II. HỆ PHÁI DU TĂNG KHẤT SĨ
Vĩnh Long là cái nôi của Phật giáo Du tăng khất sĩ. Khác với các hệ phái, hệ phái Du tăng khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang (1923 – 1954), tên thật là Nguyễn Thành Đạt, người làng Phú Hậu, huyện Tam Bình thành lập. Năm 15 tuổi, ông sang Campuchia tu học và nghiên cứu giáo pháp. Đến năm 1943, ông trở về nước, sang Mỹ Tho và bắt đầu truyền bá giáo lý Phật giáo do ông khởi xướng. Giáo lý hệ phái Du tăng khất sĩ là giáo lý kết hợp tinh hoa của Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông. Kinh kệ và giáo lý đều được ghi chép bằng chữ quốc ngữ, dễ đọc, dễ hiểu, phổ biến nhanh. Năm 1946, số tu sĩ trong tăng đoàn và số tín đồ đã quy y khá đông nên phát triển về Sài Gòn. Cuối năm ấy, tăng đoàn trở về Vĩnh Long, xây dựng tịnh xá Ngọc Viên (nay thuộc Phường II – TPVL). Đây là ngôi tịnh xá đầu tiên của hệ phái này.
Sự ra đời của hệ phái Du tăng khất sĩ gây chấn động lớn. Chỉ trong thời gian ngắn, sư Tổ Minh Đăng Quang đã hoàn chỉnh hệ thống giáo lý, có trên 100 tăng ni và khoảng 1.000 tín đồ. Do đề xướng một hệ pháp Phật giáo thích hợp với xã hội, phát triển nhanh, nên sư Tổ bị kẻ ngoại đạo có thế lực hãm hại vào tháng 2/1954 trên đường từ Vĩnh Long sang Cần Thơ hành đạo.
Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, tăng ni đệ tử của Ngài chia ra 14 đoàn, phân công hành đạo khắp nơi. Trong số đó có nhiều tăng ni nổi tiếng như sư Giác Tánh, Giác Chánh, Giác Nhu, Giác Tịnh, Giác An, Giác Nhiên… Ni sư Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Ngân Liên, Ngoạt Liên… Theo thống kê 1994, toàn quốc đã có 250 tịnh xá và 1.500 tăng ni theo hệ phái Du tăng khất sĩ, một hệ pháp Phật giáo trẻ trung, có nhiều khả năng phát triển.
Đạo Phật có mặt ở Vĩnh Long rất sớm do ông cha ta đưa từ vùng ngoài vào. Khi cuộc định cư đã có nề nếp, làng xã thành hình, các thiết chế văn hóa như đình, chùa, miếu, võ được tiếp tục xây dựng. Đương nhiên, các ngôi chùa làng đầu tiên rất đơn sơ. Bên cạnh đó còn có thể có những am cốc tư nhân bằng tre lá. Cũng có thể có những chòi tranh của mục đồng. Sau đó tất nhiên sẽ được trùng tu và phát triển. Còn các đại già lam do các cao tăng từ các nơi lặn lội tới thành lập nhằm mục đích tu hành và truyền bá giáo lý của đức Phật lại xuất hiện muộn màng hơn.
Vào thời Pháp thuộc, mặc dù Phật giáo ở Vĩnh Long có phát triển, số tăng ni, phật tử có tăng, một số tự viện được trùng tu xây dựng, (đặc biệt trong giai đoạn này, tại Vĩnh Long có những đại thí chủ như gia đình họ Trần đã xây dựng chùa Bửu Long (Vũng Liêm) và nhiều ngôi chùa khác ở Tây Ninh, Hà Đông (miền Bắc), bà Trương Thị Loan đã xây dựng chùa Giác Thiên, 5 ngôi chùa ở TXVL nằm ở khu vực sông Long Hồ, bắt đầu bằng chữ “Long” tương truyền do bà Trương Thị Loan (bà Phủ Y) góp phần xây dựng là các chùa Long Khánh, Long An, Long Phước, Long Thành, Long Thiền, ông Hương cả Nguyễn Văn Gồng đã xây chùa Đông Hậu (nay là chùa Phước Hậu)… nhưng nhìn chung, Phật giáo ở địa phương như một cỗ xe đang trên đà xuống dốc. Mãi đến năm 1931, do ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, nhất là do phong trào tiến bộ xã hội bên ngoài thúc đẩy, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ bắt đầu, tạo bộ mặt mới cho Phật giáo ở Vĩnh Long.
a/ Đầu tiên, các cao tăng và cư sĩ có nhiệt tâm với đạo pháp lập Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn), xuất bản tờ Từ bi âm, gây tiếng vang lớn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn đã phát hiện trong nội bộ có những thành phần tay sai chính quyền thực dân đô hộ chui vào nhằm mục đích kềm kẹp, theo dõi. Do đó, những người có nhiệt tâm thật sự lần lượt rút lui. Thế nhưng Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội vẫn còn những cao tăng hoặc những người có nhiệt tâm với đạo pháp vì Hội này là chỗ dựa vững chắc, ít bị chèn ép, hiếp đáp.
b/ Đầu năm 1934, Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Khánh Hòa… kết hợp với các cao tăng vùng Trà Vinh, Vĩnh Long… thành lập Lưỡng xuyên Phật học hội. Hội Lưỡng xuyên Phật học đặt tại chùa Long Phước (Trà Vinh), xuất bản tờ Duy tâm Phật học. Hội Lưỡng xuyên còn mở trường đào tạo tăng tài, Hòa thượng Khánh An (chùa Phước Hậu – Trà Ôn) được phân công làm giảng sư. Có thể nói giai đoạn chấn hưng Phật giáo (1931 – 1945), đa số các chùa vùng Vĩnh Long đều tham gia Hội Lưỡng xuyên Phật học.
Cũng trong giai đoạn này, tức cuối năm 1934, nhiều chùa ở Vĩnh Long tham gia Thiên thai Thiền giáo Tông liên hữu hội. Hội này đặt trụ sở tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa), phổ biến tờ Bát nhã âm.
Có thể nói tại Vĩnh Long trong giai đoạn này đã bắt đầu tái thiết được nền tảng đạo pháp và dân tộc (tư tưởng nhân đạo của Phật giáo đã gặp được tư tưởng yêu nước của quần chúng). Chùa Bửu Lâm (tại nền Đình Khao) có câu đối bộc lộ tôn chỉ đó :
Vạn cổ cải cách tăng đồ, đề xướng tự do truyền chánh pháp
Thiên thu duy tâm Phật học, yêu cầu bình đẳng độ chúng sinh.
Đến năm 1945, nhiều tín đồ Phật giáo trong tỉnh Vĩnh Long tham gia cướp chính quyền. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, số tăng ni, phật tử đã tham gia cuộc kháng chiến cứu nước với tư cách hội viên Hội Phật giáo cứu quốc Vĩnh Trà (Vĩnh Long – Trà Vinh) do sư Hoàn Tâm (trụ trì chùa Phật giáo ở Trà Ôn) làm Hội trưởng và sư Hoàn Thông (trụ trì chùa Hội Thắng ở Cầu Kè) làm Hội phó. Đã không ít nhà sư đóng góp công lao đáng kể vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như thầy Minh Quang, Hoàn Thiện, Hoàn Triều, Chánh Đức… đã “cởi áo từ bi, khoác chiến bào” và có thầy đã hy sinh tại mặt trận.
Nếu giai đoạn trước kia, vào khoảng năm 1929, chùa Huệ Đường Minh Sư (phái của thầy Võ Nhật Tân) ở Vĩnh Long là trụ sở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thì sau này, chùa Bồ Đề (Bình Minh), chùa Phật Quang và Phước Hậu cũng là cơ sở che giấu cán bộ cách mạng. Đặc biệt là Hòa thượng Thiện Hoa (chùa Phước Hậu), ngoài sự nghiệp đối với đạo pháp, giai đoạn 1966 – 1973, ngài làm Viện phó rồi Viện trưởng Viện Hóa Đạo – Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, đã có nhiều hoạt động cảm tình, có lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long