Ông Tống Hữu Định, nhân sĩ, văn nghệ sĩ, bút hiệu là Tịnh Trai – người có công trong việc bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của tỉnh và của Nam Bộ. Ông xuất thân trong gia đình quan lại, là cháu cùng họ Quốc công Tống Phước Hiệp. Ông sinh năm 1869, tại làng Long Châu. Bản thân làm chức Phó Tổng Bình Long (Vĩnh Long) và là con thứ mười hai, nên ông còn được gọi là thầy Phó Mười Hai.

Cha là Tống Hữu Diên, người thôn Tân Giai, tỉnh Vĩnh Long, có chí lớn, thường xuyên tham gia việc quân rất khẳng khái. Khi giặc Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, ông trở về nhà, lấy việc nhân nghĩa dạy con cái, sống cần kiệm. Có thể coi đó là một người trung hiếu, đức hạnh, giàu có, đầy đủ. Lúc về già, dân hai thôn Tân Long cử ông làm Hương Cả.

Mẹ là Dương Thị Thái, người siêng năng, cần kiệm, tần tảo nuôi con, giúp chồng làm nên sự nghiệp.

Anh là Tống Hữu Trung, làm Chánh tổng huyện Bình An, sau thăng Tri huyện hàm, nổi tiếng thanh liêm và giàu lòng bác ái.

Ông Tống Hữu Định lớn lên, thừa hưởng sự nghiệp của cha và anh, được rước thầy về nhà dạy học. Ông giỏi cả chữ Nho và chữ Pháp, tính tình cương trực, yêu nghệ thuật và thích tổ chức hoạt động văn hóa dân gian. Vì ông là một người hào phóng, giao thiệp rộng và thuộc gia đình danh tiếng, nên được đề cử làm Phó Tổng Bình Long.

Theo kịch sĩ Duy Lân : ông là một danh sĩ tài hoa vốn dòng dõi một công thần nhà Nguyễn – ngài Tống Phước Hiệp, thần hoàng bổn tỉnh – người có công trùng tu tôn tạo Văn Thánh miếu mà cũng là người đã nâng đỡ chu toàn nền cổ nhạc Long Hồ được vang danh thuở ấy.

Trong tài liệu “Năm mươi năm cải lương” của Vương Hồng Sến do Nam Chi xuất bản, Sài Gòn 1968, có nhắc đến ông Tống Hữu Định : “Ông còn nổi tiếng là người ăn chơi bực nhất đất Vĩnh Long vào những năm 1915 – 1920. Lúc sanh tiền, thầy hay tổ chức đờn ca, tiệc tùng, đá gà, bài bạc, làm thi, đủ thứ… ”.

Hồi đó, các tỉnh Nam bộ có phong trào ca nhạc tài tử, trong những cuộc hội hè, đám tiệc, vui chơi, thường có những tay đàn và những giọng ca các bài bản cổ nhạc hòa hợp giúp vui cả đêm hoặc từ đêm này sang đêm khác. Bấy giờ, nói đến tên ông Tống Hữu Định, trong giới ca nhạc tài tử ai cũng biết. Ông là người có sáng kiến sanh điệu ca ra bộ, mở đầu cho nghệ thuật sân khấu cải lương.

Sân khấu cải lương xưa

 
Khoảng đầu năm 1916, trong một buổi đờn ca tại nhà ông, bài ca Tứ đại oán “Bùi Kiệm thi rớt trở về” được trình diễn bằng hình thức ca ra bộ (vừa ca vừa ra bộ). Ba người thủ vai : Bùi Ông, Bùi Kiệm, Kiều Nguyệt Nga (cô Ba Định trong vai Nguyệt Nga, ông Giáo Du trong vai Bùi Ông và ông giáo Diệp Minh trong vai Bùi Kiệm).

Sau đó, điệu ca ra bộ được hoàn chỉnh và theo bài báo ông Nguyễn Văn Hanh viết trên “La Déppêche d’Indochine” số 2739 ngày 21/9/1937 cho biết : “Lần thứ nhứt diễn tuồng hát cải lương tại nhà thầy Phó Mười Hai (Vũng Liêm) là ngày 15/11/1918, kế đó đi diễn nơi Sa Đéc và Vũng Liêm… ”.

Phong cách trình diễn có điệu bộ bài bản hệ thống theo tuồng tích, có bố cục cảnh trí đã hình thành sân khấu cải lương, đáp ứng được yêu cầu vừa nghe, vừa xem ngày càng thu hút khán thính giả và lan rộng ra các tỉnh đồng bằng.

Nghệ thuật sân khấu cải lương xuất hiện từ đó – một hiện tượng cải cách tân kỳ trong giới ca nhạc tài tử, trong đó có phần đóng góp rất lớn của ông.

Ông Tống Hữu Định chẳng những nổi tiếng là người hào hoa, phong nhã, hiếu khách, say mê nghệ thuật đàn ca, có sáng kiến mở đầu cho nghệ thuật sân khấu cải lương, ông còn có công đứng ra vận động trùng tu, tôn tạo Văn Thánh miếu Vĩnh Long (năm 1901 – 1902). Thấy cảnh Văn Thánh miếu lúc bấy giờ điêu tàn, nóc dột, vách hư, cỏ mọc hoang phế vì xây cất đã lâu đời, ông động lòng làm bài thơ để động viên mọi người :

Chùa hư, miếu dột dạ nào yên
Trời đất hay chăng chút nghĩa thiền
Trong điện vuông tròn con bóng dọi
Ngoài hiên to nhỏ ngút mây chuyền.

Dấu xưa nhìn đó lòng thêm tủi
Tích cũ thấy đây dạ lại phiền
Biển hoạn đua bơi tài mấy kẻ
Nỡ nào ngơ lấp, mắt tai riêng!

Kết quả cuộc vận động quyên tiền được số bạc 23.000 đồng trong lúc thời giá lúa một, hai cắc một giạ. Ông đã quan tâm trông nom, đôn đốc tiến hành công việc một cách chu đáo. Ngôi đền Văn Thánh miếu được trùng tu, tôn tạo lại khang trang, làm tăng vẻ cổ kính, tôn nghiêm của một di tích lịch sử văn hóa.

Ông Tống Hữu Định là một nhân sĩ, đồng thời là một nghệ sĩ và là một nhà thơ đã có công trong việc bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của tỉnh nhà nói riêng và của Nam Bộ nói chung. Công ơn ấy, những người đi sau còn nhắc mãi tên ông, còn khắc rõ trong bia đá trên lối vào Văn Thánh Miếu.

Theo Việt Chung – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Longvinhlong.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *