Nhà thơ Nhiêu Tâm tên thật là Đỗ Như Tâm, hiệu Như Tâm, Minh Tâm, biệt hiệu là Minh Giám. Vì ông có chân trong "Nhiêu học" (người được hưởng học bổng trong nhà nước phong kiến) nên người ta thường gọi ông là Nhiêu Tâm. Ông sinh năm 1840, sống ở làng Sơn Đông (nay thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) và mất năm 1911.

Về nguyên quán của nhà thơ Nhiêu Tâm, có hai ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng, ông là người Nam Bộ cố cựu, từ nơi khác lưu lạc đến Vĩnh Long. Ý kiến thứ hai, ông là người miền Trung mới đến xứ nầy. 

Ở làng Sơn Đông, nhà thơ Nhiêu Tâm dạy chữ Nho và làm nghề bốc thuốc. Cụ ăn ở tại nhà học trò là ông Trần Văn Kỷ. Ông Kỷ mất, cụ Nhiêu Tâm sang ở nhờ nhà người học trò khác là ông Trần Minh Chuẩn, tiếp tục dạy học, hốt thuốc cho đến khi qua đời.

Theo trí nhớ của dân làng Sơn Đông, nhà thơ Nhiêu Tâm vóc người gầy và cao, đôi mắt bị lòa nên đi lại rất khó khăn, phải chống gậy.

Trong bài thơ "Tự thuật", nhà thơ Nhiêu Tâm nói về mình như sau :

Thất thập niên huê cửu ngũ linh

Thần hôn nhi diệt viễn môn đình

Phong sương đa bệnh châu nhan đạm

Tuế nguyệt tằng thôi bạch phát sinh.

Giáo dục vấn minh chung sắc diện

Gian nguy thì thị biện tài danh

Cầu nhơn tự cổ nhơn nan đắc

Tạo vật hề tu hựu lão thành.

Dịch nghĩa : Trên bảy mươi tuổi đầu, gần cuối đời mà còn phải xa nhà, cuộc đời phong sương làm ông mang nhiều bệnh. Năm tháng chất chồng đầu thêm bạc, dạy trẻ muôn đời thêm sáng tỏ, gặp lúc gian nguy mới tỏ rõ anh tài.

Cho đến cuối đời, nhà thơ Nhiêu Tâm vẫn giữ tiết tháo của một nhà Nho, một nhà thơ sống đời tao nhã, thanh bạch. Dù sống trong cảnh nước mất, làm dân nô lệ dưới chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp, nhà thơ Nhiêu Tâm không hề bị cám dỗ bởi vật chất, bị lung lạc giữa chốn quan trường.

Về văn chương, nhà thơ Nhiêu Tâm là nhà thơ trữ tình trào phúng nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ. Văn phong nhà thơ Nhiêu Tâm mang bản sắc dân tộc, thời đại và góp vào thi ca châm biếm miền Nam một tiếng cười bằng ngôn ngữ giản dị và mang chút xót xa của sĩ phu bất đắc chí. Mảng thơ trào lộng của nhà thơ Nhiêu Tâm đã gây ra nhiều tranh luận và giai thoại thú vị, được nhiều người truyền tụng.

Nhà thơ Nhiêu Tâm là tác giả của nhiều bài thơ, đoản văn, câu đối nổi tiếng như bài “Vịnh Kiều”, bài phú “Bần phú luận” (204 câu), “Vợ tiễn chồng”, “Cảm tác”, "Thuyền qua sông”, “Vịnh miếu Tống Quốc Công”, "Khóc bạn”, "Vợ Chệt khóc chồng chết đuối”, “Trẻ cha, già con”… Sau này, nhà xuất bản Tân Việt – Sài Gòn có tập hợp một số bài thơ của ông in thành tập thơ (chung với nhà thơ Học Lạc).

Bằng chất trữ tình, kết hợp cái bi, cái hài, ứng đối nhanh nhưng lại không kém phần thâm thúy, ngòi bút ông còn phê phán tiêu cực xã hội hết sức mạnh mẽ. Như bài "Trẻ cha, già con" phê phán ông Lê Chí Thành, tục danh Huyện Thiềng :

Của đời thấy vậy dửng dừng dưng

Cha trẻ, con già ngộ quá chừng

Nọ nọ ông già khờ khịt mặt

Này này chàng rể rụng trơn răng.

Tham vui chịu lập thương vì lão

Khéo gả làm chi lạ cái thằng

Chuyện ở giữa đường ai chẳng thấy

Nói chơi đéo hỏa đứa cằn nhằn…

Sống đời lao khổ cùng quần chúng, nhà thơ Nhiêu Tâm cảm thông sâu sắc nỗi cơ cực của người dân trong xã hội thực dân thống trị. Ông chia sẻ nỗi khổ cực với người dân :

Chó chực mâm cơm rơi nước mắt

Chuột nhìn hũ gạo rụng lông nheo…

Di văn vật sự của cụ Nhiêu Tâm rất phong phú. Cùng với những nhà Nho, nhà thơ ưu thời mẫn thế khác ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhà thơ Nhiêu Tâm là nhà thơ tài hoa. Ngoài tài thơ, ông sống gảin dị và thanh bạch, quý trọng tình nghĩa, yêu thương đồng bào, tấm lòng ông khảng khái thanh cao. Tấm lòng và tài năng của nhà thơ Nhiêu Tâm góp vào lĩnh vực văn chương của Nam Bộ, của cả nước những tác phẩm văn thơ mang đậm dấu ấn con người, thời đại mang nhiều biến cố của lịch sử – văn hóa nước nhà.

Khi nhà thơ Nhiêu Tâm mất, không thấy có vợ con, quyến thuộc đến viếng, chỉ có học trò chịu tang. Bạn bè, người làng Sơn Đông đứng ra làm tang lễ và mai táng ông. Ngôi mộ của ông bằng đất, nằm giữa ruộng lúa thuộc ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ.

Ngày 20 tháng 12 năm 2000, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định công nhận ngôi mộ nhà thơ Nhiêu Tâm là di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh. Đến năm 2002, nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu ngôi mộ và làm đường dẫn đến ngôi mộ để khách thập phương đến viếng thuận tiện hơn và cũng để tỏ lòng tôn kính đối với một nhà thơ  "là một kiện tướng trong thi giới nước nhà nói chung và là một nhà thơ trào phúng xuất sắc của thi giới miền Nam nói riêng".

Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *