Lễ cúng miễu

Lễ cúng miễu mang tính dân dã, ban tổ chức cúng kiếng cũng mang tính dân gian. Ở Nam bộ, việc đình miếu đã bớt tính chính thống. Thời cận đại, giới phụ nữ có thể đến lễ bái hoặc tham gia một số công việc một cách tự nhiên. Thế nhưng việc tổ chức và tế lễ đều do giới đàn ông đảm nhiệm. Trái lại, lễ cúng miễu thì bình dị hơn. Cả nam nữ, già trẻ đều có thể đến cúng lạy. Ban tổ chức cúng kiếng có thể là một bô lão, một trùm ấp, một nông dân, một phụ nữ. Lễ vật cúng kiếng biểu hiện cho tấm lòng của bà con trong xóm. Trừ một số lễ bị cấm kẹp theo truyền thống, nhìn chung không có quy định khắt khe như lễ cúng đình.

Chương trình lễ cúng miễu là chương trình lễ kỳ yên thu gọn. Tùy theo đối tượng của miếu thờ phượng, có lễ chia ra làm 3 loại lễ cúng miễu :

+ Lễ cúng miễu ông

Miễu ông là miễu thờ các vị nam thần xuất phát từ văn hóa Hán – Việt, gồm có Quan Công, Thổ địa, thần Nông. Nghi lễ cúng miễu ông là nghi lễ Nho giáo, gồm có các lễ : thỉnh Tro (thỉnh lư hương từ đền thờ chính về miễu, mang ý nghĩa thỉnh thần về dự lễ), cúng Tiến Yết, Chánh cúng, cúng Tiên sư, Tiền vãng (tức là những bậc đàn anh có công với xóm ấp, những người đứng ra lập miễu). Những nơi có điều kiện có thể dùng nghi thức tế với nhạc lễ, nhạc sanh… thay vì dùng nghi thức cúng vái bình thường.

Trừ những nơi thờ Quan Công phải có ba ngày vía (vía sanh ngày 13 tháng Giêng âm lịch, vía tử ngày 13 tháng Năm, vía hiển Thánh 23 tháng Sáu. Vía sanh, vía tử có thể cúng mặn. Riêng ngày vía hiển Thánh, người ta tin Quan Công đã quy y Phật giáo nên cúng chay). Còn các miễu thờ Thổ địa hoặc thần Nông chỉ có hai ngày lễ gọi là lễ xuất tế hay lễ thu tế, lễ Hạ điền và lễ Thượng điền. Các ngày vía này do địa phương quy định, không thống nhất. Gần đây, tín ngưỡng Phật giáo tràn về nông thôn nên nhiều miễu khi cúng có mời sư đến tụng kinh cầu an cho bà con trong xóm ấp.

+ Lễ cúng miễu cô hồn

Chương trình cúng miễu cô hồn cũng giống như chương trình cúng miễu ông, tức là có các nghi tiết cúng (hay tế), tiền vàng, tiền sư, Tiền yết và Chánh cúng. Ngoài ra, khi cúng miễu cô hồn còn phải mời sư đến tụng kinh cầu siêu và khí thực cho cô hồn. Những nơi có điều kiện, lễ cúng cô hồn kéo dài ra 3 ngày, mời nhiều sư đến “ứng phú” và giàn nhạc lễ đến làm lễ theo khoa nhi Phật giáo như : lễ Hưng tác, lễ Khai chung bản thỉnh Phật, thỉnh Tổ, lễ Chiêu u, lễ Đề phan, lễ Tịch trù cấp thủy, lễ Lược pháp, lễ thỉnh Thập điện, lễ các Thủy quan, cuối cùng là lễ đăng đàn Chân tế cô hồn.

Theo thói tục dân gian, các nghi tiết cúng kiếng của Phật giáo thực hiện vào ngày hôm trước, nghi tiết tế lễ theo Nho giáo thì thực hiện vào các ngày hôm sau để chay mặn phân biệt rõ ràng mà lễ vật mặn cúng cô hồn như thịt quay, cháo vịt, gạo muối, cháo trắng, trà, rượu, thuốc, giấy tiền vàng bạc… thì không thể nào thiếu được.

Mỗi năm có ba lễ cúng cô hồn : rằm và 16 tháng Giêng, rằm và 16 tháng Mười, đặc biệt nhất là rằm và 16 tháng Bảy âm lịch là ngày Xá tội vong nhân không thể nào thiếu được.

+ Lễ cúng miễu bà

Tại Vĩnh Long có nhiều miễu thờ Thất thánh Nương nương, Ngũ hàng Nương nương, Thiên hậu Thánh mẫu… (thuộc văn hóa Hán – Việt) nhưng đều áp dụng nghi lễ cúng miễu nữ thần Thiên Y A Na (hoặc Chúa xứ Thánh mẫu, Thủy long Thần nữ… ). Chương trình cúng miễu bà gồm các nghi thức : lễ thỉnh Đất và Nước (đất và nước lấy từ giữa dòng sông đưa về, ngụ ý mời thần về dự lễ, ý nghĩa tương tự lễ thỉnh Tro). Lễ cúng (hay tế) Tiên sư, Tiền vãng. Lễ Tiền yết, lễ Chánh cúng. Đặc biệt vì nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi vì gốc từ tín ngưỡng Chăm nên trước kia có tục mời bà bóng đến rỗi mời, múa dâng lễ (gồm dâng một mâm vàng – mô hình chiếc tháp Chàm bằng giấy, dâng ba chén bông và ba chén trái cây). Các nghi tiết này đều có giàn nhạc lễ diễn đầu. Những nơi có điều kiện có thể mời diễn viên (thường là các thầy đờn và các bà bóng) múa tạp kỹ, hát tuồng “Địa nàng” hay “Địa trạo nghinh năm bà”. Chương trình văn nghệ này mang tính tùy hứng đề nghị, ít khi tổ chức trước.

Nhiều nơi khi cúng miễu bà cũng mời sư đến tụng kinh cầu an.

Điều đáng chú ý là tục mời bà bóng đến rồi mời múa dâng lễ là tục lệ không có gì đáng phê phán. Chỉ trừ tiết mục có người lợi dụng danh nghĩa “bà về”, dùng lời huyễn hoặc, mê tín.    

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *