Ông Phan Văn Sử sinh năm 1910 tại làng Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Nhờ gia đình giàu có nên ông được theo đuổi con đường học vấn vốn rất tốn kém thời bấy giờ một cách chu đáo. Học xong bậc tiểu học ở Vĩnh Long, ông qua Mỹ Tho học trường trung học (Collège de Mỹ Tho) và đỗ bằng Thành chung (diplôme). Tiếp tục, ông được gia đình gởi sang Pháp học tại Bordeau và đỗ bằng tú tài.
Năm 1933, ông trở về nước. Là một thanh niên trí thức luôn mang nặng trong lòng nỗi đau đất nước bị nô lệ, đồng bào bị thống khổ lầm than, lại được tiếp nhận những lý tưởng về công bằng, dân chủ, tự do… ông Phan Văn Sử đã nuôi sẵn mối căm thù bọn thực dân Pháp và khinh ghét lũ quan lại tay sai. Vì lẽ đó, ông không ra làm quan với Pháp mà muốn làm cái gì đó để góp phần cứu nước cứu dân. Làm cách mạng để giành độc lập, giải phóng dân tộc là ý nghĩ nung nấu trong ông. Và muốn làm cách mạng, theo ông, trước hết phải nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức khoa học và lý tưởng chính trị cho nhân dân. Theo hướng đó, năm 1934, ông xin phép mở một trường học ở bên kia cầu Thiềng Đức (Phường 5 – thành phố Vĩnh Long ngày nay). Chọn địa điểm trường nằm cách tỉnh lỵ Vĩnh Long bởi con rạch Long Hồ, ông muốn tránh xa sự dòm ngó, kềm kẹp của bọn thực dân. Trường học lúc đầu mới mở chỉ có bậc tiểu học, sau thêm bậc trung học. Tên của trường là “Trung Thành”, một cái tên mang nhiều ý nghĩa lý tưởng là mà thầy và trò của trường vẫn ôm ấp. Có thể nói, trường Trung Thành là một cơ sở yêu nước hoạt động hợp pháp trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Nơi đây tập hợp được nhiều trí thức yêu nước. Thông qua việc giảng dạy, các thầy cô giáo đã gieo mầm cách mạng cho học sinh.
Khi Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, thầy và trò của trường đã hồ hởi tham gia các cuộc mít-tinh, biểu tình, tham gia các lực lượng giành chính quyền từ tay thực dân. Khi thực dân Pháp đem quân tái chiếm thị xã Vĩnh Long, ông Phan Văn Sử cùng nhiều thầy cô giáo và học sinh của trường thoát ly theo kháng chiến. Nhiều thầy, cô giáo giữ những chức vụ quan trọng như thầy giáo Khâm, thầy giáo Tổ đều là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến tỉnh Trà Vinh; thầy Nguyễn Viết Khải – tức nhà thơ Mặc Khải – tham gia Mặt trận Liên Việt tỉnh Vĩnh Long; thầy Hồ Văn Kỉnh làm Chủ tịch huyện Nhì, tức huyện Măng Thít. Một số học sinh của trường lên đường đi chiến đấu, sau này trưởng thành như Diệp Ngọc Kỳ trở thành một sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ngọc Diệp làm Chánh Văn phòng Ủy ban tỉnh Vĩnh Long trong những năm cuối thời kháng chiến chống Pháp.
Ngoài việc tập hợp được nhiều người yêu nước ở trường, ông Phan Văn Sử còn mở rộng quan hệ với nhiều trí thức tiến bộ như ông Diệp Ngọc Côn – chủ hiệu sách Long Hồ, ông giáo Hạp ở Phước Hậu, ông Bùi Huy Sắc – Chánh lục sự Tòa án tỉnh Vĩnh Long, ông Trần Văn Chiểu và ông Dương Văn Muôn từng du học ở Pháp về. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Chiểu là Giám đốc Công binh xưởng liên trung đoàn 109 – 111 và ông Muôn phụ tá, ông Hạp giữ chức Trưởng Ty Giáo dục, ông Diệp Ngọc Côn làm Trưởng Ban Tuyên truyền của tỉnh, ông Bùi Huy Sắc làm Chánh án Tòa án Quân sự tỉnh.
Những hoạt động yêu nước của ông Phan Văn Sử đã dễ dàng dẫn ông đến với lực lượng Thanh niên Tiền phong và trở thành một thành viên tích cực của phong trào. Tháng 3/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản và sau đó trở thành Ủy viên của Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời trong giai đoạn cả tỉnh cùng cả nước đang ráo riết chuẩn bị lực lượng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Cách mạng Tháng 8 thành công, ông Sử, lúc này làm Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công làm Tổng Thư ký Ủy ban Nhân dân tỉnh. Năm 1946, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Vĩnh Long giữa lúc lực lượng cách mạng đang rút về các hậu phương để tổ chức kháng chiến lâu dài. Khi đưa quân tái chiếm tỉnh lỵ Vĩnh Long, bọn thực dân Pháp đã tiến qua cầu Thiềng Đức, nổi lửa đốt cả nhà cửa của ông và lùng bắt những người chúng tình nghi theo ông bắn tại chỗ.
Giữ cương vị Chủ tịch tỉnh trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ông phải đương đầu với bao nhiêu công việc khó khăn, mới mẻ. Dựa vào sự lãnh đạo linh hoạt của Tỉnh ủy, của tập thể Ủy ban, bằng tài tổ chức khéo léo và bằng uy tín cá nhân của mình, ông Phan Văn Sử đã tập hợp được nhiều nhân sĩ trí thức tham gia kháng chiến, đã nhanh chóng thành lập các ban, ngành gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả phục vụ kịp thời yêu cầu chiến đấu và bảo vệ nhân dân. Trong những năm đầu kháng chiến, đồng bào ở tỉnh thành tản cư về nông thôn rất đông, nảy sinh nhiều khó khăn lớn về tổ chức ăn ở, tiếp tế và bảo vệ dân khi địch càn quét. Trước tình hình này, Ủy ban đã đề ra cách giải quyết đúng đắn : ai trực tiếp tham gia kháng chiến thì ở lại, còn số đông bà con được động viên, giáo dục và tổ chức đưa về thành làm ăn sinh sống, tạo ra lực lượng ủng hộ kháng chiến ngay trong vùng địch chiếm. Thành tích của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Vĩnh Long do ông Phan Văn Sử làm Chủ tịch trong những năm đầu kháng Pháp nổi bật trên nhiều mặt : nhanh chóng phát động phong trào bình dân học vụ sâu rộng trong các địa phương, mở được các trường học ở vùng sâu cho con em theo học như trường Cây Bàng, trường Thuận Thới, xây dựng được Công binh xưởng ở Cái Ngang tự rèn đúc đạn, lựu đạn và sản xuất được cả súng theo kiểu rơ-manh-tông để cung cấp cho bộ đội. Về Y tế, mở các lớp ngắn hạn ở Hàng Me để cung cấp cán bộ cho bộ đội và các trạm xá địa phương. Thành tích nổi bật của ngành Y Vĩnh Long mà đến nay nhiều người còn nhắc là biết khai thác Đông y dược, biết dùng phương pháp trị liệu bằng cấy nhau, dùng nước dừa thay thế sérum khan hiếm….
Cùng với Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến, ông Phan Văn Sử còn là người tích cực đề xuất và trực tiếp vận động thành lập các tổ chức đoàn thể yêu nước như “Phật giáo cứu quốc” do Thượng tọa Thích Thiện Hoa lãnh đạo, “Cao Đài cứu quốc” do Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi chủ trì… hợp sức cùng các hội “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”, tạo ra thế liên kết rộng rãi trong Mặt trận Việt Minh, chung sức chung lòng kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhờ sức mạnh tổng hợp đó mà vùng tự do được giữ vững và không ngừng được mở rộng, nhiều cuộc càn quét của thực dân bị thất bại, lực lượng quân sự của ta ngày càng phát triển và thắng nhiều trận lớn như trận Cầu Sao, trận Cống Bà Dung, đánh tàu trên rạch Long Hồ.
Từ năm 1951 đến 1953, ông Phan Văn Sử được chuyển về công tác ở Long Châu Sa, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến. Năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được rút về làm Ủy viên phụ trách khối tập kết Dân chính Đảng Nam bộ tập kết ra Bắc.
Ra miền Bắc, đầu tiên, ông được phân công làm nhiệm vụ chống địch cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam. Hoàn tất nhiệm vụ này, ông được chuyển về công tác ở Bộ Ngoại giao và hoạt động trên lĩnh vực này hơn 15 năm.
Từ năm 1956 đến 1958, ông được cử làm Tham tán của Đại sứ quán nước ta tại Ru-ma-ni. Sau đó, ông được rút về nước phụ trách Trưởng Phòng Đông Âu, là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Từ năm 1964 đến 1969, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ nước ta tại Tiệp Khắc. Trở về nước, ông lại đảm trách Vụ trưởng Vụ Á Châu II cho đến tháng 7/1973 thì ông được Đảng và Nhà nước cho về nghỉ hưu tại Hà Nội. Sau khi nước nhà được thống nhất (1975), ông cùng gia đình chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh.
Do tuổi cao, bệnh nặng, ông mất vào ngày 6/5/1982 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 72 tuổi.
Nhận xét về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Phan Văn Sử, điếu văn của Ban Tổ chức tang lễ tại thành phố Hồ Chí Minh đọc trước linh cữu ông có đoạn viết : “Đồng chí đã đảm trách nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, lúc hoạt động ở địa phương này, lúc sang địa phương khác; lúc hoạt động ở trong nước, lúc công tác ở ngoài nước, nhưng nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn thành và được Đảng, Nhà nước đánh giá cao.”
Ông Phan Văn Sử là một trong những nhà giáo, nhà trí thức tiêu biểu về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên trung. Vì lý tưởng, vì dân tộc, ông đã từ bỏ mọi bả vinh hoa phú quý mà không ít người cùng điều kiện hoàn cảnh như ông mắc phải để dấn thân vào con đường cách mạng, tận tụy trung thành với sự nghiệp cách mạng trọn đời. Tấm gương sáng của ông đã làm vẻ vang thêm truyền thống yêu nước, bất khuất của giới trí thức cả nước nói chung, của tỉnh nhà nói riêng.
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng :
– Huân chương Kháng chiến hạng I
– Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng II
– Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc
Dương Tấn Đệ – Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long và vinhlong.gov.vn