Lễ Ok Ombok cũng được tổ chức tại chùa. Ngoài việc tụng kinh, thọ trai giới và nghe thuyết pháp, nghi thức lễ “chào mặt trăng” cũng được tiến hành tương tự như được trình bày ở trên, nhưng không khí vui tươi, náo nhiệt hơn. Tại nhiều nơi, người ta còn chuẩn bị trước đèn giấy để tối hôm đó thả cho chúng bay lên trời trong tiếng reo hò, tiếng trống cổ vũ cho người thả đèn. Ở những chùa gần sông rạch, người ta cũng thả bè có kết đèn trên sông. Bè cũng được làm bằng bẹ chuối như từng gia đình làm nhưng lớn hơn, theo hình một ngôi đền, có gắn cờ phướn, bên trên đặt lễ vật gồm trái cây, bánh kẹo… Sau khi cùng sư sãi tụng kinh, người ta đưa bè ra bến sông trong tiếng trống xà-dăm rộn ràng… Tại bến sông, người ta thắp sáng các ngọn đèn đặt trên bè rồi đưa bè xuống sông cho chúng từ từ trôi theo dòng nước, chiếc này nối chiếc kia trong tiếng hoan hô, tiếng trống thôi thúc… nhằm xua tan bóng tối và bệnh tật. Chờ cho bè trôi xa, người ta trở lại sân chùa, tiếp tục vui chơi cho đến khuya.
Ở Vĩnh Long, lễ Ok Ombok được tổ chức tuy không có các cuộc đua ghe ngo, không có thả đèn bay và thả đèn trên sông, nhưng để duy trì nếp sinh hoạt cộng đồng, người Khmer cũng tập trung về chùa để làm lễ đón trăng. Trẻ con cũng được đút cốm dẹp, được chia quà bánh và thanh niên tổ chức biểu diễn văn nghệ.
***
Người Khmer ở Vĩnh Long có quan hệ khá chặt chẽ với người Khmer trong các tỉnh vùng ĐBSCL. Trước hết, đó là quan hệ của cùng một cộng đồng tộc người, sau nữa, thông qua sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo Tiểu thừa và các lễ hội dân gian. Chúng ta cũng biết rằng, hàng năm, trong khắp vùng đồng bào Khmer có nhiều thanh niên vào chùa tu và họ có thể theo học trong nhiều chùa khác nhau, từ nơi này có thể đến tu học tại một ngôi chùa ở nơi khác tùy theo mối quan hệ gia đình người này với ngôi chùa vào tu và mặt khác là theo sự phân bổ sư sãi đến tu học ở từng chùa trong các chùa của người Khmer của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong mối quan hệ đó, người Khmer ở Vĩnh Long và Trà Vinh vốn thuộc Cửu Long mới tách ra từ cuối năm 1991 (1). Bên cạnh đó, quan hệ của người Khmer với người Việt, người Hoa vốn đã diễn ra từ lâu trong quá trình khai thác vùng đất Vĩnh Long. Biểu hiện của mối quan hệ phản ánh qua sự cư trú xen kẽ, qua quan hệ hôn nhân, tiếng nói tham dự các lễ hội cộng đồng của nhau… Đỉnh cao của mối quan hệ anh em Việt – Hoa – Khmer ấy là tinh thần đoàn kết đấu tranh chống thực dân và đế quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần cho thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vừa qua.
TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
————————————-
(1) Tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được tái lập trên cơ sở chia tỉnh Cửu Long, tách làm hai tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10 ngày 26/12/1991. Tỉnh Vĩnh Long có diện tích tự nhiên là 1.489, 34 km vuông, tỉnh Trà Vinh có diện tích tự nhiên là 2.363,03 km vuông.