Vĩnh Long còn có những hộ cải tạo đưa cá sông về nuôi tại ao nhà, như nuôi cá chài. Cá này có thể nói là đặc sản của miền Tây. Cá chài thuộc loại có vẩy, hơi tròn, giống cá mè vinh, tai tượng, nhưng dài hơn và tất nhiên thịt của nó cũng rất ngon ngọt. Cá này ít có mặt trên thị trường, thường chỉ cung cấp thẳng cho các nhà hàng, quán ăn. Theo Lê Đảnh, một nhà nghiên cứu văn hóa địa phương (22), đặc điểm cá chài phóng rất xa. Lúc dỡ chà sông, ghe hứng ngoài lưới mà nó vẫn bay qua khỏi. Trong mương, cá có thể bay qua bờ đất rộng 6 mét để ra sông. Khi bay, nó còn phát ra âm thanh “cọc cọc” rọc rách cả lưới. Nhà nghiên cứu trên cũng đề cập đến một chủ vườn là ông Sáu Hinh ở cù lao Mây (Lục Sĩ Thành, Trà Ôn) đã nuôi cá chài rất thành công. Ông Sáu nuôi cá ở cái mương 100 mét vuông trong khu vườn rộng 5.000 mét vuông cây trái sum xuê của ông. Ông cho cá ăn chủ yếu trái cây chín như mít, mận, ổi, cam, quýt, mía, rau cải và lá mỳ, còn tấm và cám nấu chỉ phụ thêm. Thức ăn đầy đủ, không động, nước sạch sẽ thì cá chài không nhảy đi đâu nữa. Ngồi trong vườn mát rượi cây trái của đất cù lao, ăn cá chài tươi rói, loại cá được nuôi ở môi trường trong sạch vì chỉ ăn toàn trái cây thì thịt cá ngọt và thơm biết chừng nào.

Vĩnh Long là vùng sông nước mênh mông, nhiều cù lao, cây cỏ mọc hoang dã đủ chủng loại. Qua quá trình thử nghiệm của cuộc sống, nhất là từ thời khẩn hoang rày đây mai đó lênh đênh trên sông nước, người dân đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc chọn lựa các loại rau cỏ hoang dại có thể ăn được. Hơn ai hết, các cụ già tại vùng cù lao Vĩnh Long là những người thông thạo từng loại rau rừng, rau sông tại quê nhà.

Đọt non của cây săng máu, rau choại, đọt non cây bằng lăng, lá bứa rừng vừa dày vừa chua nhẹ, ăn bánh xèo, bánh khọt rất ngon. Còn ăn mắm kho ráng kiếm rau mác, giống lục bình nhưng cọng nhỏ hơn. Lá chòi mòi hơi chua hơi chát, cỏ xước ăn hơi nhẫn nhẫn, rồi ráng kiếm thêm ba cái bông súng, bông lục bình, bồn bồn, cọng lá tai tượng màu vàng. Mà cái giống tai tượng này cũng hay, bông ăn được mà lá và cọng cũng ăn tuốt, tuy vị đắng nhưng rất ngon, rất mát. Người ta còn đặt tên nó là rau “bình định”, có khi nói rau “bình định” mà người ta còn biết hơn là nói rau tai tượng (giống như lỗ tai con voi [tượng]). Nguyên cớ gọi rau “bình định” là trong kháng chiến, địch bình định, vây ráp, cắt lương thực, người ta ăn nó trừ cơm. Ăn lẩu nhúng sơ rau tai tượng rất ngon. Hay là ăn với món mắm cá linh kho thì càng hấp dẫn… Mà ngó môn cũng ngon, hái luộc xong lột vỏ ăn ngọt, nhúng vô mắm kho ăn hết chê. Xứ Vĩnh Long này cá nhiều, nấu cháo cá bỏ thêm lá sầu đâu, vị đăng đắng ăn rất thơm. Ăn lá này mà uống rượu là có vị hơi ngọt. Ngó môn nấu canh cá, canh lươn cũng hết ý. Rau hoang dã từng là món ăn chủ yếu của người khẩn hoang, như rau ráng mọc hoang thường được luộc hoặc nấu canh. Còn có cây mái dầm. Gọi như vậy vì nó giống cây mái chèo, nhưng cây mái chèo ăn khá độc vì làm người ăn nó bị ngứa. Có quá nhiều loại rau, trái để nấu canh chua là món canh đặc trưng nhất tại Nam bộ. Như gọt củ mái dầm để nấu canh chua cá. Cải trời lá hơi chua có thể nấu canh chua cá lóc, cá rô, cá thác lác, tôm bằm… mùi của nó giống cải tần ô. Cải đất cũng có vị ngọt, hơi đắng, luộc ăn rất ngon. Còn trái bần, đọt cóc, lá giang, lá bứa rừng… vì chua sẵn nên nấu canh chua khỏi nêm me.

 
Xà lách xoong

Hiện nay, Vĩnh Long phát triển khá mạnh việc trồng rau, đậu (như đậu nành, đậu xanh và các loại cây màu khác như khoai lang, khoai tây, hành, hẹ… để cung cấp cho thị trường trong tỉnh cùng TPHCM, Cần Thơ… Điển hình như huyện Bình Minh không những nổi tiếng về vướn trái cây, mà còn nổi tiếng vì có trên 300 vườn rau chuyên canh cũng như xen canh. Các xã chuyên trồng rau như Thuận An có 60 ha chuyên canh rau các loại, Đông Bình có 20 ha… thu hoạch 6 – 8 lượt rau mỗi năm. Đặc biệt vùng này có rất nhiều vườn trồng rau xà lách xoong. Với giá thị trường 5.000 đồng/ kg thì chỉ cần vài công đất trồng ra và sự cần cù, chịu khó chăm sóc, nhiều nông dân tại xã Thuận An dễ dàng xây được nhà lầu, trang bị nhiều phương tiện sinh hoạt tiện nghi cho gia đình, ví dụ như một gia đình tại ấp Thuận Phú (xã Thuận An) cho biết : Với 3 công cải xà lách xoong, trừ chi phí, họ lãi ròng 15 triệu đồng trên một công đất/ năm. Về trồng màu, theo sự tính toán của nhiều hộ trồng rau tại các xã Tân Lược, Tân Quới, Thành Lợi ở huyện Bình Minh thì sau khi trừ chi phí sản xuất, mức lời sẽ gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa. Như vậy có thể nói, việc trồng rau – màu thực sự góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Bình Minh thêm đa dạng. Hiện tượng nông dân các xã cất nhà lầu, sửa chữa nhà cửa khang trang nhờ trồng rau là chuyện phổ biến hiện nay ở Vĩnh Long (23).

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————

(22) Lê Đảnh, Nuôi cá chài, báo SGGP

(23) Lê Hồng Nam, Rau xanh Bình Minh – nguồn kinh tế đáng kể của Vĩnh Long, báo Nhân dân ngày 3/1/1998

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *