Để đáp ứng nhu cầu ăn chay của tín đồ Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo… nhiều xóm nghề tại Vĩnh Long chuyên sản xuất chao, tàu hũ ky… ví dụ nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh. Xóm nghề này có từ lâu đời, được biết đến ít nhất từ những năm 30, 40 của thế kỷ này. Lớp người làm nghề này tại đây chủ yếu là người Hoa, sau này mới có cả người Việt. Tàu hũ ky làm bằng váng cô đặc của nước đậu nành nấu trong chảo, cho nên tàu hũ ky là loại thực phẩm có tính chất mát, rất ngon, tiện dụng, bổ dưỡng cho cả người ăn mặn lẫn ăn chay. Rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ tàu hũ ky như váng tàu hũ mới vớt lên, còn mềm, tươi, chưa khô, đem xắt miếng xào với tép bạc và thịt ba chỉ hoặc thái sợi nhỏ xào với bún và lòng gà. Tàu hũ ky ngâm mềm, ướp xì dầu, muối tiêu, chút xíu đường xong chiên dòn, ăn rất thơm ngon. Cá chẻm tươi hấp với tương hột và tàu hũ ky tươi, ăn với cơm nóng no đến căng bụng vẫn còn thèm.

Muốn làm món chè thì tàu hũ ky tươi đem thái sợi, nấu với đậu xanh hoặc hột gà cũng là món ăn ngon bồi bổ cơ thể.

Đặc biệt, tại chợ Vĩnh Long có hàng bánh phồng tôm ngon nổi tiếng, đó là bánh phồng tôm Kim Chi (tức bà Năm Tấn). Cơ sở sản xuất bánh này ở Cầu Lầu, Lò Rèn, TXVL.

Chỉ có những người dân “ruột thịt”, gắn bó cuộc sống của mình ở Vĩnh Long mới khám phá, cảm nhận được hết mọi đồ ăn thức uống đặc biệt riêng có của Vĩnh Long. Khí hậu nóng bức, ánh nắng chói chang làm cho người ta phải tìm tòi những chất uống cho “mát” vốn có sẵn tại môi trường thiên nhiên tại chỗ. Vẫn còn phảng phất dấu ấn của thời hoang dã trong phong cách ẩm thực của người dân vùng này. Như lá tu hú là loại cây làm hàng rào, thuộc cây hoang dã, có gai độc, nhọn, đụng vào là thịt da đau nhức, nhiễm độc, ấy vậy mà không hiểu vì sao, lá của nó lại rất lành, mát. Người dân Vĩnh Long vùng Trà Ôn dùng lá đó để giải khát bằng cách hái lá tu hú – ngắt nguyên lá non – đem ngâm trong ly nước lọc độ 15 phút, lá sẽ tiết ra một chất nhựa trong vắt, có mùi thơm nhẹ. Người ta không dầm lá ra vì sẽ bị đắng. Uống nước này dùng giải nhiệt, nó mát và dễ chịu, trong người nhẹ nhàng, sảng khoái.

Tương tự như vậy, cây rau nghễ mọc dưới sông là một loại cây có chất gây ngứa cho da, nhưng nếu hái lên, tước bỏ ngọn, lột bỏ vỏ bọc lá, bẻ cọng cỡ ngón tay ngâm trong ly nước lọc để uống thì nó sẽ cho cảm giác rất mát, giải nhiệt rất tốt trong mùa nóng.

Để giải nhiệt, tại huyện Bình Minh, người dân có tập quán dùng dao chặt cây gòn, nhựa cây tiết ra chất mủ, gỡ ra ngâm, uống rất mát. Mủ cây trôm là loại nhựa thường bám như ở cây gòn, ngâm uống cũng rất mát và mùi vị thật dễ chịu.

Đặc sắc nhất là bột nưa – có thể xem như bột sắn dây của miền Bắc – được chế biến từ củ nưa. Loại củ này nho nhỏ, trồng nhiều ở vùng Tam Bình, Vũng Liêm. Sau khi giã nhuyễn, bỏ trong nước, gạn lọc nhiều lần, người ta đem bột phơi khô, rây kỹ, mùa nóng quậy bột với nước, uống rất mát. Đây là thức uống được cư dân địa phương xem như một loại “thuốc” dân gian. Người bệnh tật, thương tích đều được thân nhân khuấy bột nưa cho uống vì họ cho rằng, bột nưa tính chất lành, tăng cường sức khỏe. Dân Trà Ôn cũng thích xay và lọc rau má để ép lấy nước, sau đó hòa vào nước dừa tươi uống cũng rất thơm ngon, giải nhiệt.

Ngoài nước dừa xiêm, người dân ở Vĩnh Long cũng thích uống nước trái thốt nốt. Nước này xông khói, thơm mùi lá cũng có tác dụng giải nhiệt. Nhiều thức uống ngoài mục đích giải khát còn để chữa bệnh. Sản phụ ở Vĩnh Long mới sinh xong, gia đình lấy lá tràm phơi khô, sao lên nấu cho uống hàng ngày thay nước vì dân gian quan niệm lá này có tinh dầu tràm, sản phụ uống sẽ được chắc bụng, ngừa được gió độc, cảm mạo. Thêm nữa, sản phụ cũng được cho uống nước nghệ tươi để nhuận máu huyết, lành vết thương… Những người bị đau bụng, nôn mửa đều được cho uống nước gừng tươi để ấm bụng, chữa bệnh no hơi, khó tiêu. Với những người bị táo bón, rễ cây đu đủ nấu sôi cũng có tác dụng như thuốc xổ v.v…

Rõ ràng, tất cả mọi thức uống truyền thống của cư dân Vĩnh Long đều xuất phát từ môi trường có mùa nắng nóng quanh năm. Người dân biết thử nghiệm tìm kiếm ở môi trường thiên nhiên quanh họ những loại thức uống hữu ích và vô cùng độc đáo kể trên.

Đề cập đến thức uống không thể không kể đến các loại rượu nếp, rượu gạo “đặc sản” của cư dân địa phương như rượu Hòa Hiệp ở Tam Bình, hoặc như rượu Sơn Đông ở Long Hồ hay rượu Quảng Đức An (38) ở Trà Ôn… Lò rượu Quảng Đức An có từ lâu đời, trước đây, mỗi ngày cung cấp cho thành phố và các tỉnh mấy chục tĩn rượu, mỗi tĩn khoảng 50 lít. Rượu ở đây ngon mà bí quyết là do bài men, rượu có nồng độ 40 – 45 độ.

Hiện nay, người dân Vĩnh Long cũng rất thích uống rượu Xuân Thạnh được sản xuất tại Trà Vinh. Vào mùa sầu riêng, dân Vĩnh Long mua rượu trắng ngon để ngâm sầu riêng, thường là loại sầu riêng múi màu vàng mỡ gà ửng, thơm ngọt ngào.    

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————

(38)Quảng Đức An là thân phụ của Tạ Thanh Sơn, người soạn ra bài “Nam bộ kháng chiến”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *