Võ Văn Tưởng, tên thường dùng là Sáu Tưởng, sinh năm 1948 tại ấp 1, xã Hòa Hiệp huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, con ông Võ Văn Ba và bà Võ Thị Ba.
Võ Văn Tưởng lớn lên trong thời kỳ cuộc cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới : Đồng khởi rồi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời. Tình hình cách mạng của tỉnh Vĩnh Long cũng chuyển biến từ “đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ” đến “phát động ngay cuộc đấu tranh vũ trang để duy trì phong trào, bảo vệ lực lượng”. Bấy giờ, tình cảm yêu nước, cụ thể là yêu mảnh đất Hòa Hiệp, cảnh sống cơ cực của người nông dân quê mình, phong trào cách mạng địa phương và hình ảnh người anh ruột (liệt sĩ Võ Văn Giàu, Đại đội phó địa phương quân Tam Bình) đã tác động nhiều đến suy nghĩ của người thiếu niên Võ Văn Tưởng về nhiệm vụ cách mạng. Vì thế, anh quyết tâm tham gia cách mạng ngày 14/7/1962. Lúc này, Tưởng mới 14 tuổi.
Trước tiên, anh xin vào Đội du kích ấp, được trang bị từng đợt hai quả lựu đạn. Nhiệm vụ chính của anh bấy giờ là gác lộ giao thông Ba Kè trên phạm vi ấp 1 và gài lựu đạn chống lính càn vào ấp.
Từng bước, Võ Văn Tưởng trưởng thành trong chiến đấu. Những ngày tháng ở Đội du kích ấp, anh đã vận động 915 lượt quần chúng đi phá lộ trên 4.000 mét, đắp 74 mô, gài 15 lựu đạn, làm ngưng trệ giao thông địch nhiều ngày… Ngoài ra, anh còn nhiều lần gài lựu đạn diệt nhiều địch. Đặc biệt, đối với đồn số 3 trên lộ Ba Kè, anh gài 4 lần. Có một lần, anh gài sát cửa rào, nổ chết tất cả 9 tên, bị thương 11 tên.
Năm 1967, khi tình hình cách mạng tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Võ Văn Tưởng được rút lên làm Xã đội phó.
Sau khi được tập huấn phong trào du kích chiến tranh, Võ Văn Tưởng, lúc này đã 19 tuổi, bắt tay vào việc nghiên cứu làm chất nổ và vũ khí thô sơ để chiến đấu. Anh làm giàn thun bắn lựu đạn vào đồn, đồng thời đào đầu đạn kíp chế mìn. Tháng 4/1967, Tưởng làm được 9 quả mìn bằng đầu đạn cối. Với số vũ khí này, anh đã đánh tan một xe ủi đất trên lộ Ba Kè. Tháng 12/1967, anh hai lần đột nhập đồn Long Hạ 2, gài lựu đạn giết được 4 lính đồn.
Grenade |
Với kinh nghiệm của mình, Võ Văn Tưởng đã huấn luyện cho Đội du kích xã Hòa Hiệp cách đột nhập đồn, gài lựu đạn và gỡ lựu đạn địch trong hàng rào. Đánh bằng vũ khí thô sơ, gài lựu đạn trong đồn bót trở thành cách đánh phổ biến, nhuần nhuyễn của Đội du kích xã Hòa Hiệp bấy giờ. Thành quả ấy một phần lớn nhờ sự lãnh đạo của Võ Văn Tưởng.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, lực lượng lính bình định của chế độ Sài Gòn tái chiếm, kèm kẹp những vùng trước đây được cách mạng giải phóng. Đồn Ông Đệ được xây dựng trong ý đồ kèm kẹp ấy.
Dựa vào cơ sở, Tưởng nắm quy luật của lính trong đồn. Khi biết được lính đồn thường tới quán nhậu gần đồn Ông Đệ, Tưởng quyết định đột kích đánh. Tưởng cùng 4 du kích hóa trang, ban ngày bơi xuồng cập bến, nhanh chóng đột nhập quán nhậu trong thời điểm lính đồn cùng tề xã tụ tập tại đây. Anh nổ súng cùng đồng đội diệt 4 tên ác ôn, thu 3 súng. Trận đánh chớp nhoáng này đã tạo được khí thế cách mạng trong toàn xã : phấn khởi, tin tưởng vào khả năng chiến đấu của lực lượng du kích.
Tháng 7 năm 1969, Võ Văn Tưởng tiến hành đánh đồn ấp 2. Hai Bụng là Trưởng đồn, khét tiếng khủng bố, bắt bớ nhân dân, gia đình cách mạng. Trước những hành động ấy của Hai Bụng, nhân dân ấp 2 có người phải bỏ chạy sang nơi khác làm ăn. Sau khi đã nắm chắc quy luật hoạt động của địch, đã điều nghiên kỹ lưỡng trận địa và vạch rõ phương án tác chiến, Tưởng chỉ huy Đội du kích xã đột nhập bằng ba mũi tiến công vào đêm 16/7/1969 . Sau 10 phút chiến đấu, trận đánh kết thúc. Kết quả : Hai Bụng và nhiều lính đồn chết tại chỗ. Tưởng và Đội du kích thu được 7 súng các loại. Trận đánh này càng làm tăng thêm khí thế cách mạng của nhân dân, phong trào du kích xã Hòa Hiệp – Tam Bình.
Ngoài những trận công đồn chớp nhoáng, đáng nhớ và có hiệu quả ấy, Võ Văn Tưởng còn là người chiến sĩ chống càn một cách kiên cường, linh hoạt. Đến nay, nhân dân Hòa Hiệp còn nhớ mãi hai trận chống càn do anh chỉ huy.
Ngày 27 tháng 6 năm 1970, với lực lượng đông gấp 4 lần lực lượng du kích xã Hòa Hiệp, lính bảo an Tam Bình tiến hành cuộc càn quét địa bàn Hòa Hiệp. Tiếp cận địch trong vòng 50 mét, Đội du kích Hòa Hiệp quyết tâm phòng ngự trong năm ngày dù súng đạn có hạn. Tưởng đã chỉ huy dùng vũ khí thô sơ, kết hợp chông, lôi, dụ lính vào bãi lựu đạn rồi xuất kích tiêu diệt, phá tan trận càn.
Ba tháng sau, vào ngày 30/9/1970, bốn đại đội bảo an tập trung càn quét nhằm yểm trợ bọn bình định. Tưởng cùng Đội du kích Hòa Hiệp, dù lực lượng quá chênh lệch về quân số và vũ khí, đã kiên quyết chiến đấu chống càn đến phút cuối cùng. Trong trận này, anh hy sinh.
Người thanh niên Võ Văn Tưởng 22 tuổi đời ấy đã có những tám năm tham gia cách mạng. Từ đội viên Đội du kích ấp 1 trong thời gian sau Đồng khởi (1962), anh đã trưởng thành thực sự với nhiệm vụ Xã đội phó xã Hòa Hiệp – Tam Bình những năm trước và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.
Ngoài những chiến công trong thời gian ở Đội du kích ấp 1, Tưởng đã tham gia tác chiến bằng mọi hình thức : 141 trận, gài vũ khí thô sơ 214 lượt, chỉ huy trực tiếp đánh đồn 16 trận, chống càn lẻ tẻ từ B đến A 31 trận, pháo kích đồn, bắn lựu đạn 40 trận, đột nhập diệt ác 5 trận, đánh phục kích 6 trận, thiêu hủy một xe ủi đất và một xe M113, bắn máy bay 9 lần, bắn bị thương một chiếc phản lực, đào hầm chông, đào xã chiến đấu và vót chông 90 lượt, diệt 897 tên (riêng anh diệt trên 300 tên, trong đó có 4 tên Mỹ, 2 Trưởng đồn, 2 cảnh sát, 25 biệt động, 2 tên xã trưởng ác ôn), làm bị thương 987 tên (trong đó có 1 Xã trưởng, 2 Trưởng đồn, 4 Phó đồn, 5 bình định có 1 Phó đoàn), vận động 14 tên lính bỏ ngũ, thu 69 súng các loại, 3 máy PRC 25, 80 lựu đạn, 500 đạn M79, vận động 87 gia đình bám ruộng. Võ Văn Tưởng đã góp phần xuất sắc vào việc xã Hòa Hiệp được tuyên dương danh hiệu Anh hùng.
Với những thành tích trên, anh được khen thưởng :
– 01 Huân chương Chiến công hạng III
– 14 Bằng khen cá nhân.
– 09 giấy khen
– 04 Giấy chứng nhận Dũng sĩ
Ngày 6/11/1978, Võ Văn Tưởng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Theo Đào Ngọc Chương – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long