NÔNG CỤ LÀM ĐẤT – GIEO CẤY

4. Bừa

Chức năng của bừa là làm tơi những luống đất cày và cũng để lấy bớt một phần rễ cỏ. Bừa là nông cụ không thể thiếu trong khâu làm đất. Bừa có thân làm bằng gỗ (thường làm bằng gỗ mù u), dài khoảng 2,8 – 3 mét, trên có gắn răng bừa, thường là 9 răng (răng lẻ), một răng nằm giữa gọng bừa, những răng còn lại phân bố đều hai bên, răng dài khoảng 0,05 – 0,1 mét. Gọng bừa thường làm bằng tre, dài khoảng 2 mét.

5. Trục

Chức năng của trục là cán, nhận cỏ ruộng hoặc dùng để băm nhuyễn đất cày. Ở những nơi có “ruộng bùn sâu” hay “đất trầm thủy” thì nông dân có thể dùng kỹ thuật trục nhận : dùng trục trục đi trục lại nhiều lần cho cỏ dìm sâu xuống khỏi mặt đất, sau đó cấy lúa.

Giống như nhiều nơi ở ĐBSCL, Vĩnh Long có hai loại trục : trục khía (trục trái khế) và trục chông. Xét về mặt thời gian thì có lẽ trục trái khế có trước trục chông. Theo Đại Nam quốc am tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1896 thì trục cỏ là dùng cây trục có khía mà cán cỏ ruộng ((Huỳnh Tịnh Paulus Của, 1895 : 497). Trục chông không có năm khía hình trái khế như trục khía, mà có từ 5 – 8 hàng răng gắn vào ống theo chiều dọc. Trục chông bằng cây, sau này còn có những trục chông bằng sắt.

Trục có bộ phận thanh trục dài khoảng 2,8 – 3 mét, tay trục cao khoảng 0,45 mét. Ống trục thường làm bằng gỗ mù u, dài bằng thanh trục và gọng trục thường làm bằng tre, dài 2 mét.

6. Ghế nhổ mạ

Ghế có phần mặt hình vuông, cạnh 0,48 – 0,5 mét đan bằng tre (khoảng 8 miếng tre), phần dưới có một chân bằng gỗ dài 0,85 mét cắm một phần xuống đám mạ. Khi nhổ mạ, người dân dùng hai tay nắm lấy thân mạ kéo lên, sau đó đập vào lòng bàn chân cho đất rơi ra rồi để lên ghế. Nhổ nhiều lần như thế, mạ được bó lại để đưa ra ruộng cấy.

7. Ván mạ

Trước kia, khi ruộng làm một mùa thì với mạ lúa mùa cao tới 0,5 – 0,6 mét, tép mạ lớn, bó mạ to và nặng, phần lớn nông dân dùng ván mạ cho trâu kéo ra rải đều trên ruộng. Ván mạ gồm 4 – 5 miếng ván ghép lại, được giữ chặt bằng hệ thống đà, dài 2,5 mét, phần đầu cong lên rộng 1 mét, phần sau rộng 1,2 mét nối với cây đỏi bằng tre dài khoảng 2,2 mét, đỏi nối với ách đôi cho hai trâu kéo. Khi kéo mạ, người ta xếp mạ quay đầu vào trong, đưa rễ ra hai bên, cứ như thế chất cao lên quá đầu người, chỉ cần kéo 4 ván mạ là đủ mạ cấy cho một mẫu đất.

8. Nọc – phảng cấy

Nọc cấy là hiện vật dùng phổ biến ở ĐBSCL. Ở tỉnh Vĩnh Long, nọc cấy của người Khmer có hình thức đẹp hơn nọc cấy của người Việt. Nọc cấy của người Khmer thân dài cong vút lên, chạm trổ tinh vi. Nọc cấy của người Việt thường thân dài khoảng 0,3 – 0,4 mét, mặt cắt hình tròn, cán thẳng, dài 0, 2 mét.

Ở những nơi đất lầy lội thì không cần sử dụng nọc cấy, mà chỉ dùng tay ấn mạ xuống đất, gọi là “cấy tay”.

Ở huyện Vũng Liêm và Tam Bình của Vĩnh Long có dụng cụ cấy khá độc đáo là phảng cấy dùng cho những nơi đất sâu. Phảng bằng sắt, dài 0,5 mét, cán bằng sắt hay gỗ dài 0,1 mét, tạo với thân một góc 90 độ, đầu phảng rộng 0,05 – 0,07 mét. Cấy phảng sử dụng như cấy nọc. Một tay cầm phảng, cầm mạ. Khi đâm phảng xuống, đẩy nghiêng một bên tạo lỗ. Tay kia xé lấy tép mạ rồi ấn xuống, rút phảng lên, thường dùng để cấy lúa cây.

Cũng cần nói thêm, đất ở Vĩnh Long như ghi nhận của Lê Quý Đôn là loại đất tốt : “Một hộc giống lúa thâu hoạch được 300 hộc” và trồng lúa phải đúng mùa vụ thì lúa mới tốt, không bị chuột phá :

Cuốc tu oa cò ma ra ruộng

Bông để trổ rồi cấy muộn mà chi.

Nhưng nếu đất quá tốt hoặc cấy hơi dày thì lúa sẽ tốt mà không trổ bông, gọi là lúa lốp. Muốn làm giảm bớt sức phát triển của cây lúa, nông dân nghĩ ra cách cấy lúa cây hay còn gọi là cấy hai lần, cấy lần hai.

Người ta gieo mạ hoặc tỉa lúa. Tỉa lúa là đắp đất sình lên liếp vườn rồi dùng chày đập, tạo ra những lỗ tròn, sau đó bỏ lúa giống đã ngâm ủ 3 ngày vào lỗ rồi bỏ tro lúa lên che lại. Đến khoảng 30 ngày nhổ mạ, nhổ lúa tỉa, đem cấy lần nhất ở ruộng. Sau hai hoặc một tháng 20 ngày, người ta lại dùng dao bứng lúa lên, chặt bớt rễ, có khi bớt cả ngọn lúa rồi xé ra từng bụi đem trồng lại ở ruộng lúa. Hẳn nhiên là diện tích lúa trồng tăng lên nhiều. Trồng lúa cây thì không sợ lúa lốp.

TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *