Những người thợ mộc tài giỏi ngày xưa còn để lại tác phẩm nghệ thuật của mình nơi chiếc kèo đùi ếch bề thế. Họ thả sức chạm trổ những mô-típ cổ điển nơi các đầu kèo như cá hóa long, nai tùng, long phụng… Trên thân kèo cũng như nơi lá dung đầu kèo còn được cẩn xà cừ tỷ mỷ. Có những nhà như nhà của dòng họ Phan tại TXVL là cả một công trình nghệ thuật. Khắp các cột, kèo đều chạm trổ và cẩn xà cừ cực kỳ khéo léo với những tràng hoa hay quả mặc sức chạy dài trên kèo, vòng xuống diềm các bao lam, tran thờ và diềm hai cửa buồng… Nét chạm vừa khỏe mạnh, vừa thanh thoát, bay bổng. Ngắm nhìn những nét cẩn xà cừ, chạm nổi, chạm chìm, chạm thủng với chim muông, hoa lá giăng mắc khắp cột kèo, ta cảm thấy như hòa mình vào vẻ đẹp của gỗ quý, của màu vàng óng, sắc đỏ, sắc mun và ánh ngời bóng bẩy ngũ sắc của xà cừ. Từng hàng cột to tròn bọc câu đối sơn son thiếp vàng sáng ngời, hoặc chạm xà cừ óng ánh trên gỗ mun cứ khơi dậy trong lòng ta – dù là kẻ lãng du xa lạ hay người con trở về mái nhà tổ tiên – một cảm xúc tôn kính về trình độ mỹ thuật, sự chuẩn mực của kỹ thuật và vẻ trầm lặng, sâu sắc của tâm hồn phương Đông.

Nhiều ngôi nhà xưa của tỉnh Vĩnh Long còn nguyên vẹn kiểu chạm trổ họa tiết cổ điển và cẩn xà cừ trên nền gỗ mộc. Đó là phong cách có trước cả giai đoạn sơn son thiếp vàng. Nội dung của các câu đối nơi những ngôi nhà xưa ở Vĩnh Long mới thật là lý thú. Những nhà nho xưa đã gửi lại mấy nét chấm phá đây đó trên thân cột, góp thêm nguồn văn liệu để nghiên cứu về vùng đất Vĩnh Long cây lành trái ngọt này. Nơi hàng cột quạnh quẽ trong những căn nhà tĩnh mịch chốn cù lao tứ bề sóng nước ở Vĩnh Long có những câu thơ hay và độc đáo như thế này :

Châu khí tự nghênh nhân, lan thất sinh hương doanh tuế nguyệt

Hương vân phương thập hộ, hòe đình triệu thụy khải đồ thư.

(Hơi cù lao tự đón người, nhà lan sinh mùi thơm đầy năm tháng

Mây làng mới vào cửa, sân hòe rạng điềm tốt mở ra việc học hành) (1)

Nơi bàn thờ chính trong gian từ đường của dòng họ Phạm tại huyện Long Hồ có dạng câu đối bày tỏ tấm lòng nhớ ơn cha mẹ như :

Hiếu hữu nhất gia thanh, tử kế tôn thừa phất thế

Chưng tường thiên cổ tại, xuân sương thu lộ mỗi hoài.

(Hiếu để nổi tiếng một nhà, con nối cháu truyền chẳng mất

Cúng thờ ngàn thuở giữ, sương xuân móc thu (2) thường nhớ).

Hoặc như câu đối trong “Mai phủ đường” tại xóm Chợ Mới, xã Thuận An, huyện Bình Minh như sau :

Vinh nghiệp sáng tiền nhân, thủ phác tồn thành thùy thế trạch

Nghĩa phương truyền cổ huấn, giáo nhân giảng nhượng chấn gia thanh.

(Cơ nghiệp khởi từ tiền nhân, giữ chất phác chân thành đời đời hưởng phúc

Đạo nghĩa vâng lời cổ huấn, dạy nhân đức nhường nhịn làm rạng danh nhà).

Điều may mắn là cho tới nay, tại nhiều nhà cổ vẫn còn nguyên những câu đối vừa đẹp vừa sâu sắc như các câu đối tại nhà họ Đồng (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) :

Trạch nội chiếm thanh phong, quế lan hinh úc

Môn tiền trình thụy khí, kiều tử (3) sâm la.

(Trong nhà đầy gió mát, lan quế thơm tho

Trước cửa bày điềm lành, nhà có phước được nhiều con).

Hoặc một câu đối hay khác :

Bộ ổn trước đài đồng ngoạn thưởng

Mưu duy yến dực đại kinh dinh.

(Gia đình bề thế vững vàng cùng vui vẻ với nhau

Để mưu hay cho con cháu làm nên sự nghiệp lớn).

Toàn bộ vách trước của mọi ngôi nhà gỗ xưa đều được chạm trổ bởi bàn tay tài hoa tỷ mỷ của người thợ. Họ đã điểm tô vẻ đẹp trầm lặng, trang nghiêm cho ngôi nhà. Từng khung vuông, khung chữ nhật đều được chạm theo nhiều chủ đề vô cùng phong phú nhưng không ngoài các mô-típ cổ điển, ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên hiền hòa, chúc phúc (như tứ linh, tứ hữu, quả lựu, lê, hoa mẫu đơn, hoa hồng, túi thơ bầu rượu, hà đồ bát quái… ). Hầu hết nơi gờ trên cửa đều có chạm hai “mắt cửa” bằng gỗ, hình tròn có núm, biểu tượng cho âm dương, nhật nguyệt. Nơi nhà ba gian hai chái, các khung và gờ cửa từng gian cũng được thiết kế và chạm trổ khác nhau tăng thêm vẻ bề thế, xinh đẹp cho ngôi nhà. Ví dụ nhà ông Huỳnh Kim Tiếng (ấp Phước Ngươn A, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) thì khung cửa gian giữa là dạng đòn võng cong tròn, hai gian hai bên là dạng đòn võng bẻ góc, còn hai chái ngoài cùng thì khung cửa hình vuông. Các khung làm bằng gỗ quý đen bóng, đường chạm tỷ mỷ, tinh xảo, thách đố với thời gian hàng mấy trăn năm qua.

Tiếp theo “dấu ấn” nhà xưa truyền thống người Việt tại Vĩnh Long mang “hơi hướm” của văn hóa miền Trung là “dấu ấn” của loại nhà ảnh hưởng phong cách kiến trúc phương Tây, cụ thể là Pháp.

Phong cách kiến trúc này đặc trưng kiểu thức kiến trúc cổ điển xuất hiện sau thời Phục hưng ở châu Âu với kiểu mái dốc, mái đua (cornice), kết cấu rầm chìa (consol) bằng gỗ đỡ mái để che mưa, nắng tạt vào nhà, các cột giả đỉnh tháp, trên đỉnh trang trí những trụ nhọn và dọc theo gờ đỉnh mái trang trí các đường diềm như ren v.v…

Nhưng tại Vĩnh Long phổ biến nhất là kiểu biệt thự và nhà phố được xây dựng theo phong cách pha trộn kiến trúc nửa Việt nửa Pháp, tức là nhà có gian thảo bạt với vách mặt tiền nhà cùng kiểu mái nhà xây theo kiến trúc Pháp, còn nội thất bên trong thì theo kiểu Việt với cấu trúc kỹ thuật nhà trính trỏng, có đủ hàng cột cái cùng hoành phi, câu đối, bao lam…

Mô-típ lá phiên thảo

Mặt tiền gian thảo bạt thời kỳ này tại Vĩnh Long tiêu biểu là khung cửa giả theo kiểu cuốn cung nguyên xuất xứ ở châu Âu với dạng cuốn vòng cung, thêm vào đó là hàng cột trụ theo cách thức cột cổ điển Hy Lạp – La Mã, đầu cột làm theo kiểu hỗn hợp, pha trộn giữa mô-típ hình cuộn của thức ionie và mô-típ lá acanthus (phiên thảo) của thức corinthian… Nơi gờ diềm tường gần mái thường có ốp một hàng gạch men in hoa và trang trí những mảng phù điêu thạch cao đắp nổi..

Bên trong phìng khách những ngôi nhà ảnh hưởng kiểu Pháp thời này thường phổ biến lối vẽ trang trí sơn màu trên trần nhà và xung quanh bốn bức tường những họa tiết hoa hồng, hoa huệ, hoa cúc hoặc dây nho theo kiểu Pháp.

Về phong cách trang trí nội thất nhà cửa của cư dân tại Vĩnh Long phổ biến nhất là dạng nhà ba gian hai chái, trong đó, ba gian giữa được dùng làm nơi thờ tự chính, còn hai gian chái hai bên đều làm hai buồng gói (phòng riêng). Áp sát vách ngoài của hai buồng gói, người ta thường đặt tủ kính để trưng bày đồ vật kỷ niệm của gia đình.    

Nhiều gia đình phong lưu tại Vĩnh Long đã sắp xếp một “không gian thờ tự” trong nhà hết sức trang trọng. Từ ngoài bước vào, ta thấy ba hàng cột to, ba bao lam chạm trổ sơn son thiếp vàng (hoặc cẩn xà cừ), ba hàng câu đối (gắn lên thân cột)… và nhìn sâu hút vào bên trong mới là khu vực thờ tự với các bàn thờ trang trọng, thể hiện nếp nhà nghiêm phong.

Qua cách thờ tự và trang trí nơi gian thờ trong nhà có thể hiểu được tôn giáo, tín ngưỡng hoặc dấu ấn văn hóa của gia chủ, ví dụ bàn thờ có chữ “Thọ” hoặc “Phước – Thọ” thường chỉ đặt nơi bàn thờ tổ tiên, thể hiện sự ảnh hưởng Nho giáo rất rõ rệt của gia đình.

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————

(1) Các câu đối Hán Nôm trong bài viết này đều do nhà nghiên cứu văn học Cao Tự Thanh dịch

(2) Sương xuân móc thu ý chỉ ơn cha nghĩa mẹ

(3) Kiều tử là hai loại câu, điển tích nói về hai cha con. Câu thơ trên đề cập đến kiều tử để chỉ cha con đông đúc vui vầy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *