Ông Trần Quang Quờn, sinh năm 1875, tại làng Thiềng Đức ( thành phố Vĩnh Long), giỏi chữ Hán, làm việc tại Tòa án Vĩnh Long. Thuở ấy, chức Kinh lịch (Lettré) hay gọi tắt là “ông Kinh” – người chuyên dịch những văn bản của tòa án từ chữ Hán ra chữ Việt, nên còn gọi ông là Kinh lịch Quờn.

Cha là Trần Doãn Cung, một nhà Nho làm chức Hương sư (một chức vụ lo việc giáo dục dân trong làng) làng Thiềng Đức. Mẹ là Nguyễn Thị Đồng, con gái út của một gia đình ở làng Bình Hòa Phước.

Cha mất sớm, ông được mẹ nuôi dưỡng và lớn lên. Hồi nhỏ, ông học trường tỉnh Vĩnh Long rồi lên học trường Taberd Sài Gòn. Việc học hành phải bỏ dở nửa chừng vì cha mất. Ông bắt đầu đi làm Kinh lịch ở Toà án Bà Rịa và sau đó đổi về Toà án Vĩnh Long.

Ông vốn là nhà Nho, biết tiếng Pháp, hay làm thơ và chơi đàn nổi tiếng. Ông chơi được đủ thứ đàn cổ : kìm, tỳ, tranh mà nhất là ngón đàn tỳ (tỳ bà) thì ai cũng khen là hay tuyệt.

Cuộc sống của ông thanh đạm, an vui với nề nếp của một nhà Nho (an bần lạc đạo), không bon chen danh lợi, chạy theo cuộc sống quay cuồng.

Theo nghệ sĩ Duy Lân : Ông Kinh lịch Quờn là một tài hoa xuất chúng về cầm, kỳ, thi, họa, có nhiều sáng tác nhất, đã được người trong điệu cầm ca khắp nơi ca ngợi là mực thước chánh tông. Ông vốn là học trò yêu quý của hai danh sư được sùng bái nhứt đương thời : ông Phạm Đăng Đàng và ông Thủ bổn Thiềng.

Ông sở trường đặt bài ca, thịnh hành nhứt là bản Tứ đại oán, thanh âm đúng điệu, lựa chữ ăn đàn. Đó là một trong những bản ruột của phong trào ca nhạc tài tử và giới sân khấu cải lương. Bản Tứ đại oán về Bá Lý Hề (một nhân vật thời Đông Châu liệt quốc) của ông sáng tác có đoạn mở đầu như sau :

Bao quản bao thỏ lặn ác tà
Nhành ngô đổ lá đưa chà
Mấy thu rày não nồng phận hoa
Tình ôi, có thấu chăng là?

Thiếp trông chàng tơ lòng thiết tha
Chạnh chung tình lụy sa
Hỡi lang quân chàng Bá Lý Hề!
Vì tình kia, chốn lều tranh em trêu thương ngậm nhớ

Chính bạn bơ vơ giữa đường
Sầu vật vã bên sông Tương
Nhạn lạc bầy kêu sương
Không nguôi nỗi nhớ niềm thương. . .

Ông từng có sáng kiến vào thời ấy chế ra một cây đàn kìm thế cho cây nguyệt cầm cổ điển. Ý ông muốn cho cây đàn của ông kêu hơn, có âm thanh nhiều hơn cây nguyệt sẵn có. Tiếc thay, đàn của ông chế ra, kềnh càng không quen mắt nên lâu ngày bị bỏ quên vì không đúng như quan điểm công chúng quen xài.

Đề tựa tập bản thảo “Morden musique” (thời nhạc) do ông sáng tác, ông viết : “Tôi có dư 30 năm chuyên học đờn An Nam. Từ năm thứ nhứt học đến năm thứ mười, bài bản đủ chơi thiên hạ. Kể từ năm thứ mười một đến năm thứ ba mươi và luyện tập suy xét việc đờn và ghé tai thầm so sánh với nhạc các nước phương xa. . . Nhạc An Nam thì đờn trong nước Nam, trong làng, trong xóm cho người An Nam nghe thì đặng, chớ đem ra khỏi nước Nam rồi. . . không đủ nói nhạc với ai. . . Nước Nam phải có nhạc làm sao nữa mới phải, chớ tôi không chịu rằng tôi đờn thuở nay đó là nhạc. . . ”

Ông nghiên cứu lượm lặt những cái hay của nhạc xưa, đem cái mới của mình thêm vào, để làm thành thời nhạc. Nội dung tập bản thảo “Morden musique” gồm có các bài ca đảo ngũ, ba bài : Hung sư, Chấn lữ, Chinh diêu; ba bản đờn : Hạng mã (đổ mồi hôi ngựa), Giao phong (chong hai mũi nhọn đánh nhau), Phá trước (rần rần như tiếng chẻ tre), ngoài ra còn có các bài bản : Án bí từ hành, Hát bộ. . .

Mộng ông to lớn, muốn làm một cuộc chỉnh lý quan trọng trong giới âm nhạc. Theo lời của Sĩ Tiến trong “Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương” có nhắc : Ông là một trong những người cách đây hơn nửa thế kỷ rất nhiệt tình đối với âm nhạc dân tộc. Ông đã dành nhiều thì giờ, nhiều công phu nghiên cứu nhạc cổ. Ông hiểu rằng nghiên cứu nhạc cổ là công việc to lớn và lâu dài, cá nhân đơn độc không thể làm nổi. Ông khiêm tốn và thành tâm kêu gọi những người chung chí hướng. Năm 1915, ông đã sáng lập “Hội nghiên cứu và sáng chế thời nhạc”.
Trong bài báo “Thế nào là âm nhạc có tinh thần” ông viết năm 1936 có đoạn : “Ví như con tằm đã hóa bướm, không còn ở trong vòng sợi tơ ràng buộc nữa, lại càng bay xa xa, bay lên cao bao nhiêu lại càng thấy cao, xa bấy nhiêu. Nhưng trời đất thì vô cùng, đời bướm thì có hạn. . . ”. Và phương pháp nghiên cứu sáng tác thời nhạc của ông là : “Phải chọn lựa, sửa đổi bài bản cũ, cái nào hợp thời thì để, không thì bỏ. Những bài bản nào đã chọn lựa, phải khảo sát cho kỹ càng từng câu, từng chữ. . . ”

Ông đã dựa trên cơ sở âm điệu nhạc cổ để sáng tác một số bản nhạc tài tử, đặc sắc nhứt là hai bản Tứ đại oánVăn Thiên Tường. Cho đến nay, hai điệu ấy vẫn là hai bản lớn thường xuyên được sử dụng trên sân khấu cải lương.

Ông mất năm 1946. Sau khi mất, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba có tìm đến nhà ông ở Vĩnh Long để sưu tầm những sáng tác và những sáng kiến về âm nhạc của ông.

Ông Kinh lịch Quờn, một nhà Nho có lòng với tiền đồ âm nhạc của dân tộc. Chơi nhạc, đánh cờ, làm thơ, vẽ vời, mặt nào ông cũng giỏi, là một bực tài hoa toàn diện, nhưng mặt giỏi nhất và ông chuyên tâm nhất vẫn là âm nhạc. Tiếng đàn tuyệt xảo và công trình nghiên cứu sáng tác âm nhạc của ông, các danh sĩ Nam – Trung – Bắc đều biết và mến mộ.

Việt Chung

Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *