Từ xưa đến nay, Vĩnh Long vốn nổi tiếng về nhà cửa khang trang, có nhiều nhà cổ xưa, kiên cố, xinh đẹp mà chủ nhân của nó là những điền chủ (chủ ruộng và chủ vườn trái cây), những công chức trung lưu, giáo viên… Điều đáng tiếc là hiện nay, nhiều nhà cổ bị xuống cấp, điêu tàn, suy sụp do không được quan tâm chăm sóc, sửa chữa, xu hướng xây nhà kiểu mới đang phát triển. Đó là dạng nhà đúc nhiều tầng, VLXD nhiều đá, thép, nhôm và kính. Nhà thường dân phần lớn xây gạch, lợp ngói. Điều thuận lợi là Vĩnh Long nổi tiếng sản xuất gạch ngói nhiều và rẻ nên có thể nhờ vậy mà nhà cửa của cư dân được khang trang hơn. Có vùng như huyện Mang Thít được mệnh danh là “vương quốc của gạch ngói” với trên 1.000 lò gạch. Nghề gạch là nghề truyền thống hàng trăm năm của cư dân trong vùng. Chỉ riêng huyện Mang Thít, sản lượng gạch ngói sản xuất hàng năm là 30.000.000 viên gạch ống, gạch thẻ, gạch tàu và ngói lợp nhà, ngói xóc nóc… Chất lượng gạch ngói Vĩnh Long cao nhờ các mỏ đất sét tại đây tốt, trữ lượng lớn. Hiện nay, tại những vùng nông thôn Vĩnh Long, phần lớn các mái nhà lá dừa nước của người dân đều được “xóc nóc” dọc trên đỉnh mái một hàng ngói bẻ đỏ au. Vĩnh Long có rất nhiều trại bán lá dừa nước cất ven sông rạch. Trữ lượng lá tại các trại này rất cao, có thể cung cấp đủ loại lá dừa nước dùng lợp mái, dựng vách nhà với số lượng không hạn chế và được ghe xuồng chở tới bất cứ nơi nào có nhu cầu. Đó là những tấm lá dừa nước chằm sẵn từng miếng theo kỹ thuật chằm lá truyền thống của người Khmer, hoặc lá xé để nguyên tàu lá chẻ dọc. Vĩnh Long có những xóm cư dân chuyên nghề chằm lá như giáp Phường 4 của huyện Long Hồ, xã Long Mỹ (Mang Thít), xã Mỹ Hòa (Bình Minh)… Ngoài ra, hầu như huyện nào của Vĩnh Long cũng đều có những trại mộc cung ứng vật liệu làm nhà cũng như sản xuất đồ mộc gia dụng như giường, tủ, bàn ghế… đủ cung ứng cho nhu cầu của cư dân địa phương.

Qua diện mạo nhà cửa tại Vĩnh Long có thể phân biệt được dấu ấn của các thời kỳ lịch sử, văn hóa, xã hội tại vùng đất này. Ít ra, ta cũng thấy được yếu tố văn hóa truyền thống của người Việt từ miền Bắc, miền Trung thể hiện qua nhà cửa ở Vĩnh Long. Đó là những căn nhà toàn bộ bằng gỗ, chạm trổ tỷ mỷ, mái ta, lợp ngói âm dương…

+ Về cấu trúc, kết cấu kỹ thuật nhà, chúng ta có thể tìm thấy ở Vĩnh Long những gì cổ xưa nhất thuộc kiểu nhà truyền thống của người Việt ở miền Bắc và chủ yếu là miền Trung. Một trong những điểm thú vị là kỹ thuật đóng kèo và đòn tay theo kiểu “guốc chèo”. Như ta biết, trên đầu của các cây chèo (dùng để chèo ghe, thuyền) đều được đóng một khúc gỗ ngắn, thẳng góc với cây chèo, tạo thành hình chữ T. Kết cấu này, cư dân Nam bộ gọi là “guốc chèo”. Chức năng của guốc chèo dùng làm điểm tựa, giúp cho cây chèo được chắc chắn, vững vàng, dễ sử dụng hơn trong khi người ta chèo ghe xuồng. Không rõ có phải từ cấu trúc chắc chắn của “guốc chèo” mà người ta có ý tưởng làm nên hệ thống kèo, đòn tay trên mái nhà chăng, hay là do hình dạng, cấu trúc của kèo và đòn tay kiểu này giống “guốc chèo” nên người ta gọi theo? Có một điều rõ ràng là nơi một số nhà rường rất xưa ở Huế cũng có kết cấu kèo và đòn tay dạng “guốc chèo” vừa kể. Điều này chứng tỏ là cư dân Vĩnh Long có gốc gác từ miền Trung và họ đã đưa theo vào Nam nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, trong đó có chi tiết kết cấu mái nhà dạng “guốc chèo”. Cấu trúc “guốc chèo” của kèo và đòn tay được xem như những điểm tựa chịu lực chắc chắn cho hệ thống mái nhà, ví dụ như hệ thống kết cấu“guốc chèo” ở nhà ông Lương Văn Ba, ấp Cái Cạn II, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít. Kỹ thuật này được giới thợ mộc ở Nam bộ gọi là thả kèo đòn tay hai giàn, trong đó, kèo và đòn tay được lắp mộng khít khao, không dùng đinh. Chỉ có những người thợ mộc thời xưa giỏi và nhiều kinh nghiệm mới thi công được kỹ thuật này. Đòn tay “guốc chèo” còn là thông số cho biết căn nhà đã rất cổ xưa, bởi vì cấu trúc ấy chỉ thích hợp với loại ngói âm dương, hoặc cùng lắm là ngói “vảy cá” là hai loại ngói xưa. Còn nếu lợp loại ngói móc (là loại ngói xuất hiện vào khoảng nửa sau thế kỷ XX) thì hệ thống mái phải là cấu trúc đòn tay ba giàn như hiện nay chứ không phải hai giàn như đòn tay “guốc chèo”, bởi vì kỹ thuật đòn tay “guốc chèo” mà lợp ngói móc thì sẽ bộc lộ ngay nhược điểm, đó là mái nhà sẽ bị dột, vì chỉ cần bước chân của một con mèo cũng có thể làm xô lệch ngói. Xưa kia, kỹ thuật kèo và đòn tay“guốc chèo” phần lớn chỉ thiết kế tại những nơi trang nghiêm như mái đình, miếu hoặc nhà từ đường của những dòng họ lớn chứ hiếm khi thực hiện ở nhà dân.

Dù sao, với cái tên gọi đòn tay “guốc chèo” dễ khiến ta có sự “đồng cảm” với tâm thức về ghe thuyền, thích hợp với một vùng văn hóa sông nước như Vĩnh Long.

Thật khó hình dung bộ sườn, vách một ngôi nhà truyền thống của người Việt mà lại thiếu vật liệu gỗ. Tại Vĩnh Long, toàn bộ gỗ của sườn nhà xưa đều được lắp ghép tự nhiên bằng kỹ thuật cao, không dùng bất cứ cây đinh nào. Các bức vách gỗ, kèo, hoành phi, câu đối, bàn thờ, bao lam… đều được chạm trổ tinh xảo. Đó là những công trình kiến trúc tài hoa, mỹ thuật, cực kỳ công phu, tưởng như bao nhiêu tinh hoa, vẻ đẹp phương Đông đều được những người thợ tài hoa gửi gắm hết vào đó.

Nhiều nhà xưa bằng gỗ ở Vĩnh Long được xây dựng toàn bằng các danh mộc chọn lọc như nhà ông Phan Thới Lầu tại huyện Bình Minh được xây toàn gỗ quý, chắc như lim, căm-xe, cà chất… Cột được mua từ Campuchia  thả bè chở về Vĩnh Long theo ngả sông Hậu. Xưa kia, ông thân sinh của ông tín nhiệm thợ mộc miền Trung – vốn nổi tiếng khéo và giỏi – nên rước họ từ Mộ Đức (Quảng Ngãi) và Bình Định vào làm nhà. Còn về thợ chạm trổ, cẩn xà cừ cho các bức liễn, câu đối, bao lam, tran thờ trong nhà… cha của ông phải đi mời cho kỳ được ông Mười Dư vốn là thợ chạm nổi tiếng ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) về làm. Các nghệ nhân này được nuôi ăn – ở, làm việc trong nhà hàng mấy tháng, thậm chí cả năm, cho tới khi xong việc.

Tại Vĩnh Long có nhiều ngôi nhà gỗ quý mang phong cách Huế rất đặc sắc. Chủ nhân của các nhà này thuộc những gia đình dòng họ quan lại, quý tộc bề thế ở Huế. Nhà được tháo rời đưa từ Huế vào Vĩnh Long ráp lại. Điều này đủ thấy tâm thức hướng về cội nguồn gia tộc của người Vĩnh Long sâu nặng đến bực nào, bởi vì họ chỉ thấy an tâm, thoải mái khi được hít thở bầu không khí trang trọng quen thuộc trong chính gian nhà cổ truyền của tổ tiên mình xây dựng nên, ví dụ nhà của gia tộc họ Phạm ở Vĩnh Long.

“Phong cách Huế” trong những ngôi nhà xưa ở Vĩnh Long thể hiện rất rõ, như vị trí tran thờ to treo nơi bức vách chính trên cao chạm sát mái nhà của gian nhà thờ tự. Hầu hết kiểu nhà truyền thống miền Trung đều có tran thờ loại này và tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng, mỗi gia đình mà thờ những đối tượng khác nhau nơi vị trí thờ trang trọng này. Ví dụ có gia đình thờ Phật tại tran thờ này, có gia đình thờ ảnh Chúa, có gia đình thờ Tiên sư (tức Tổ sư nghề truyền thống của gia đình, dòng họ), có gia đình thờ ông bà tổ tiên, có gia đình thờ vị thần độ mạng nam của ông chủ nhà v.v…

Thông thường mỗi nhà chỉ có một tran thờ, nhưng cũng có nhà ở Vĩnh Long còn thiết kế ba tran thờ trên cao sát mái, dàn hàng chiếm suốt bề ngang gian căn nhà chính như nhà ông Phan Thới Lầu – Bình Minh. Tran thờ bằng gỗ quý, được chạm trổ tỷ mỷ, để mộc hoặc sơn son thiếp vàng. Trên đỉnh tran thờ được chạm lưỡng long chầu nguyệt, chung quanh chạm thủng tứ linh, tứ hữu…

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *