Chiều hôm ấy, mọi người cũng tập trung tại chùa để thực hiện nghi thức đắp núi cát. Ở nhiều nơi, thay vì dùng cát, người ta dùng lúa hoặc gạo để đắp “núi cát”, có nơi vừa đắp núi cát vừa đắp “núi lúa” hoặc “núi gạo”. Dưới sự hướng dẫn của ông Achar Maha, người ta dùng gạo đắp thành 9 ngọn núi ở hành lang chùa và theo 9 hướng khác nhau. Những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, trong đó, ngọn núi ở trung tâm vũ trụ tượng trưng cho núi Meru là trung tâm của vũ trụ. Lễ đắp núi cát kết thúc bằng nghi thức làm lễ quy y cho núi.
Ngày thứ ba được gọi là ngày “Lơn sak” với các nghi thức chính là cầu siêu và tắm tượng Phật. Sáng hôm ấy, sau khi các sư sãi dùng điểm tâm xong, tất cả Phật tử vào lễ Tam Bảo, thực hiện nghi thức thọ giới và đọc kinh cầu nguyện. Kế đó, các gia đình đem lễ vật gồm gạo, vải (màu vàng hoặc màu trắng và không dùng bất cứ loại vải nào có màu khác), đường, sữa… dâng cho các sư sãi. Tiếp theo là lễ đọc kinh cầu siêu cho những người đã quá vãng. Khoảng một giờ trưa, sau khi dùng cơm và sư sãi nghỉ ngơi một chút, mọi người tập trung tại tháp, nơi đặt tro cốt của người quá vãng. Lễ cầu siêu tại tháp kéo dài trong một giờ. Một số gia đình có thể mời sư sãi đến nhà để cầu siêu cho ông bà cha mẹ hay người thân đã quá cố.
Đến khoảng hai giờ, người ta chuẩn bị lễ tắm tượng Phật. Trước hết, người ta đặt một cái bàn, trên đó có bày đầy đủ hoa quả, nhang đèn ra giữa sân… ở nơi sạch sẽ. Sau đó, sư sãi và Phật tử vào chính điện thỉnh tượng Đức Phật ra, đặt trên bàn. Vì có nhiều tượng Phật và có những tượng rất lớn, không thể di chuyển được nên người ta chỉ thỉnh tượng trưng một tượng Phật để làm lễ tắm tượng Phật mà thôi. Trước tượng Đức Phật, chư tăng đọc kinh sám hối và sau đó dùng một cành hoa nhúng vào nước có hương thơm để tắm tượng Phật bằng cách vẩy nước thơm vào tượng. Sau đó, moi người tuần tự đến trước tượng để làm lễ Đức Phật. Đến đây thì Phật tử dùng nước thơm để vẩy lên người các vị sư để tỏ lòng tôn kính và cũng từ đó, mọi người cùng té nước vào nhau để chúc mừng và cầu xin sự may mắn. Đối với người Khmer, nước là biểu tượng của sự sung túc và may mắn. Đây cũng là nghi thức kết thúc hội lễ Chol Chnam Thmay nhưng cũng là sự tiếp nối cuộc vui trong những ngày đầu năm mới. Giàn ngũ âm trỗi lên những điệu nhạc tưng bừng, náo nức và không ai bảo ai, tất cả cùng đứng lên, bắt đầu các điệu múa ram wơn… Các hoạt động văn nghệ vui chơi kéo dài cho đến tận nửa đêm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không phải bất kỳ ngôi chùa Khmner nào cũng có giàn nhạc ngũ âm, thí dụ như trường hợp của các chùa trong xã Tân Mỹ và Trà Côn là không có. Nhằm giúp người Khmer trong xã Loan Mỹ – một xã vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long và đồng bào Khmer ở đây còn nhiều khó khăn – duy trì những sinh hoạt văn hóa truyền thống của mình, tỉnh đã tặng cho chùa Kỳ Son một giàn ngũ âm.
TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long