồi dùng tay mò bắt cá hay những lúc rút nước phơi ruộng cho khô. Giai đoạn đầu, cá mắc cạn trên ruộng ở những lỗ chân trâu. Ở đó, ban đêm, cá nằm cựa quậy làm nước đục, người dân sáng sớm ra tìm những lỗ nhỏ có nước đục, biết chắc là cá đã nằm ở đó, chỉ cần đưa tay vào bắt mà nông dân thường gọi là đi bắt. Hoặc không dùng ngư cụ và cũng không dùng tay không bắt cá, mà dùng một loại nông cụ, chẳng hạn khi dùng trục để dọn sạch đất như dùng trục để nhận cỏ, dùng trục để băm nhuyễn đất ở những ruộng có nước. Khi phải kéo trục, ống trục lăn sẽ kéo dồn nước tạt qua hai bên, những con cá lóc, cá trê không chạy thoát kịp, bị trục lăn qua. Ở phần sau trục lúc đó không có nước, cá mắc cạn, người nông dân chỉ cần dùng roi trâu đập mạnh vào, cá sẽ chết. Bắt được khi quăng phảng phát cỏ ở ruộng có nước, nhiều khi phát cỏ, phảng chặt trúng cá lóc chết… Thậm chí, người dân chỉ cần dùng một cọng lá dừa để bắt lươn bên cạnh việc bắt lươn bằng ống trúm, đặt lọp, xúc bả, thụt hang… Người ta dùng cọng lá dừa (tuốt bỏ phần lá), đưa đầu nhỏ chấm vào mật con rắn trun đã được nhúng rượu, phơi khô để dành, rồi đưa đầu nhỏ cọng dừa luồn lách vào hang. Lươn gặp mật rắn trun như bị thôi miên, cắn cọng dừa ra theo (Lê Đảnh, 1996).
Việc bắt cá ở những thời điểm nào đó – nhất là lúc rút nước phơi đồng – còn thường xuyên hơn, phổ biến hơn là dùng ngư cụ để bắt cá.
1/ Lọp
Lọp có hình trụ tròn, đường kính trung bình 35 cm, dài 50 cm, được thực hiện từ những nan tre và bện chặt nhờ “dây choại” (một loại dây rừng), sau này bện bằng dây kẽm, dây gân. Đầu lọp có gắn hom, đường kính bằng đường kính của miệng lọp, đáy hom túm và xéo lên 1/3 thân lọp tính từ miệng, có gắn hom thứ hai có đáy túm hơn hom thứ nhất. Đáy lọp có gắn mặt bửng và có cửa để đổ cá ra. Ở cuối thế kỷ XIX, lọp được ghi nhận là “đồ dùng mà bắt cá, đương bằng tre giống cái bộng, hai đầu có đặt hai cái toi, cái chạy, vào đặng mà ra không đặng” (Huỳnh Thịnh Paulus Của, 1895 : 589). Cái toi là “đồ nhốt cá”, kết bằng tre vót nhọn, một đầu mở, mốt đầu tót, có thể cho cá chun vào mà không thể chun ra” (Huỳnh Thịnh Paulus Của, 1895 : 45). Dùng tay không mà bắt cá, như vậy chỉ kiếm tôm cá đủ ăn qua ngày.
Đêm khuya cồn rộng sông dài
Suốt đêm mò ốc nghèo hoài em ơi!
Như vậy, theo mô tả của Paulus Của, vào cuối thế kỷ XIX thì lọp có hai cái toi hay hai cái hom ở hai đầu.
Lọp thường dùng để bắt cá nên còn gọi là lọp cá, nhưng nông dân còn thực hiện những lọp nhỏ đường kính 15 cm, dài 45 cm để bắt tép, gọi là lọp tép hoặc thực hiện lớn hơn một ít để bắt tôm, gọi là lọp tôm. Lọp tép hay lọp tôm khi đặt thường có treo một miếng mồi để nhử tôm tép vào.
2/ Lờ
Lờ được đan từ những nan tre nhỏ, mỏng, chỉ sử dụng hai ba con nước đã hư (một tháng có hai con nước) chứ không được bện từ những nan tre to, sử dụng đôi ba năm như lọp. Cách làm lờ cũng đơn giản : Sau khi đan được một mảnh tre dài 90 cm, rộng 45 cm, người ta cột cuốn lại, có chừa lỗ để đổ cá ra. Hai đầu của lờ có gắn hai mặt dựng, có gắn hom ở giữa tạo lờ bánh ú, hay cuốn tròn lại, gắn một hay hai hom tạo lờ ống.
Lờ thường đặt ở khe nước chảy, ở giữa bọt cá sặc… Lờ bánh ú thường bắt được cá sặc, cá rô, gọi lờ cá sặc, bện chặt hơn để bắt lươn, gọi lờ lươn. Để bắt lươn phải nướng cá linh trộn cám, túm lá môn có khoét 1 – 2 lỗ rồi bỏ vào lờ để nhử lươn. Lờ ống thường đặt bắt cua, cá sặc…
TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long