3/ Cư trú tại cù lao
Vĩnh Long có nhiều cù lao như cù lao Lục Sĩ Thành (xưa gọi là cù lao Mây – Vân Châu) ở Trà Ôn, cù lao Năm Thôn (cù lao Dài – Trường Châu) ở Vũng Liêm, cù lao An Bình, cù lao Bình Hòa Phước ở Long Hồ… Cư trú tại vùng cù lao là dạng cư trú khá đặc trưng tại Vĩnh Long.
Đất cù lao giữa sông – ở đây là sông Tiền, sông Hậu – thường được cấu tạo và bồi đắp bởi trầm tích của phù sa sông. Khi chưa có người ở, cù lao là vùng nê địa, hoang dã, cây cối um tùm, đủ loại thú dữ như cọp, trăn, cá sấu, rắn độc… Dần dần mới có con người đến cù lao khai phá sinh sống, họ phải trải qua bao nhọc nhằn trong việc khẩn hoang. Thời Pháp thuộc, các cù lao hoang vu kể trên là nơi dung thân của những người trốn thuế thân của thực dân hoặc trốn pháp luật. Họ cam chịu thân phận như bị lưu đày cô độc giữa bốn bề sông nước. Lâu dần, người đến cù lao lập nghiệp, khai phá sinh sống ngày càng đông. Đất cù lao nhiều phù sa, năng suất gieo trồng khá cao, nhất là trồng cây ăn trái. Để đảm bảo cuộc sống nơi đây, người dân đương đầu với thiên nhiên bằng cách sáng tạo hình thức đắp bờ bao quanh cù lao để ngăn nước và giữ nước, chủ động tưới tiêu cho các khu vườn cây ăn trái. Dân cư sống tại cù lao ngày càng đông, như cù lao Thanh Bình (xã Thanh Bình) ở huyện Vũng Liêm, với diện tích 2.573 ha có trên 13.000 cư dân. Thường đất cù lao ở Vĩnh Long thích hợp trồng các loại cây như long nhãn, nhã da bò, sa-bô-chê, bưởi, cam sành… Những loại này cho năng suất và hoa lợi cao gấp 3 – 4 lần trồng lúa. Do đất cù lao cao ráo, thoáng mát, yên tĩnh, nhiều nhà giàu có đã chọn nơi đây để sinh sống như các cù lao Quới Thiện ở Vũng Liêm, cù lao Bình Hòa Phước ở huyện Long Hồ… Dọc bờ sông rạch của cù lao Bình Hòa Phước, hàng chục biệt thự kiến trúc kiểu Pháp của một vài dòng họ điền chủ lớn tồn tại bao đời nay (như dòng họ Phạm, họ Nguyễn, họ Đồng, họ Lê… ). Nhà nào cũng đồ sộ, rộng mênh mông, vườn cây quanh nhà có hàng rào sắt, cổng sắt. Ví dụ như nhà ông Hai Hoàng, ông Sáu Thông, ông Cai Tường, ông Tám Tiến, bà chủ Tri…
Trước các cụm nhà ven sông ở cù lao đều có bến dùng để neo ghe, xuồng. Bến neo này giống chiếc cầu dốc, là những tấm ván dài hoặc bằng xi-măng, cắm chân cột xuống sông. Ghe đậu vào thì cột dây neo ở chân cột. Còn với những biệt thự bề thế, cổ xưa tại cù lao Bình Hòa Phước thì nhà cầu mát neo ghe thường có kiểu như nhà thủy tạ, xây dựng bằng vật liệu kiên cố, mái lợp ngói âm dương.
Nhà cửa tại cù lao ở Vĩnh Long đều mang một phong cách riêng, hầu hết đều là nhà vườn, cổng ngõ dù vững chắc hay thô sơ cũng ít khi đóng chặt theo kiểu “kín cổng cao tường”, mà luôn mở, thể hiện tấm lòng hiếu khách. Thêm nữa, điều này cũng chứng tỏ đời sống ở cù lao hiền hòa, thanh bình, ít kẻ gian. Chọn đất cù lao để sống tức là chọn cư trú nơi tĩnh mịch, thích nếp sống theo phong cách tĩnh lặng, thanh thản, vì đời sống ở cù lao tứ bề sông nước bao giờ cũng tách biệt với cuộc sống thị tứ ồn ào, sôi động. Không khí trên cù lao yên tĩnh, người ta thường chỉ nghe tiếng chim hót trong vườn, nghe tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng khua nước của mái chèo, tiếng cuốc đất thong thả đắp bờ bao, tiếng ru trẻ em ngủ văng vẳng, tiếng của những người khiêng các cần xé đầy ắp trái cây ra ghe, tiếng chuông mõ rời rạc của một ngôi chùa hoặc am miếu nào đấy…
Cù lao đất Vĩnh Long là nơi cư ngụ lâu đời của nhiều gia đình dòng họ phong lưu, của nhiều nhà Nho, công chức, giáo viên hưu trí. Họ đưa nếp nhà Nho phong, đưa cuộc sống ẩn dật vào chốn cù lao. Ta có thể bất chợt vào bất cứ ngôi nhà nào ở cù lao cũng đều được mời mọc ân cần, được đàm đạo với gia chủ hiếu khách, được mời uống tách trà nóng ướp hoa lài và vài loại trái cây tươi chong mới được hái vội ngoài vườn, đúng như ý nghĩa mộc mạc của hai câu đối nơi hai cây cột của cổng một ngôi nhà vườn thanh bạch tại một cù lao ở Vĩnh Long.
Gia tích thiện hiền lương xuất nhập
Môn nhân từ giai khách vãng lai.
(Nhà tích thiện thì người hiền lương ra vào
Cửa nhân từ thì khách quý tới lui).
4/ Cư trú ven sông
Dạng cư trú tiêu biểu nhất của vùng sông nước Nam bộ là những làng – xã phân bố dài ven sông. Ngay từ thời khẩn hoang, cư dân đã chuộng sinh sống gần nguồn nước ngọt, vì nước là nhu cầu hàng đầu của cuộc sống trong sinh hoạt và sản xuất, thứ đến là tiện cho giao thông đường thủy. Sống gần sông rạch là một trong những loại hình cư trú đầu tiên tại vùng Gia Định xưa. Làng – xã ra đời hình thành theo dạng ven sông rất nhiều. Địa hình Vĩnh Long nhiều sông rạch nên mật độ cư trú ven sông rất cao. Ngày nay, người ta lấn diện tích ra sát bờ sông, hình thành dạng nhà cửa nửa trên bờ, nửa dưới sông. Các trại ghe, lò gạch thi nhau chiếm lĩnh bờ sông để thuận tiện cho sản xuất, lâu dần làm mất đi vẻ đẹp của những xóm làng êm đềm sau chòm cây bên kia con đường nhỏ chạy dài ven sông.
TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long