Có lẽ, nghề văn là nghề mà Trọng Nguyên thích hơn chăng? Chỉ biết rằng, những trang bản thảo còn lại, những tài liệu đã được xuất bản mà gia đình còn giữ là những tập tiểu thuyết của ông.
Đời làm thơ của ông gắn liền với cuộc tình cùng cô gái mang tên Nguyễn Thị Thiên Hương. Và phải nói rằng, ông đến với thơ sớm hơn tiểu thuyết.
Thơ của ông thường đăng trên tờ Tân thanh, tờ Dân tộc. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Thiên Hương – đã giữ một tập thơ chép tay của ông gồm 20 bài thơ. Tập thơ được ghi bằng ba màu mực trên tập vở học trò dày 38 trang. Hầu hết, những bài thơ trong tập này được sáng tác vào năm 1953.
Thơ là người. Trong các bài thơ của ông phảng phất một nỗi buồn cho thế thái nhân tình, phản ánh không khí bàng bạc của một xứ quê đồng nội thời ấy :
Quê tôi gió ngọt hương lành
Nắng vàng rải xuống đồng xanh lau già
Sông buồn chảy hướng trời xa
Dăm cô thôn nữ lời ca dịu dàng.
Trong cái đằm thắm của cảnh có cái đằm thắm của tình. Điều này giúp chúng ta hiểu hơn về bút hiệu thứ hai của Phan Văn Khoa là Long Đức Nhân (người Long Đức).
Cuộc đời Trọng Nguyên gắn bó với tiểu thuyết nhiều hơn và đổ sức nhiều hơn cho thể loại này. Trong vòng chưa đầy 20 năm, Trọng Nguyên đã viết 27 tiểu thuyết và dịch hai tác phẩm của Quỳnh Dao.
Trong cuộc sống của ông gặp rất nhiều gian nan, vất vả, phải dời nhà hết nơi này đến nơi khác. Ông vừa làm báo, vừa viết một loạt các tiểu thuyết của mình. Gần đây, hai tác phẩm của ông được tái bản : “Thuyền lìa bến” do NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 1990 và “Lỗi khúc nhạc lòng” – NXB Thuận Hóa, Huế, 1990.
Ngòi bút phân tích tâm lý của Trọng Nguyên còn đơn giản, có nhiều lúc dễ dãi. Các tình tiết hình sự được xây dựng có lúc chưa hợp lý. Sức hấp dẫn của tác phẩm là ở tình tiết, dù lắm khi lỏng lẻo, đặc biệt là ở tấm lòng nhân hậu đối với người nghèo, thông cảm với niềm đau của người lỡ bước và thái độ tố cáo đồng tiền tội lỗi, ca ngợi tình yêu chung thủy.
Nhìn lại những tác phẩm Trọng Nguyên để lại cho đời, chúng ta dễ dàng hình dung sức làm việc của người yêu văn chương, say mê sáng tác với tấm lòng nhân hậu.
Đào Ngọc Chương – Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long