Trong nhà, tín ngưỡng thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ của người Việt là đậm nét nhất. Tại Vĩnh Long, tín ngưỡng này được thể hiện thật đặc sắc. Có những dòng họ lớn ở đây thờ gia phả tộc họ của mình bằng những hình thức độc đáo như chạm khắc thành một bảng được sơn son thiếp vàng trang trọng, đặt nơi một cái tran trên cao theo phong cách truyền thống từ miền Trung như tran thờ gia phả tại “Nguyễn phủ đường” của tộc Nguyễn tại huyện Bình Minh.
Về việc thờ cúng dòng họ của cư dân Nam bộ có tục cúng việc lề (4), thường tổ chức tại các từ đường, nhà thờ tộc họ của những dòng họ gốc gác từ miền Trung.
Trong gia đình đạo Cao Đài, nơi bàn thờ “Thầy” thường trên bức ảnh chư tiên – Phật – Thánh và biểu tượng con mắt. Bàn thờ này ngày thường được che màn hoặc rèm kín để giữ sự tôn nghiêm, chỉ khi cúng bái mới vén lên.
Trong gia đình Phật giáo Hòa Hảo tại Vĩnh Long, nơi bàn thờ cao nhất thờ tấm “trần điều” (là tấm vải đỏ) hoặc tấm “trần dà” (là tấm vải màu dà – màu nâu sậm) và ảnh Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Bên dưới là bàn thờ “Cửu huyền thất Tổ” (ảnh hưởng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương).
Trên bàn thờ tổ tiên, có gia đình còn đặt bài vị và thần chủ (bằng gỗ) với cách thờ phảng phất phong cách miền Bắc qua việc treo tấm trướng thêu làm nền phía sau di ảnh thờ. Còn phong cách thờ miền Trung là ảnh được đặt trên bàn thờ (chứ không phải tủ thờ) và trên một cái rầm cổ xưa bằng gỗ chạm trổ khéo léo, ví dụ bàn thờ ở gia đình họ Phan tại TXVL pha trộn theo phong cách vừa miền Bắc vừa miền Trung.
Trên diềm bao lam nơi gian thờ có nhà treo những tấm bảng có ba chữ to sơn son thiếp vàng ghi danh tính dòng họ của mình, ví dụ Mai phủ đường, Nguyễn phủ đường, Trần phủ đường…
Có thể nói, qua nhà cửa và cách bài trí, người ta dễ dàng nhận ra Vĩnh Long là vùng đất khá sớm đã quy tụ nhiều dòng họ lớn từ miền Trung vào.
Tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình cư dân tại Vĩnh Long cũng như tại Nam bộ còn khá đa dạng và còn giữ những tập tục xưa, như phong tục thờ vị thần bổn mạng ở tran thờ treo trên cao. Vị thần bổn mạng của ông chủ nhà được thờ phổ biến nhất là Quan Công. Ở một vị trí khiêm tốn hơn là một tran nhỏ thờ thần bổn mạng của bà chủ nhà, thường là “Cửu thiên huyền nữ”… Nơi gian thờ tự của một gia đình người Hoa tầng lớp bình dân tại thị trấn Tam Bình (5) có thể thấy ngoài bàn thờ Phật thờ Phật Thích Ca và Phật Quan Âm bàn thờ tổ tiên với bài vị họ Hứa, bàn thờ Quan Công là vị thần độ mạng ông chủ nhà, có cả chúa Tiên, chúa Ngọc là thần độ mạng của bà chủ nhà và bàn thờ cậu Tài cậu Quý là thần độ mạng con trai của ông chủ nhà.
Nhà trên của kiểu nhà truyền thống tại Vĩnh Long và Nam bộ có một “công thức” bày trí nội thất khá đồng nhất :
– Hệ thống bàn thờ, giường thờ, ghế tựa đặt sát vách trong, phân bố cả ba gian. Phía trước bàn thờ ở gian giữa đặt bộ trường kỷ gỗ quý được chạm trổ và cẩn xà cừ (nếu là nhà trung lưu, khá giả) hoặc bộ bàn ghế gỗ bình thường không chạm (nếu là gia đình bình dân). Có nhà còn bày thêm bộ xa-lông kiểu Tây phía trước bộ trường kỷ.
– Hai gian hai bên là chỗ đặt hai bộ ngựa (nếu gia đình giàu có thì bộ ngựa rất to, dầy, cẩn xà cừ sang trọng, còn trong trường hợp nhà bình dân thì chỉ là một hoặc hai bộ ván gỗ thường). Tại Vĩnh Long có những nhà xưa còn để lại cho đời sau thưởng lãm cách bài trí rất độc đáo, ví dụ bước vào nhà trên đã thấy treo một thủ quyển, có lẽ được thực hiện vào khoảng thế kỷ XIX. Thủ quyển khá to, hình dạng một quyển sách bằng gỗ mở rộng, chạm trổ tinh xảo. Bên trong nơi gian thờ tự thường treo các tấm liễn gỗ chạm trổ sơn son thiếp vàng hoặc nền sơn đen có nội dung như :
Thu thông (báo đáp)/ Diên phi ngư dước/ Diều bay cá nhảy/ Xuân tự (cúng tế)
Phước thường phổ (tăng phước)/ Đức lưu phương (sức để lại đời sau/) Đức thùy bối (Đức để lại cho con cháu).
Nơi một góc nhà còn treo tấm bảng gỗ quý chạm một bài thơ nhỏ của Thế Vinh Xương đời Xuân Khánh :
Mùa xuân ngủ dậy trễ
Nơi nơi nghe chim hót
Đêm đến nghe giọt mưa xuân lất phất
Hoa rơi ít nhiều…
Có thể nói, phong cách bài trí các bảng này thể hiện gia chủ thời ấy là người có học thức, tư tưởng tự do, khoáng đạt, đồng thời bộc lộ nề nếp gia phong, ước mong con cháu các đời sau luôn được hưởng phúc đức, thăng tiến…
Bình cổ Trung Hoa |
Tại xóm Cầu Miễu, xóm Cầu Chùa ở ấp An Hưng, cù lao An Bình, huyện Long Hồ có một cụm nhà cổ xưa, bề thế của dòng họ Nguyễn nằm yên bình giữa vườn cây trái rộng mênh mông của xứ cù lao. Đó là những ngôi nhà chữ đinh, kiến trúc truyền thống kết hợp với kiến trúc Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Phần lớn đồ đạc trong nhà đều cổ xưa quý giá, mỹ thuật, như tủ thờ, bàn ghế, bộ ngựa… đều bằng gỗ quý, chạm trổ và cẩn xà cừ tinh xảo theo đủ các phong cách Bắc, Trung, Nam, Trung Quốc… Rất nhiều độc bình to, chén, dĩa, hộp… bằng sứ men lam cũng như nhiều đồ dùng cổ xưa vẫn còn được giữ gìn tại các gia đình, các dòng họ lâu đời ở Vĩnh Long. Chính từ những ngôi nhà bề thế, đồ sộ cho đến những căn nhà nho nhỏ của giới công chức hay các căn nhà mộc mạc tre lá vùng nông thôn Vĩnh Long và tất cả những gì còn được lưu giữ trong các căn nhà đó đã thể hiện được sắc thái đặc trưng về văn hóa nhà cửa của cư dân Vĩnh Long.
Hiện nay, tình hình nhà cửa ở Vĩnh Long có nhiều xáo trộn, thay đổi so với trước. Chiến tranh và những biến động xã hội qua nhiều thời kỳ đã khiến nhà tại Vĩnh Long đa số chỉ là nhà bán kiên cố và thô sơ. Nhiều ngôi nhà to lớn, cổ xưa với phong cách kiến trúc truyền thống đã bị chiến tranh và thời gian góp phần hủy hoại. Nếu còn tồn tại tới nay thì hầu hết các nhà đều xuống cấp, hư hại nhiều do con cháu đời sau không đủ điều kiện để sửa chữa, phục hồi, bảo quản tốt.
Qua kết quả điều tra 1.290 hộ đại diện cho cả khu vực hành chính và nông thôn (6) tại Vĩnh Long thì :
– Nhà kiên cố : 14,25%
– Nhà bán kiên cố : 31,55%
– Nhà thô sơ : 54,2%
So với 1994, tỷ lệ nhà kiên cố tăng rất thấp (0,4%). Trong khi đó, tỷ lệ nhà bán kiên cố tăng khá cao (từ 27,9% tăng lên 31,5%).
Tỷ lệ nhà thô sơ giảm không nhiều (từ 57,91% còn 54,2%). Trong 2 năm 1995 – 1996, đời sống của người dân đã nâng lên một bước. Tỷ lệ nhà được ngói hóa (lợp ngói thay vì lợp tole, lá) ngày càng có xu hướng tăng lên, nhất là ở khu vực nông thôn của Vĩnh Long.
Theo biểu điều tra số 03 (ĐT-KTĐS) của Cục thống kê tỉnh Vĩnh Long về cơ cấu nhà ở của hộ gia đình dân cư (tính đến 1/1/97) thì nhà thô sơ ở nông thôn hiện nay còn chiếm tỷ lệ khá cao là 59,28% (gấp 2,6 lần thành thị). Số hộ ở nhóm thu nhập 1 (là nhóm có thu nhập thấp nhất) có tỷ lệ nhà thô sơ cao nhất : 73,76% và giảm dần đến nhóm 5 còn 30,39%. Riêng tỷ lệ nhà thô sơ ở nhóm 5 (là nhóm có thu nhập cao nhất) là 30,39% cho thấy 1/3 số hộ mới khá lên trong vài năm gần đây.
Tóm lại, nhà cửa của cư dân Vĩnh Long là một trong những yếu tố thể hiện sắc thái văn hóa của vùng đất này. Nhiều dòng họ lớn đa số gốc Huế và Trung bộ cư trú lâu đời tại Vĩnh Long và những ngôi nhà của họ là những ngôi nhà cổ, kiến trúc truyền thống, mang nguyên vẹn lớp văn hóa đặc trưng của Trung bộ, hoặc là những ngôi nhà kết hợp phong cách kiến trúc Việt và Pháp của những thập niên đầu thế kỷ XX hay nhà kiểu kiến trúc hiện đại ngày nay… Tất cả đều phản ánh nhiều thời kỳ lịch sử của Vĩnh Long nói riêng và Nam bộ nói chung, là nguồn tư liệu sống đầy quý báu, lý thú để tìm hiểu về lớp văn hóa cổ, lớp văn hóa truyền thống và hiện đại của cư dân Nam bộ xưa và nay.
TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
—————————————-
(4) Cúng việc lề là cúng các vị thủy tổ dòng họ của những lưu dân từ Trung vào Nam khẩn hoang, lập làng, là dạng “giỗ hội”, cúng gom ông bà quá vãng từ 4 đời trở về trước, cúng cầu an cho dòng họ, cúng thí thực cho vong linh những người chết khi tha phương khẩn hoang, không con cháu thờ tự v.v… Tín ngưỡng này chỉ có ở Nam bộ, là tín ngưỡng khá phức tạp, đa dạng vì bao hàm nhiều nội dung đan xen vào nhau. Tại Vĩnh Long, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Văn Nại, 73 tuổi – ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít – đúc kết về nội dung của tín ngưỡng này :
Trước là cúng việc lề,
Sau là cúng đất, cúng cô hồn, cầu an cho dòng họ.
Ông Nại còn cung cấp một bài khấn lúc cúng việc lề như sau : “… Hôm nay cúng việc lề, xin khấn vong linh ông bà, tổ tiên của dòng họ xưa kia đi làm đìa, làm đập, làm mắm ở Đốc Vàng, Hồng Ngự, Tháp Mười… mà không thấy trở về nhà. Nay trong họ xin cúng thỉnh, cầu ông bà phù hộ cho con cháu được mạnh giỏi, tai qua nạn khỏi… ”.
(5) Nhà ông Hứa Xây, chủ tiệm hủ tiếu, ấp II, thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Thân phụ ông từ Trung Quốc sang Việt Nam cách nay khoảng 50 năm.
(6) Tình hình đời sống dân cư tỉnh Vĩnh Long qua cuộc điều tra kinh tế – đời sống hộ gia đình năm 1996, Cục thống kê tỉnh Vĩnh Long, tháng 4/1997 (Tổng số địa bàn điều tra là 86 khóm – ấp thuộc 43 xã – phường – thị trấn đại diện cho các vùng kinh tế – xã hội trong tỉnh Vĩnh Long). Cuộc khảo sát phân bố theo nhóm thu nhập (từ thấp đến cả nhóm có mức thu nhập thấp nhất).